Cảnh tỉnh thích đáng các youtuber nhẫn tâm “đầu độc” trẻ em trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Youtuber Thơ Nguyễn với clip “xin vía búp bê để học giỏi” gây bức xúc dư luận trong những ngày vừa qua đã chính thức bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cổ súy mê tín đoan”. Trước đó, không ít Youtuber, Vlogger... cùng chủ nhân của nhiều trang mạng xã hội khác ở Việt Nam đã bị “tuýt còi” vì có hành vi vi phạm pháp luật. Điều đáng nói là những hệ lụy từ các sản phẩm của họ sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả nhỏ tuổi vốn chưa đủ kỹ năng tự bảo vệ trước thông tin độc hại.
Không chỉ dừng lại ở những trò vô bổ, “nghịch dại” mà Thơ Nguyễn còn làm ra những clip có tính “xui dại trẻ con” khiến người lớn xem cũng phải giật mình

Không chỉ dừng lại ở những trò vô bổ, “nghịch dại” mà Thơ Nguyễn còn làm ra những clip có tính “xui dại trẻ con” khiến người lớn xem cũng phải giật mình

Từ vô hại đến nguy hại

Không phải đến bây giờ người ta mới bức xúc và sợ hãi trước những mối nguy hại mà con trẻ có thể gặp phải khi “dạo chơi” trên mạng xã hội. Mặc dù một số kênh như Youtube có bổ sung thêm chức năng bật/tắt chế độ hạn chế để lọc bỏ các nội dung dành cho người trưởng thành phần nào tránh đối tượng là trẻ em có thể vô tình xem phải, tuy nhiên không thể nào kiểm soát được hết những video clip độc hại.

Trường hợp Youtuber Thơ Nguyễn là một ví dụ. Youtuber sinh năm 1992 ở Bình Dương này lập kênh Youtube riêng từ năm 2016, sau gần 5 năm thì số lượng người đăng ký kênh của cô đã lên tới hơn 8 triệu - một con số mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz Việt cũng chưa chạm tới. Ban đầu các clip được đăng tải chỉ nói về đồ chơi, đồ ăn, các câu chuyện vui nhộn mà lứa tuổi từ mầm non, mẫu giáo đến tiểu học vẫn thường gặp từ nhà ra ngõ.

Cũng bởi thế mà kênh này được các bậc phụ huynh xem là vô hại, dù nội dung có phần “nhảm”, chỉ chủ yếu mang tính giải trí. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tiêu chí mà Thơ Nguyễn đặt ra khi xây dựng kênh là “kênh giải trí dành cho các bạn nhỏ”, tức là không định xây dựng những clip “đao to búa lớn” nào mang tính dạy dỗ hay có ý nghĩa giáo dục. Tuy nhiên, tính giải trí đơn thuần như Youtuber này đặt ra ngày càng bị méo mó, lệch lạc, trở thành mối lo ngại, thậm chí tiềm ẩn những nguy hại khó lường.

Không chỉ dừng lại ở những trò vô bổ, “nghịch dại” như: thử ăn sống con tôm hùm, ăn cơm trộn với trứng sống, ăn sống con bạch tuộc khổng lồ, dùng tiền để cắt đôi mọi thứ, cho đá khô vào chai nước kín khiến chai nước phát nổ, bịt mắt ngửi chân người khác… mà Thơ Nguyễn còn làm ra những clip có tính “xui dại trẻ con” khiến người lớn xem cũng phải giật mình. Trong đó có thể kể đến clip bật tất cả các loại lon, hộp có nắp như: nước ngọt có ga, hộp gel cạo râu, gel xịt tóc… ở dưới nước để xem có phản ứng hóa học nào xảy ra không. Đặc biệt, Youtuber này còn nhốt bạn của mình ở ngoài ban công, bắt thực hiện thử thách sống ngoài đó 1 ngày, rồi thử bám vào sợi dây thừng trèo ra ngoài ban công để trốn thoát mà không được.

Nhiều ý kiến cho rằng việc bị xử phạt Thơ Nguyễn số tiền 7,5 triệu đồng chẳng đáng là bao so với thu nhập mà một Youtuber có gần chục triệu người theo dõi kiếm được. Mức phạt này e rằng cũng không đủ sức răn đe và cảnh tỉnh các Youtuber khác có thể bất chấp vi phạm pháp luật để kiếm tiền. Việc xử phạt các hành vi vi phạm đương nhiên phải dựa trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đã đến lúc cơ quan lập pháp cần xem xét đến việc chỉnh sửa lại hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật có nguy cơ làm hại tâm hồn trẻ thơ - đối tượng chưa đủ kỹ năng, kiến thức và cả bộ lọc để không bị “đầu độc” bởi những “ba bị, mẹ mìn” trên mạng xã hội.

Mặc dù ở mỗi clip kiểu như vậy, Thơ Nguyễn đều khuyến cáo các em nhỏ đây là trò khá nguy hiểm nên không được làm theo, nhưng một khi đã kích hoạt vào trí tò mò của còn non nớt, hướng dẫn các em tỉ mỉ cách làm như vậy thì khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”. Ai dám đảm bảo trong số hàng triệu em nhỏ xem clip của Thơ Nguyễn sẽ không có cô bé, cậu bé dại dột nào làm theo? Lẽ ra với những clip tiềm ẩn nguy hiểm như vậy thì Thơ Nguyễn đáng bị lên án, tẩy chay và xử phạt từ lâu.

Song, phải đến gần đây khi cô này đăng tải clip “xin vía búp bê học giỏi” thì dư luận mới thật sự phẫn nộ vì sự lố lăng không thể chấp nhận được. Không hiểu vì hết ý tưởng, vì quá kém hiểu biết, hay vì cố tình muốn xoáy vào những gì khiến các em tò mò để câu “view” bất chấp mà Thơ Nguyễn làm hẳn clip nói về một loại “búp bê ma” có yếu tố mê tín dị đoan. Dù sau đó, khi bị phản ứng dữ dội, Youtuber này đã thanh minh rằng có một clip khác phủ nhận việc “búp bê ma” trên có tác dụng cầu được ước thấy, song vẫn không làm dịu đi cơn phẫn nộ của dư luận. Có lẽ lúc này, nhiều bậc phụ huynh mới tìm xem lại các clip mà Thơ Nguyễn làm trước kia và hốt hoảng với những gì con em mình xem. Người ta còn phát hiện ra rằng, đây không phải lần đầu tiên Thơ Nguyễn nhắc đến “búp bê ma”.

Nỗi lo “ba bị, mẹ mìn” trên mạng xã hội

Chỉ cần lắp mạng Internet là có thể truy cập và xem miễn phí các nội dung được đăng tải trên nhiều kênh mạng xã hội. Cũng chỉ cần một vài thao tác là có thể tự lập ra kênh riêng, trở thành một Youtuber, Tiktoker, Vlogger… và thoải mái đăng mọi thứ, miễn không vi phạm pháp luật, không xâm phạm bản quyền thuộc về sở hữu trí tuệ. Chính bởi sự dễ dàng này mà không gian “ảo” trở thành nơi có thể xuất hiện những nhân vật có thể làm hại tâm hồn trẻ thơ bất cứ lúc nào. Có thể gọi tên đó là những “ba bị, mẹ mìn” núp bóng phía sau các tài khoản mạng xã hội.

Trong số này có rất nhiều kênh chỉ cho trẻ em “chơi dại” còn nguy hiểm hơn cả Thơ Nguyễn. Ví dụ như kênh PHD có tới hơn 6 triệu lượt người đăng ký theo dõi từng gây tranh cãi với việc đăng clip dùng búa đập phá bức tường gạch của nhà mình, sau đó dỡ cánh cổng sắt vứt xuống ao, rồi đập luôn cả hàng rào xung quanh nhà với mục đích “trêu mẹ”, rồi cuối cùng tuyên bố “cùng lắm đưa cho mẹ tiền làm cánh cổng khác”. Chủ kênh này còn làm ra một loạt video tương tự như: dẫn cháu đi nhuộm tóc xem phản ứng của mẹ, làm vỡ tivi của mẹ thì sẽ ra sao... Tuy không giới hạn độ tuổi người xem, song nhiều clip trên kênh này được cho là nhắm đến đối tượng người xem là các em nhỏ, nhất là lứa tuổi học sinh.

Bên cạnh đó có thể kể đến kênh H.T.Đ.C với hơn 4 triệu lượt đăng ký theo dõi, cũng xây dựng theo mô típ người lớn đóng giả trẻ em, nhưng thường xuyên đăng tải các clip gây tranh cãi như: lừa bạn ăn dép tổ ong, ăn phấn và giẻ lau bảng, ăn đất sét, ăn xà phòng, uống bột giặt… Một kênh khác cũng khá nổi tiếng là kênh của con trai bà Tân Vlog. Sau khi tạo dựng được kênh riêng kiếm bộn tiền cho mẹ mình thì anh này cũng bắt tay vào lập ra một vài kênh riêng và tính đến thời điểm hiện tại, một trong số đó đã thu hút tới hơn 3 triệu người đăng ký theo dõi.

Không ít clip được cậu con trai của bà Tân thực hiện và đăng tải clip khiến dư luận bức xúc vì có nội dung phản cảm, có thể tác động không tốt đến sự hình thành suy nghĩ và hành vi của trẻ nhỏ như: đóng giả người lạ lấy trộm xe đạp của mẹ, trộm gà nhà hàng xóm, đập vỡ lợn tiết kiệm của em để lấy tiền đi chơi, cho xe máy nổ hất văng nước để gội đầu, nấu cháo gà nguyên lông… Mặc dù sau đó chủ kênh này từng không dưới một lần bị cơ quan chức năng mời lên làm việc và xử phạt, song kết quả là Youtuber này cũng chỉ thừa nhận hành vi của mình là do thiếu hiểu biết, nghĩ đơn giản đăng tải video với mục đích trêu đùa.

Không chỉ các kênh “made in Việt Nam” mà nhiều kênh Youtube nước ngoài cũng có thể đe dọa đến tâm hồn, thậm chí sự an toàn của trẻ nhỏ bất cứ lúc nào. Có thời gian cả xã hội xôn xao, phẫn nộ, sợ hãi trước một kênh Youtube ngoại M.M với nhân vật được xây dựng là con búp bê hình thù quái đản, kỳ dị, được một kẻ có đầu óc không bình thường xây dựng nội dung với mục đích rủ rê, ép buộc người xem làm theo những thử thách cực kỳ nguy hiểm, bao gồm cả ý định tự sát.

Sự việc bé gái ở TP.HCM tử vong vì treo cổ bằng cách lấy khăn voan buộc vào giường tầng; vụ bé trai ở Đồng Nai tử vong tại phòng tắm trong tình trạng treo lơ lửng sát tường… được cho là do học theo những video hướng dẫn trên kênh này. Tất cả đều dấy lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ. Song, ngay chính người lớn cũng hoang mang không biết phải làm thế nào để bảo vệ con em mình được an toàn trên thế giới mạng đầy rẫy sự nguy hiểm và cạm bẫy.

Hình ảnh nấu cháo gà nguyên lông của Hưng Vlog (con trai bà Tân Vlog)

Hình ảnh nấu cháo gà nguyên lông của Hưng Vlog (con trai bà Tân Vlog)

Phải “giơ cao, đánh mạnh”

Sau sự việc của Thơ Nguyễn gây phẫn nộ dư luận xã hội, cơ quan chức năng đã vào cuộc có phần quyết liệt hơn. Cụ thể, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và TikTok Việt Nam đã thống nhất phối hợp lập đường dây nóng hoạt động 24/7 giữa 3 đơn vị. Việc thiết lập ra hotline này được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan chức năng kịp thời nắm được thông tin về các nội dung độc hại với trẻ em để nhanh chóng xử lý sự việc.

Ba đơn vị trên cũng sẽ thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin, vụ việc tương tự xảy ra trên các trang mạng xã hội. Không chỉ vậy, phía cơ quan chức năng Việt Nam cũng đề nghị phía TikTok chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên kiểm duyệt nội dung, bồi dưỡng thêm các kiến thức về văn hóa, tín ngưỡng cũng như lịch sử của Việt Nam cho đội ngũ này để khi kiểm duyệt, không bỏ sót các thông tin độc hại, nhất là nội dung hướng tới đối tượng trẻ em.

Hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã giao cho Cục An toàn thông tin kết hợp với Cục Trẻ em soạn thảo đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”. Trước đó vàu đầu tháng 3-2020, Cục An toàn thông tin và Cục Trẻ em đã ký kết kế hoạch phối hợp về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu tăng cường sự phối hợp chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đến thời điểm này, nhiều nội dung hoạt động đã và đang được 2 cơ quan phối hợp thực hiện như: khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để kết nối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

Trước và sau Thơ Nguyễn, đã và sẽ có không biết bao nhiêu clip nguy hiểm có thể làm hại tâm hồn và cả sự an toàn của tính mạng trẻ thơ được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội. Tuy nhiên trên thực tế có thể thấy các hành vi này dù sau đó bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là vi phạm pháp luật, song chỉ bị xử phạt hành chính, mức phạt cũng chỉ trên dưới chục triệu đồng, không thấm vào đâu so với thu nhập mà họ kiếm được từ mạng xã hội.

Theo số liệu từ một website theo dõi, thống kê và phân tích các trang mạng xã hội thì kênh của Thơ Nguyễn thu về hơn 1,7 tỷ lượt xem trong năm 2020, trung bình khoảng 144 triệu lượt xem/tháng. Doanh thu có thể tương đương 16 tỷ đồng/năm, khoảng 1,3 tỷ đồng/tháng. Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng việc bị xử phạt Thơ Nguyễn số tiền 7,5 triệu đồng chẳng đáng là bao so với thu nhập mà một Youtuber có gần chục triệu người theo dõi kiếm được.

Mức phạt này e rằng cũng không đủ sức răn đe và cảnh tỉnh các Youtuber khác có thể bất chấp vi phạm pháp luật để kiếm tiền. Việc xử phạt các hành vi vi phạm đương nhiên phải dựa trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đã đến lúc cơ quan lập pháp cần xem xét đến việc chỉnh sửa lại hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật có nguy cơ làm hại tâm hồn trẻ thơ - đối tượng chưa đủ kỹ năng, kiến thức và cả bộ lọc để không bị “đầu độc” bởi những “ba bị, mẹ mìn” trên mạng xã hội.