Cấp bách tiêu thụ hành tím

ANTĐ - Mặc dù xác định việc tiêu thụ mặt hàng hành tím tại thị trường Hà Nội sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng đại diện một số siêu thị và ban quản lý chợ vẫn cam kết tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ hành tím.

Sáng nay (25-4), Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị thúc đẩy tiêu thụ hành tím giúp nông dân tỉnh Sóc Trăng.

Người dân Hà Nội chưa biết cách chế biến hành tím
Sẽ hỗ trợ bán hàng

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tình hình tiêu thụ hành tím do nông dân tỉnh Sóc Trăng trồng rất chậm do những năm trước, doanh nghiệp thường thu mua để xuất khẩu sang Indonesia, nhưng năm nay họ không tiếp tục thu mua nữa. Trong khi đó, thị trường trong nước lại tiêu thụ rất ít mặt hàng này, dẫn đến tồn đọng.

Sau khi biết thông tin trên, một số doanh nghiệp tại Hà Nội đã cam kết tiêu thụ hành tím. Cụ thể, công ty cổ phần siêu thị Vinmart 28 tấn, công ty cổ phần Nhất Nam 4 tấn, công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội 1 tấn. Dự kiến ngày 28-4 tới, hành tím sẽ ra đến Hà Nội. Giá bán tại Hà Nội dự kiến từ 11.000- 13.000 đồng/kg.

Theo đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối Long Biên, mặt hàng hành tím rất đặc thù, không phải hàng tiêu dùng hàng ngày nên sẽ khó tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu hành tím được chuyển từ Sóc Trăng ra, ban quản lý chợ sẽ tạo điều kiện cho xe vào chợ bán hàng từ 9-17h hàng ngày.

Đại diện ban quản lý một số chợ: Cầu Diễn, Đồng Xa, Minh Khai, Đống Đa… cũng cho biết, việc tiêu thụ hành tím trong chợ tương đối khó khăn. Tuy nhiên, các chợ sẽ bố trí cho xe chở mặt hàng này vào bán. Để đẩy mạnh tiêu thụ, trước hết ban quản lý chợ sẽ tuyên truyền, vận động cho cán bộ công đoàn chợ mua về dùng.

Cần thêm thông tin về hành tím

Cam kết hỗ trợ người dân Sóc Trăng tiêu thụ hành tím thông qua hệ thống phân phối của mình, bà Mai Khuê Anh, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: “Trong lúc cấp bách, chúng tôi có thể tiêu thụ giúp 20 tấn hành tím. Còn về lâu dài, chúng tôi có thể nhận làm đầu mối tiêu thụ. Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng phải giới thiệu chi tiết về hành tím, vì đây không phải là hành khô, lượng nước nhiều, hao hụt trong vận chuyển lớn, rán lên thì màu đen khác với hành tại miền Bắc. Miền Nam ngâm hành tím với dấm đường hoặc nước mắm, nhưng người miền Bắc phải có thêm hướng dẫn sử dụng để tiêu dùng lâu dài”.

Bà Mai Khuê Anh cũng đề nghị nên đưa ra mức giá bán lẻ thống nhất cho mặt hàng này tại thị trường Hà Nội. “Giá hàng loại 1 tại Sóc Trăng hiện là 9.000 đồng/kg, chi phí vận chuyển đến Hà Nội 2.500 đồng/kg, giá bán là 13.000 đồng thì kể cả doanh nghiệp không có lãi, cũng khó đủ chi phí bốc dỡ, bao bì, lưu kho, hao hụt (thường từ 7-10%)…”- Bà Mai Khuê Anh nói.

Đại diện công đoàn ngành công thương cũng kiến nghị, hiện nay thông tin về giá hành đang “nhiễu”. Người dân Hà Nội thấy giá hành tím tại Sóc Trăng là 3.000 đồng/kg, ra đến Hà Nội 11.000-13.000 đồng/kg là đắt. Vị đại diện này kiến nghị: “Thông tin tuyên truyền đến người tiêu dùng phải rõ ràng, giá hành loại 1 hay loại 2, loại 3? Chất lượng khác nhau thế nào để người mua tin tưởng”.

Theo đại diện Cục Chế biến (Bộ NN&PTNT), tiêu thụ hành tím giúp người dân trong bối cảnh hiện tại là cần thiết, nhưng cần lưu ý để tránh tiêu thụ giúp doanh nghiệp Sóc Trăng, thay vì hỗ trợ trực tiếp người sản xuất.
“Làm sao để cắt ngắn khâu phân phối, giúp đỡ trực tiếp được người nông dân và giá hợp lý với người tiêu dùng”- đại diện Bộ NN&PTNT nói. Thêm nữa, Bộ Công Thương cần xem xét tại sao thị trường Indonesia không có nhu cầu nhập khẩu nữa, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Phía Bộ NN&PTNT sẽ khuyến cáo quy hoạch trồng trọt để giảm thiểu tình trạng thừa, ùn tắc. Đại diện Cục Chế biến cũng cho biết thêm, các doanh nghiệp chế biến, bảo quản cũng được hỗ trợ vốn vay, lãi suất nên doanh nghiệp cần tìm hiểu để tiêu thụ hàng hóa tốt hơn.