“Cạo trọc” rừng phòng hộ đầu nguồn

ANTĐ - Chỉ trong thời gian ngắn, lâm tặc đã gây ra hàng chục vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham (thuộc xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà). Tại  tiểu khu 192 và 193 cây rừng bị phá tan hoang hàng ngàn gốc cây gỗ trơ trọi.

Câu hỏi đặt ra, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phòng hộ đông đảo như thế nhưng không hiểu sao lâm tặc vẫn ngang nhiên gây ra hàng chục vụ phá rừng phòng hộ.
Đổ xô phá rừng

Dọc theo con đường mòn từ thôn Gò Ra, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, chúng tôi ngược con suối nhỏ lên tiểu khu 193 khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn. Men theo dòng suối, chúng tôi cũng tiếp cận được khu vực rừng bị tàn phá. Hiện trường trước mắt gỗ keo bị đốn ngã nằm ngổn ngang. Nhiều cây gỗ bị lâm tặc cưa đứt đoạn bỏ ngang giữa đường đi.

 

Những gốc gỗ to bị lâm tặc đốn hạ 

Tại tiểu khu 192, rừng bị chặt phá không thương tiếc. Những cây gỗ to được bị phạt ngang thân, nằm xoài theo độ dốc. Ngoài ra có hàng trăm cây gỗ bị khứa xung quanh gốc chờ chết khô, lâm tặc xẻ từng khúc vận chuyển ra khỏi rừng, đây cũng là ký hiệu “xí phần” gỗ đã có chủ. Nhiều khu vực sau khi lâm tặc đốn lấy gỗ, người dân đã nhanh chóng trồng cây mì trên đất rừng phòng hộ.

 

Một khu rừng phòng hộ Thạch Nham bị lâm tặc chặt phá tan hoang 

Những kẻ phá rừng còn tập hợp những cây gỗ to, chất thành đống dọc con đường để chuẩn bị theo con đường mòn  tuồn ra ngoài rừng. Theo người dân ở thôn Gò Ra cho biết, ban đầu thấy nhiều người lên chặt gỗ đem về bán cho các điểm thu mua gỗ, nhưng không thấy cơ quan chức năng bắt giữ xử phạt họ. Nhiều người bắt chước rủ nhau lên rừng phòng hộ thi nhau cưa gỗ đưa đem đi bán. Khi chúng tôi mục sở thị tại điểm phá rừng thì phát hiện đối tượng Đinh Văn Lang (27 tuổi) ở thôn Gò Ra đang kéo 4 cây gỗ keo vừa đốn đưa xuống núi. Bên những khúc gỗ keo còn tươi rói, Đinh Văn Lang vô tư cho biết: “Nếu không chặt thì người khác cũng chặt nên tôi mới tranh thủ lên chặt đem về bán”. Đinh Văn Lang cũng đã bị lực lượng kiểm lâm bắt ngay sau đó khi đang kéo gỗ ra khỏi rừng.

 

 “Lâm tặc” Đinh Văn Lang bị bắt cùng tang vật gỗ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Khu vực rừng phòng hộ Thạch Nham có nhiều trạm gác của lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham. Tuy nhiên, qua thực tế  thì ở các trạm này không phát huy tác dụng để xảy ra hàng chục vụ phá rừng tại thôn Gò Ra. Chính do sự buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng ở đây nên đã vô tình “tiếp tay” cho lâm tặc mặc sức hoành hành. Bước đầu xác định có trên 30 đối tượng phá rừng ở tiểu khu 192, trong đó có 22 đối tượng ngụ ở thôn Đèo Rơn, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà và 8 đối tượng ngụ thôn Gò Ra.

 Vừa lấy gỗ vừa chiếm đất trồng mì

Rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham trải rộng khắp huyện Sơn Hà và một số huyện lân cận. Rừng phòng hộ Thạch Nham có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước, đất Thạch Nham. Song  gần đây, những cánh rừng này tại xã Sơn Thành đang bị hàng chục người dân xâm canh, tàn phá tan hoang dưới mọi hình thức.

Ngoài việc người dân đổ xô chặt gỗ keo rừng phòng hộ đem bán, thời gian gần đây do giá nguyên liệu mì tăng vọt lên gần 3.000 đồng/kg, thấy việc trồng mì có lợi, nên người dân ở xã Sơn Thành chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham vừa để lấy gỗ vừa để lấy đất trồng mì.

Theo báo cáo sơ bộ của Hạt kiểm lâm Sơn Hà, từ tháng 3-2011 đến nay tổng diện tích rừng bị chặt phá tại tiểu khu 192 và 193 thuộc xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà trên 18ha với 22 vụ chặt phá rừng. Đơn cử trong ngày 5-4-2011, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham đã lập biên bản việc chặt phá rừng đối với ông Đinh Văn Thương ở thôn Gò Ra, xã Sơn Thành. Ông Thương đã phát 5.200m2  tại lô 4d, khoảnh 4, tiểu khu 192.

Theo ông Tạ Tiến –  Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sơn Hà cho biết: hiện tượng phá rừng trồng mì đã xuất hiện từ nhiều tháng nay. Người dân ở các xã nói trên lợi dụng những lúc vắng lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã lén lút vào rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham chặt cây phát luống rồi sau đó tiến tới lấn chiếm đất này để trồng mì.

Được biết, xã Sơn Thành có hàng trăm hộ được giao nhận rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham để chăm sóc bảo vệ và họ đã được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn. Nhưng nay vì thấy cái lợi trước mắt, người dân đã chặt phá rừng đầu nguồn Thạch Nham để trồng mì. Việc tàn phá này, làm cho rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham bị thu hẹp và nguy cơ hạn hán, xói mòn, lũ quét sẽ xảy ra...

Trước tình hình rừng phòng hộ bị tàn phá, lực lượng kiểm lâm của huyện Sơn Hà, UBND xã Sơn Thành đã mời các hộ có hành vi chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn đến giáo dục, kiểm điểm và làm cam kết với chính quyền không tái lặp việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham.

Để rừng phòng hộ đầu nguồn không bị tàn phá, ngoài việc giáo dục người dân có ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng đầu nguồn và kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham.