Cạnh tranh “ăn xổi”

(ANTĐ) - “Trong khi các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài đánh giá môi trường kinh doanh, cạnh tranh ở Việt Nam là khá cởi mở, thông thoáng dần thì các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang phải chật vật tự khẳng định vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế.

Cạnh tranh “ăn xổi”

(ANTĐ) - “Trong khi các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài đánh giá môi trường kinh doanh, cạnh tranh ở Việt Nam là khá cởi mở, thông thoáng dần thì các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang phải chật vật tự khẳng định vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế.

Cạnh tranh chủ yếu vẫn nặng về giá cả và đối đầu trực tiếp, chứ không phải dựa trên chất lượng và sự khác biệt sản phẩm, dịch vụ”. Đó là nội dung cốt lõi của Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 vừa được công bố.

Bản báo cáo nói lên một thực trạng là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn rất khiêm tốn, chủ yếu dựa vào điều kiện “tiên thiên” có sẵn và yếu tố đầu vào giá rẻ. Kết luận không gây mất bất ngờ này cũng được “minh họa” qua danh sách 500 công ty lớn nhất Việt Nam.

Bởi vì tham chiếu vào danh sách này thấy khá rõ, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được quy tụ từ chính sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp tiêu biểu. Nhìn cũng thấy rằng, một giọt nước có thể phản ánh cả một dòng sông hay biển cả. Doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài thông lệ các bảng xếp hạng trên thế giới, tức là các công ty “đại gia” trong ngành dầu khí, ngân hàng, điện lực và viễn thông luôn giành vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng 500. Song nếu “nội soi” một cách kỹ lưỡng thì sẽ phát hiện thấy “nội tạng” của “top 500” trong nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác biệt đáng ngạc nhiên so với các công ty cùng loại trên thế giới.

Đáng ngạc nhiên vì, mặc dù nước ta không phải là một cường quốc dầu khí trên bản đồ năng lượng thế giới, nhưng có tới 21/100 công ty lớn nhất lại “sống” bằng xăng, dầu và khí đốt. Nếu tính cả các hoạt động kinh doanh ngoài ngành của các doanh nghiệp dầu khí nhà nước trong các lĩnh vực thương mại, điện lực và dịch vụ, chắc chắn con số trên còn nhiều hơn thế.

 Một hiện tượng đáng lưu ý là, cho dù mức độ giàu có và thể trạng của người dân Việt Nam hiện ở dưới mức trung bình của thế giới, nhưng trong đội ngũ 100 công ty tầm cỡ nhất đã có tới 5 công ty vàng, bạc, đá quý; đồng thời có tới 6 công ty chuyên sản xuất những thứ dễ gây nghiện ngập như rượu, bia, thuốc lá trải khắp từ Bắc chí Nam. Nên nhớ rằng tất cả 11 “đại gia” này đều là công ty trong nước, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa. Đáng quan tâm hơn, trong nhiều “bảng vàng” xếp hạng trên thế giới, một công ty phải tự sản xuất ô tô nguyên chiếc thì mới có thể được đứng trong đội ngũ công ty lớn.

Còn ở Việt Nam, chỉ cần lắp ráp ô tô thôi đã nghiễm nhiên được ngồi “chiếu trên”. Hơn thế, doanh thu của các “ông lớn” chuyên lắp ráp ô tô không phải kiếm được từ năng lực cạnh tranh quốc tế, trái lại là được sự nâng đỡ “hào phóng” trong chính sách bảo hộ rất dài của Chính phủ. Được “chiều chuộng” vậy mà đến nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn cứ “non trẻ” mãi. Đáng ngạc nhiên đến mức lo ngại là có tới già nửa trong “top 100” là các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu “lớn mạnh” nhờ tận khai tài nguyên như dầu khí và khai khoáng mỏ hoặc nhờ “khai thác” vị thế độc quyền như trong các ngành điện lực, hàng không, đường sắt, viễn thông ngay trên thị trường trong nước.

Soi vào nội lực và nội sinh của hầu hết các công ty Việt Nam được xếp hạng “top 100”, có thể thấy các “ông lớn” này không hẳn là mạnh, không đủ sức cạnh tranh khu vực chứ chưa nói tới tầm quốc tế. Lớn nhờ bảo hộ, nhờ khai thác ưu đãi, nhất là nhờ được nuôi dưỡng bởi giá rẻ đầu vào và vị thế độc quyền. Nói cho thẳng, năng lực cạnh tranh vẫn chỉ là “ăn xổi”.

Đan Thanh