Cáo trạng chỉ rõ sai phạm của các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm

ANTD.VN - Sau nửa buổi sáng (8-1) kiểm tra căn cước các bị cáo, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng cùng đồng phạm chuyển sang phần công bố cáo trạng truy tố. 

Cáo trạng chỉ rõ sai phạm của các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm ảnh 1

Bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trả lời câu hỏi của HĐXX

Đầu tư tài chính vượt gần 1.000 tỉ đồng

Theo cáo trạng truy tố các bị cáo, từ năm 2008 đến năm 2012, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận là Tổng giám đốc đã thi công 67 công trình. Công ty mẹ - PVC trực tiếp thi công 20 công trình, nhưng chỉ có 8 công trình có khả năng cân đối tài chính.

Trong khoảng thời gian 2010-2011, PVC góp vốn đầu tư vào hơn 40 công ty. Thậm chí, có thời điểm, tổng giá trị đầu tư tài chính lên tới gần 3.500 tỉ đồng, vượt gần 1.000 tỉ đồng so với vốn điều lệ (2.500 tỉ đồng). Việc này đã làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC.

Để tạo điều kiện cho PVC, đầu năm 2010, ông Đinh La Thăng khi đó là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ký văn bản gửi Thủ tướng đề xuấtcho phép PVN tiếp tục được giao nhiệm vụ cho PVC và một số đơn vị có năng lực thuộc Bộ Xây dựng được thực hiện xây lắp các dự án do PVN, đơn vị thành viên PVN làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu”.  

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm 

Gần ba tháng sau, ông Thăng tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng xin đưa Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu, đồng thời đề xuất Chính phủ ủy quyền cho HĐQT PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.

Cáo trạng truy tố các bị cáo xác định, mặc dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu nhưng tháng 6-2010, ông Thăng vẫn ký Nghị quyết đồng ý về chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, theo hình thức chỉ định thầu.

Tại Bản Kết luận giám định ngày 11-12-2017, Giám định viên tư pháp Bộ Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư kết luận “PVC không đảm bảo các yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực tài chính để thực hiện gói thầu EPC dự án”. Việc lựa chọn PVC là nhà thầu EPC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng.

Gây thiệt hại gần 120 tỉ đồng

Cũng liên quan đến việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ngày 28-2-2011, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) Vũ Huy Quang và Tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận đã ký Hợp đồng EPC số 33 và PVPower là công ty TNHH một thành viên do PVN là chủ sở hữu vốn.

Tài liệu truy tố các bị cáo cho rằng, hợp đồng EPC số 33 nêu trên được lập, ký không đúng quy định của pháp luật, có nhiều nội dung không có thật, nhất là điều khoản quy định về giá trị hợp đồng và thanh toán...

Ngày 1-3-2011, PVN và PVPower tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Một ngày sau đó, theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam có công văn gửi PVPower đề nghị tạm ứng 72 triệu USD.

Cáo trạng chỉ rõ sai phạm của các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm ảnh 3

Bị cáo Trinh Xuân Thanh (đứng giữa, hàng đầu) tại phiên tòa 

Do không có vốn nên ngày 2-3-2011, Chủ tịch PVPower Đỗ Chí Thanh đã ký công văn gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ quý I-2011 cho doanh nghiệp này, để có tiền tạm ứng cho Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam.  

“Với lý do PVPower không đủ năng lực làm chủ đầu tư, Đinh La Thăng chỉ đạo Phùng Đình Thực và Nguyễn Quốc Khánh (Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc PVN) làm thủ tục để PVN thay PVPower trực tiếp làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC theo Hợp đồng EPC”- cáo trạng nêu rõ.

PVN sau đó đã chuyển gần 8,3 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho Ban quản lý dự án Thái Bình 2 để chuyển tạm ứng cho PVC số tiền hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã dùng số tiền tạm ứng nói trên để trả gốc, lãi đối với các khoản nợ, đầu tư, góp vốn vào các dự án, công trình, công ty khác.

Xác định hành vi phạm tội của các bị cáo, cáo trạng cũng thể hiện, ngay từ ngày 7-9-2011, PVN đã biết rõ việc PVC sử dụng số tiền tạm ứng trong dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sai mục đích, nhưng lãnh đạo PVN không có ý kiến thu hồi.

Gần nửa năm sau, Chủ tịch PVN khi đó là ông Phùng Đình Thực mới yêu cầu người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVC là Trịnh Xuân Thanh báo cáo tình hình sử dụng nguồn kinh phí PVN đã tạm ứng cho dự án Thái Bình 2. Và phải đến tháng 3-2012, Trưởng Ban quản lý dự án Thái Bình 2 mới có công văn yêu cầu PVC hoàn trả tiền tạm ứng bị sử dụng sai mục đích.

Kết quả điều tra xác định, số tiền tạm ứng bị PVC sử dụng sai mục đích là trên 1.115 tỉ đồng và đến tháng 11-2017 mới thu hồi được trên 1.087 tỉ đồng. Theo kết luận giám định, ông Đinh La Thăng và các bị cáo liên quan đã gây thiệt hại cho PVN tổng số tiền gần 120 tỉ đồng.

Ông Đinh La Thăng thừa nhận có sai phạm trong chỉ đạo thực hiện dự án

Cáo trạng truy tố các bị cáo nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn, trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước.

Thậm chí, một số bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập chứng từ khống, rút tiền của Dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Cơ quan truy tố cũng cho rằng, hành vi này của các bị cáo đã “gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật”.

Cáo trạng chỉ rõ sai phạm của các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm ảnh 4

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của HĐXX

Quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định và chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA cấp tạm ứng trái quy định.

Bản cáo trạng truy tố các bị cáo cũng cho biết, quá trình điều tra, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu. Bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình công tác là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.

Trong khi đó, cáo trạng xác định Trịnh Xuân Thanh có hành vi chỉ đạo Tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng trên 6,6 triệu USD và trên 1.300 tỉ đồng, quyết định sử dụng trái mục đích trên 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỉ đồng.

Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn đề ra chủ trương và cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) và Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) lập khống hồ sơ, rút trên 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.

Chiếm đoạt số tiền hàng chục tỉ đồng, Trịnh Xuân Thanh hưởng lợi cá nhân 4 tỉ đồng và phải chịu trách nhiệm cùng các bị cáo khác trong việc sử dụng chung số tiền 1,5 tỉ đồng. “Sau khi phạm tội, bị cáo bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra là những tình tiết cần xem xét để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc”.