“Cặp bài trùng sát thủ” của tội phạm truy nã (1)

ANTĐ  - Gây tội lỗi rồi trốn chạy là “đặc tính” tất yếu của tội phạm. Hành động ấy cũng đồng nghĩa với việc những kẻ phạm tội tự đẩy mình vào cuộc sống chui lủi chẳng khác nào địa ngục nhằm trốn tránh sự truy lùng của các chiến sĩ Công an.

“Tầm nã” là một mặt trận âm thầm nhưng không kém phần nguy hiểm và quyết liệt. Khi nói về những chiến sĩ “tầm nã” tội phạm ở lực lượng Công an tỉnh Khánh Hòa không thể không nói đến một “cặp bài trùng” được coi là “sát thủ” của tội phạm truy nã thuộc Phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC52).

Gần hai mươi năm gắn bó với nhau, “cặp bài trùng” này hiểu nhau từ cái “búng tay” đến cái “nháy mắt”. Họ đều là những đại biểu xuất sắc của Công an Khánh Hòa. Cứ mỗi khi “cặp bài trùng” này lên đường thì rất hiếm khi phải về “tay trắng”. Vì thế mà con số những tên tội phạm bị “cặp bài trùng” này truy bắt đã lên đến hàng trăm.

Một ngày trung tuần tháng 12-2011, được tiếp xúc và nghe họ kể về những chuyến “tầm nã” gian nan của “cặp bài trùng” khiến chúng tôi hiểu được phần nào sự vất vả trong nghề mà các anh đang gắn bó. Thật khó giải thích, vì sao hai con người có tính cách và hình thức hoàn toàn trái ngược nhau lại có thể trở thành “cặp bài trùng” ăn ý nhau "từng xăng-ti-mét" trong công việc đến thế. Đã bao năm nay họ, một là đội trưởng, một là phó đội trưởng Đội truy nã tội phạm từ hồi còn ở Phòng Cảnh sát hình sự và nay là Đội truy nã tội phạm về trật tự xã hội thuộc Phòng PC52 Công an tỉnh. Một người thì cao to, trắng trẻo, dáng bệ vệ như một “ông chủ doanh nghiệp”, lúc nào cũng cười nói oang oang, đó là người đội trưởng, Trung tá Đặng Quốc Quân. Còn người Đội phó lại giống như một “anh hai miền biển” thứ thiệt có dáng đậm, da đen, mặt lầm lì và ít nói. Tên anh là Lê Nhường, 46 tuổi, cấp bậc Trung tá.

Ngồi nghe họ kể, thấy họ “nháy mắt”, “nhắc vở” mới hiểu vì sao, đồng đội gọi họ là “cặp bài trùng” ăn ý. Đối với những vụ án liên quan đến đối tượng truy nã, thông thường khó ấn định được thời gian kết thúc. Có khi là một ngày, một tuần, một tháng, một năm. Cũng có khi, đến 10 hay 20 năm sau mới bắt được đối tượng. Cuộc truy bắt tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm Quách Sĩ Sáu là một ví dụ. Đêm 30 Tết năm Giáp Tuất 1994, tại khu vực cây số 62 huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk xảy ra một vụ giết cướp với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Lợi dụng tiếng pháo giao thừa, một nhóm cướp gồm 4 tên đã đột nhập nhà một chủ tiệm vàng xả súng, hạ sát các nạn nhân rồi cướp đi nhiều tài sản có giá trị.

Công an Đăc Lắc khi đó đã mở một cuộc điều tra quy mô và nhanh chóng bắt được 3 đối tượng. Riêng tên Quách Sĩ Sáu (sinh năm 1970, trú tại Nông trường 3 huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) là đối tượng có vai trò chủ chốt “lặn mất tăm”. Đến tháng 8-1994, Công an Đắk Lắk đã ra lệnh truy nã đặc biệt đối với Quách Sĩ Sáu. Trung tá Quốc Quân cho biết, ngay sau khi vụ án xảy ra, các trinh sát hình sự Công an Khánh Hòa và Công an Đắk Lắk đã phối hợp rất chặt chẽ trong công tác nhằm truy tìm thủ phạm. Xác định các đối tượng gây ra vụ cướp kinh hoàng này đều là những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, nên việc truy bắt Quách Sĩ Sáu vẫn luôn được các trinh sát lưu tâm.

Qua nghiên cứu lai lịch đối tượng, các trinh sát xác định phải luôn “để mắt” tới Quách Sĩ Ngại và Quách Văn Bảy là anh trai và em trai của Quách Sĩ Sáu hiện đang cư trú tại xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa. Đây cũng là một trong những “đầu mối” quan trọng có thể lần ra tung tích tên tội phạm nguy hiểm. Ngay từ thời điểm ấy cho đến trước khi đối tượng Quách Sĩ Sáu sa lưới công tác xây dựng cơ sở, công tác vận động quần chúng ở Ninh Thượng luôn được các trinh sát trong Đội trú trọng thực hiện. Vì vậy mọi di biến động của Sáu tại địa bàn Ninh Thượng đều được các trinh sát nắm bắt kịp thời.

22 giờ ngày 25-2-2011, Trung tá Đặng Quốc Quân  nhận được thông tin có một người đàn ông trung niên có nhiều đặc điểm giống với Quách Sĩ Sáu xuất hiện tại nhà của Quách Sĩ Ngại. Sau khi xác minh đó chính là Quách Sĩ Sáu, một kế hoạch tổ chức vây bắt đã được xây dựng tỉ mỉ. “Cặp bài trùng” Đặng Quốc Quân, Lê Nhường cùng hai trinh sát trong đội được lệnh lên đường. Nhận định, Quách Sĩ Sáu là đối tượng đặc biệt nguy hiểm mà theo lời khai của đồng bọn thì Sáu là kẻ có “hàng nóng”, nên hai anh chọn giải pháp bắt bất ngờ để Sáu không kịp chống đỡ, tránh gây nguy hiểm cho lực lượng truy bắt. Nhà Quách Sĩ Ngại và Quách Văn Bảy ở cách nhau khoảng 100m và để cho “chắc ăn”, thì lực lượng truy bắt được chia làm hai mũi tiếp cận ở cả hai nơi. Đúng 3 giờ sáng 26-2-2011, trong lúc mọi người đang còn say giấc, thì hai mũi công tác do Trung tá Đặng Quốc Quân và Trung tá Lê Nhường chỉ huy đã đồng loạt ập vào nhà của Ngại và Bảy. Tại nhà của Quách Sĩ Ngại, mũi công tác của trung tá Đặng Quốc Quân đã nhanh chóng khống chế một người đàn ông đang ngủ trên giường. Sau vài tiếng ú ớ, hiểu ra sự tình người đàn ông này đã gục đầu lí nhí “em là Sáu, em xin chịu tội”.

Nhắc đến địa danh EaKar, tỉnh Đắk Lắk, Trung tá Lê Nhường say sưa kể lại một chuyến công tác đầy kỷ niệm của “cặp bài trùng”. Đó chính là cuộc truy tìm đối tượng truy nã Tạ Kim Thanh (sinh năm 1955), quê ở huyện Xuân Hòa (tỉnh Phú Yên), tạm trú tại tổ dân phố Hoà Do, phường Cam Phú Bắc, TP. Cam Ranh. Tên này cũng gây ra một vụ án trong dịp Tết Kỷ Tỵ năm 1989. Do mâu thuẫn với bạn chơi đánh bạc, Thanh đã nổi nóng rút lưỡi lê đâm chết một người trong sòng bạc.

Gây án xong, Thanh dắt vợ con bỏ trốn. Hơn 10 năm ròng rã, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã nhiều lần cử trinh sát truy tìm, nhưng tin tức về y vẫn “biệt vô âm tín”. Công việc cứ chồng chất, vụ án kéo dài đến cuối năm 2004 mới kết thúc. Lần này, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội quyết định lập chuyên án, đồng thời giao nhiệm vụ trực tiếp cho Đội trưởng Đặng Quốc Quân và Đội phó Lê Nhường truy tìm hung thủ.

“Khó khăn cho chúng tôi là không biết mặt đối tượng, chỉ biết anh ta bị sún răng, có vợ tên là Đào Thị Lệ. Sau nhiều ngày đi Phú Yên, lên Đăk Lăk xác minh rồi nhờ cơ sở giúp đỡ, chúng tôi nhận được thông tin Thanh đang cư trú tại huyện Eakar (Đắk Lắk). Thế nhưng, khi chúng tôi liên hệ với Công an huyện Eakar nhờ lục tìm trong danh sách các hộ nhập khẩu thì không thấy có ai tên Tạ Kim Thanh, chỉ có Nguyễn Ngọc Thanh nhập khẩu năm 2001. Tuy nhiên, trong hồ sơ, vợ của Nguyễn Ngọc Thanh lại trùng tên, trùng quê với Tạ Kim Thanh. Phải chăng đây chính là tên Tạ Kim Thanh đã thay họ, tên đệm để “mai danh, ẩn tích”? Mặc dù còn phân vân bởi Nguyễn Ngọc Thanh hiện tại là một chủ doanh nghiệp làm ăn có uy tín tại thị trấn Eakar, nhưng chúng tôi vẫn quyết định lên đường.

Điều quan trọng là bắt như thế nào để không gây rúng động cho gia đình và dư luận? Cùng thời điểm đó, con của Nguyễn Ngọc Thanh liên quan đến vụ đánh nhau tại địa phương. Lấy “cớ” này, chúng tôi mời Thanh lên giải quyết… để bắt luôn. Khi người đàn ông có cái tên Nguyễn Ngọc Thanh có mặt tại trụ sở Công an thị trấn Eakar, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì đã từng gặp hắn trong quán cà phê ở thị trấn. Thanh cũng vậy, thấy chúng tôi, anh ta bỗng giật mình. Đúng là hắn rồi! Chúng tôi đánh bài ngửa: “Tạ Ngọc Thanh, anh đã bị bắt”. Không hề có chút kháng cự, Thanh chỉ biết cúi đầu nhận tội. Khi theo chúng tôi về lại Nha Trang, anh ta mới thú nhận rằng trong khoảng thời gian trốn lên Eakar làm ăn, lúc nào anh ta cũng nơm nớp lo sợ sẽ có một ngày mình bị bắt. Hôm phát hiện chúng tôi hay ngồi trong quán cà phê nơi anh ta thường ngồi, cảm giác đó lại xuất hiện…”.

(còn tiếp)