Cảnh sát phòng cháy chữa cháy lý giải việc mưa bão dễ xảy ra chập cháy

ANTD.VN - Nhiều người dân vẫn có quan niệm cho cho rằng vào mùa mưa, hoặc lúc trời đang mưa to sẽ khó xảy ra cháy, thậm chí không thể cháy được. Thế nhưng, đã có hàng nghìn vụ cháy lớn xảy ra khi trời mưa bão rất to và như vậy đâu là nguyên nhân?

Mưa bão... nguyên nhân gây hỏa hoạn

Hỏa hoạn có thể xảy ra ở bất cứ đâu, ngay cả trên mặt nước. Năm 2017, theo thống kê của  ngành thủy sản đã có trên 20 tàu cá, tàu biển bị cháy, nhiều tàu cá đã bị thiêu rụi hoàn toàn ngay khi đang ở trên mặt nước, tại thời điểm mưa bão lớn.

Cột điện bốc cháy trong đêm khi trời mưa bão lớn

Còn tại Hà Nội, đêm 31-7 vừa qua trời mưa như trút nước, không ai có thể ngờ lại xảy ra vụ hỏa hoạn lớn. Cửa hàng ảnh viện áo cưới ở số 70 đường Xã Đàn, quận Đống Đa bất ngờ bốc cháy dữ dội tại tầng 2. Lửa cháy lan ra cả phía ngoài, mặc mưa to gió lớn cũng không làm giảm được cột khói bốc nghi ngút. Ngay sau khi nhận được thông tin, Phòng Cảnh sát PCCC số 2, phụ trách quận Đống Đa đã triển khai phương tiện, phun vòi rồng trong thời gian dài mới khống chế được ngọn lửa. Rất may vụ cháy đã không gây thiệt hại về người, nhưng nhiều đồ đạc đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Cũng trong tối 31-7, tại tầng 15 tòa chung cư số 143 đường Trần Phú, quận Hà Đông xảy ra hỏa hoạn, khiến cư dân hoảng hốt. Trước đó vào cuối năm 2017, một vụ cháy nhà dân tại đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân vào đúng thời điểm mưa như trút nước. Phải gần 1 giờ sau lực lượng chữa cháy mới phun vòi rồng dập tắt đựợc ngọn lửa. Điều đáng nói, các vụ cháy trên đều xảy ra trong thời điểm mưa lớn. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 - phụ trách quận Cầu Giấy phân tích: “Hỏa hoạn luôn rình rập ở mọi nơi, mọi lúc không kể trời mưa hay nắng. Vì sao vào thời điểm mưa lớn vẫn xảy ra hỏa hoạn lớn, bởi đó là sự chủ quan đối với công tác an toàn PCCC của người dân. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu xảy cháy tại thời điểm “không tưởng” trong suy nghĩ của người dân là do chập điện. Khi đường dây bị hở mối nối dẫn đến mô ve, nung nóng hệ thống dây làm chập gây cháy. Có thể chập ở tại nơi dính dây, nhưng cũng có thể chập ở đầu khu vực tiếp cận thiết bị trong gia đình. Còn tại trụ điện do nước mưa ngấm vào đường dây bị hở, gây ra hiện tượng ôxy hóa, dẫn đến chập điện gây nổ và cháy tại các trụ, cột điện và nhà dân”.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC số 3, nguy hiểm nhất, các vụ chập điện gây cháy, nổ thường xảy ra vào lúc nửa đêm, khiến cho nguy cơ thương vong do ngạt khói cao hơn. Ngoài ra, trong mùa mưa có nhiều yếu tố đáng lo ngại khác như cây xanh trên đường phố, công viên, khuôn viên trường học, bệnh viện… không được cắt tỉa nhánh, xử lý những cành khô, khi có gió to hoặc mưa lớn có thể gãy đổ làm đứt hệ thống điện, dây cáp viễn thông, truyền hình… gây chạm chập, dẫn đến cháy, nổ.

Khống chế hỏa hoạn phải từ ý thức, trách nhiệm PCCC

Theo chỉ huy Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, có những khu vực nhà xưởng, nơi sản xuất kinh doanh hễ mưa lớn là nguồn kích thích gây cháy. Tại những nơi này thường chứa nhiều loại dung môi, hóa chất… và khi hơi ẩm xúc tác, phản ứng cũng tiềm ẩn mối lo cháy nổ cao.

Cháy lớn tại cửa hàng áo cưới  ở đường Xã Đàn

Trước những tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt nhằm hạn chế các vụ cháy vào mùa mưa, Phòng Cảnh sát PCCC khu vực quận - huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, chủ cơ sở tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác PCCC tại chỗ. Cùng với đó, trong mùa mưa lực lượng Cảnh sát PCCC lập tổ công tác đặc biệt để phối hợp với các lực lượng liên quan như ngành điện, cơ sở hóa chất dễ cháy tuyên truyền tập huấn thường xuyên, kiểm tra, bảo trì hệ thống, đường dây tại các trụ cột, trạm biến áp...

Sở dĩ sự cố điện, chập cháy thường xảy ra tại mùa mưa và lúc mưa lớn là do sự ô xy hóa các mối nối, độ ẩm lớn gây nổ các trạm biến áp. Cuối tháng 6 vừa qua, tại TP Bắc Ninh trong một đêm mưa lớn đã phát nổ và cháy trạm biến áp làm mất điện toàn thành phố trong thời gian dài. Cơ quan Công an điều tra, xác định nguyên nhân chập, nổ trạm biến áp là do mưa to gây nên.

Đại diện cơ quan Cảnh sát PCCC đưa ra nhiều khuyến cáo, tuyên truyền người dân, cơ sở quản lý nguồn điện chặt chẽ, nhất là lựa chọn các thiết bị truyền tải điện phù hợp đề phòng quá tải chập cháy, rò rỉ điện bằng cách sử dụng cầu dao điện có thiết bị bảo vệ tự đóng - ngắt... Đối với các cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở doanh nghiệp tuân thủ quy định an toàn về điện. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC thành phố đã phối hợp với ngành điện đề nghị nâng cấp, cải tạo các đường dây điện tại những khu vực có nguy cơ cháy cao về điện để hạn chế tối đa các vụ cháy có thể xảy ra.

Thiếu tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (phòng số 3 - Hà Nội): khuyến cáo, tại các cơ sở tồn chứa xăng dầu và các công trình có nguy cơ cao phải được lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét, thực hiện kiểm tra định kỳ. Ngoài ra, người dân cần gia cố, chằng buộc chắc chắn các cửa, công trình tránh sụp đổ khi có dông, gió mạnh; tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC trước mùa mưa bão. Đối với các kho hóa chất, khi tiếp xúc với nước gây phản ứng tự cháy cần có biện pháp tránh ngập nước.

Cháy lớn tại quán bia ở quận Hoàng Mai trong lúc mưa to 

Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, đáng chú tại huyện Sóc Sơn mặc dù là mùa mưa, nhưng nguy cơ cháy rừng vẫn xảy ra. Do đó, cần tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, như không sử dụng lửa để bắt ong, hút thuốc không vứt tàn bừa bãi vì lá cây là chất dễ gây cháy lan…

Theo lực lượng Cảnh sát PCCC - TP Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 411 vụ cháy và 2 vụ nổ, trong đó có 2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 55 vụ cháy trung bình, 336 vụ cháy nhỏ, 5 vụ cháy rừng. Các vụ cháy đã khiến 4 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 263 tỷ đồng và 1,8 ha rừng. Trong các vụ cháy nổ, nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm tỷ lệ hơn 60%.