Cao tốc Thái Bình- Nam Định có tổng mức đầu tư lớn nhưng chưa làm rõ phương án tài chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Thái Bình, Nam Định do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Geleximco.

Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo phương án đề xuất, dự án có tổng chiều dài gần 61km. Trong đó, chiều dài tuyến đi qua địa bàn tỉnh Nam Định là gần 28km, qua tỉnh Thái Bình là hơn 33km.

Điểm đầu tại Km 19+300 đầu cầu vượt sông Đáy thuộc địa phận xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Điểm cuối khoảng Km 80+240 tại nút giao giữa QL37 và tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, địa phận xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Thái Bình, Nam Định do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Geleximco.

Tuyến cao tốc sẽ được đầu tư quy mô đường cao tốc cấp 120 với 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, tốc độ thiết kế 120km/h. Tổng mức đầu tư dự án là gần 19.800 tỷ đồng.

Đối chiếu Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Đường cao tốc đánh giá phạm vi dự án, quy mô đề xuất là phù hợp.

Cao tốc Thái Bình- Nam Định được yêu cầu làm rõ phương án tài chính

Cao tốc Thái Bình- Nam Định được yêu cầu làm rõ phương án tài chính

Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đề cập đến sự phù hợp của dự án với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương.

UBND tỉnh Thái Bình cần chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, làm rõ, đánh giá sự phù hợp của dự án với kế hoạch sử dụng đất của các địa phương có tuyến đi qua", báo cáo thẩm định nêu.

Liên quan đến công tác khảo sát giao thông, Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, dự báo nhu cầu vận tải, báo cáo khảo sát giao thông mới có bảng thống kê kết quả phỏng vấn lái xe, không có kết quả khảo sát lưu lượng xe.

Do vậy, đề nghị tỉnh Thái Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan bổ sung khảo sát giao thông để chính xác lưu lượng xe phục vụ tính toán nhu cầu vận tải và phương án tài chính của dự án.

"Các bên liên quan cũng cần rà soát các kịch bản dự báo nhu cầu vận tải khi có các tuyến đường mới đưa vào khai thác trên địa bàn tỉnh Nam Định, Thái Bình như: đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định đang triển khai thi công, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành đã phê duyệt chủ trương đầu tư, cao tốc Hưng Yên - Thái Bình có tiến trình đầu tư sau năm 2030...", Cục Đường cao tốc khuyến cáo.

Cũng theo cơ quan thẩm định chuyên môn, theo hồ sơ trình lên, trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua Nam Định, Thái Bình được bố trí 6 nút giao liên thông.

Mặc dù vậy, số liệu dự báo nhu cầu vận tải tính toán cho toàn bộ chiều dài đường cao tốc chưa phân tách kết quả dự báo cho từng đoạn tuyến theo phạm vi giữa các nút giao, chưa xác định nhu cầu vận tải trên từng nhánh nút giao để xác định sơ đồ nút giao, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật các nhánh trong nút giao.

Dự án được đầu tư theo phương thức PPP, theo quy định tại Luật PPP, sau khi phê duyệt dự án sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; tổng mức đầu tư được phê duyệt là cơ sở để lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, nhà đầu tư đề xuất dự án vẫn chưa xác định cụ thể chất lượng, trữ lượng (cát sông và cát biển) phục vụ dự án trên địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Đối với đất đắp và đá, trên địa bàn 2 tỉnh không có mỏ. Hồ sơ trình kiến nghị tận dụng đất đào của dự án để đắp báo và đất mua tại các mỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình; Đá mua các mỏ tại tỉnh Ninh Bình và Hà Nam.

"Như vậy, hồ sơ trình thẩm định chưa xác định đầy đủ nguồn cung cấp vật liệu đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án", báo cáo nêu.