Cạnh tranh kiểu “xấu chơi”

ANTĐ - Sau khi liveshow “Người Hà Nội” bị cắt băng rôn quảng cáo 2 lần, mới đây, lại có thêm một chương trình bị ngang nhiên cắt tấm pa-nô quảng cáo ngay tại khu vực biểu diễn. Đây không phải là lần đầu tiên kiểu cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trong giới tổ chức biểu diễn.

Tấm pa-nô của chương trình “Thu về trên phố” bị cắt hết phần thông tin bên dưới 

Tấm pa-nô chương trình ca nhạc “Thu về trên phố” - Trịnh Công Sơn - Đoàn Chuẩn - Từ Linh diễn ra ngày 14-9 được treo tại Cung văn hóa Hữu nghị (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) bỗng dưng bị cắt hết toàn bộ đoạn thông tin bên dưới. Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc sản xuất chương trình, Công ty Hữu nghị Á châu bức xúc, tấm pa-nô được treo lên chưa đầy một tuần nhưng đã bị cắt, cho thấy chủ ý phá hoại rất rõ ràng. Đây không phải lần đầu tiên, Công ty Hữu Nghị Á châu gặp phải tình cảnh này,  vào tháng 9-2012, 3 tấm pa-nô của chương trình “Lắng nghe mùa thu vàng” treo tại Cung văn hóa Hữu nghị cũng bị rạch nát hết phần thông tin nghệ sỹ trình diễn. 

Và cách đây chưa lâu, show nhạc “Người Hà Nội” nằm trong chuỗi chương trình In The Spotlight được tổ chức vào 19 và 20-7 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội cũng đã 2 lần bị rạch và thậm chí cắt nát băng-rôn quảng cáo treo ngay tại khu vực biểu diễn. Không chỉ cắt băng- rôn, chương trình Hồng Nhung: “Có phải em mùa thu Hà Nội” (tháng 10-2012) còn bị kẻ xấu đổ chất thải, xú uế vào khu vực phòng vé. 

Pa-nô của liveshow “Người Hà Nội” cũng bị kẻ gian khoét một mảng cách đây không lâu

Điều này cho thấy các chương trình âm nhạc với sự xuất hiện của các nghệ sỹ nổi tiếng đang trở thành mục tiêu của những trò phá hoại. Kẻ xấu thường chọn cách cắt, xé, tẩy xóa những đoạn thông tin về danh sách nghệ sỹ biểu diễn, số điện thoại đặt vé… nhằm, cắt đứt đường dây liên lạc giữa người xem với đơn vị tổ chức. Đáng buồn hơn, những hành vi phản cảm lại ngang nhiên diễn ra tại chính địa điểm biểu diễn lớn, ngay giữa trung tâm Thủ đô nơi khán giả đến để được lắng nghe, thưởng thức những chương trình chất lượng, ý nghĩa, với sự bất lực của các đơn vị cho thuê địa điểm cũng như những nhà sản xuất sự kiện.

Ông Phạm Văn Quang cho biết: “Vô cùng bức xúc, nhưng cũng không có giải pháp nào ngăn chặn. Chúng tôi đã từng thuê người trông nom những tấm quảng cáo này nhưng không xuể, lại phải bỏ tiền đi in lại”. Một loạt vụ việc xảy ra như trên, cho thấy một bộ phận các đơn vị tổ chức sự kiện đang sử dụng chiêu thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu văn hóa để triệt hạ đối thủ. Khi chưa có mức độ xử phạt cụ thể dành cho hành vi đáng xấu hổ này, việc phá hoại băng-rôn, biển quảng cáo lại càng có cơ hội tiếp diễn dưới nhiều hình thức, ngang nhiên, công khai hơn. Cần sự vào cuộc của các đơn vị chức năng để kịp thời chấn chỉnh, dẹp bỏ hành vi thiếu minh bạch, đáng lên án của một bộ phận những người đang tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhằm trả lại một diện mạo đẹp đẽ, trong sạch cho Thủ đô trong hoạt động tổ chức biểu diễn.