- Hình ảnh đẹp ngày trở về của những phạm nhân được đặc xá
- Giây phút đặc biệt của người sắp nhận quyết định đặc xá
Chị Đỗ Thị Minh Đức, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái đón tổ công tác cấp CCCD lưu động Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CAQ Bắc Từ Liêm và không giấu được sự e ngại bởi chị biết, những trường hợp được cấp CCCD tại đây đều là những ca khó.
"Thật may mắn vì các anh, các chị đến tận Trung tâm để giúp đỡ chúng tôi. Người già cũng cần có CCCD gắn chíp. Nếu anh chị không đến, chúng tôi phải đưa các cụ lên quận làm rất vất vả" - chị Đức bày tỏ.
Thực hiện thủ tục thu nhận hồ sơ cấp CCCD tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái |
Trước đó, qua quá trình rà soát địa bàn, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - CAQ Bắc Từ Liêm phát hiện tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái trên địa bàn phường Minh Khai có hơn 100 cụ già cao tuổi và nhiều cụ chưa được cấp CCCD.
Đội đã khớp nối dữ liệu với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, xác định chỉ có 21 trường hợp đủ điều kiện được cấp CCCD do đã có thông tin.
Theo chị Hà Minh Ngọc, nhân viên công tác xã hội tại Trung tâm, đây đều là những cụ ở tuổi gần đất xa trời, không có nhận thức và phải bón thức ăn hàng ngày. “Một số cụ có thể vận động được, còn đại đa số phải sử dụng phương tiện xe lăn” - chị Ngọc cho hay.
Để cụ ông này không... gãi, cán bộ Trung tâm đã phải đưa điện thoại của mình cho cụ cầm để cán bộ có thể chụp được ảnh |
Một chiều hè nóng nực, chúng tôi đã theo chân tổ công tác lưu động đến Trung tâm Nhân Ái. Căn phòng làm việc của Giám đốc Trung tâm được trưng dụng làm nơi thu nhận hồ sơ. Bước chân đến gần cánh cửa, vẳng ra tiếng nói của mấy CBCS tổ công tác “Bác ơi bác nhìn vào ống kính”, “Nào bác ơi, không gãi nữa, bác nhìn vào máy ảnh giúp cháu”, “Bác ơi cố lên, sắp được rồi”… nhưng đáp lại là những ánh mắt vô định, nhìn ngang nhìn dọc. Bất chợt lúc nào đó, bắt được khoảnh khắc, Đại úy Nguyễn Huy Đức bấm phím chụp và thở phào “Ảnh đẹp rồi cụ ơi”.
Đó chỉ là một phần khó trong cả quá trình thu nhận hồ sơ của các cụ. Trung tá Nguyễn Thanh Huyền, Đội phó Đội Cảnh sát QLHC về TTXH cho hay, gian nan nhất là đoạn lấy vân tay. “Các trường hợp đủ điều kiện được cấp CCCD tại đây đều đã già yếu, dấu vân tay mòn vẹt theo thời gian, cứng vì không vận động, các cụ nhận thức kém. Có cụ từ đầu đến cuối chỉ gãi, cán bộ một mặt lấy vân tay, mặt khác phải cử người giữ tay còn lại để cụ… không gãi” - Trung tá Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ.
Bức ảnh tốt nhất sau gần 15 phút xoay xở |
Đại úy Nguyễn Huy Đức được cả Đội Cảnh sát QLHC về TTXH mệnh danh là “ông trùm của những ca khó” vì Đức còn trẻ, thông thạo kỹ thuật. Nhớ cao điểm cấp CCCD năm 2021, Đức được làm cha, nhưng bất kể ngày hay đêm, khi các tổ cấp lưu động cần hỗ trợ anh đều có mặt. Nhưng hôm nay, tại đây, không thiếu những trường hợp, anh phải “thúc thủ” - không lấy được dấu vân tay dù đã làm đi làm lại nhiều lần.
Trung tá Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ, thực hiện chỉ tiêu CATP giao về cấp CCCD gắn chíp cho tất cả công dân có hộ khẩu thường trú và tạm trú trên địa bàn, toàn Đội Cảnh sát QLHC về TTXH đều được điều đi cấp CCCD lưu động. Hiện CAQ Bắc Từ Liêm đã đạt khoảng 85% chỉ tiêu. Tuy nhiên, trên địa bàn cũng còn nhiều trường hợp không thể thu nhận hồ sơ cấp CCCD vì nhiều lý do khác nhau. “Trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh, chúng tôi vẫn chỉ đạo tổ công tác lưu động cấp CCCD và công an các phường tranh thủ thời gian làm việc không nghỉ, hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD, nhất là các trường hợp khó. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, tổ chức thu nhận hồ sơ tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe người già trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi công dân cho các cụ” - Trung tá Nguyễn Thanh Huyền thông tin.
Khó nhất vẫn là công đoạn lấy vân tay và Đại úy Nguyễn Huy Đức đã phải "thúc thủ" trước không ít trường hợp |
Đảm bảo quyền lợi công dân có CCCD vừa là trách nhiệm, vừa là việc làm mang tính nhân văn của người Cảnh sát QLHC về TTXH. Vì thế, dù còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn tự nguyện lên đường thu nhận hồ sơ, để tất cả những ai trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên đều được cấp CCCD gắn chíp.