Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội khuyến cáo an toàn trong thao tác, sử dụng, tồn chứa khí Oxy đối với các cơ sở y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Nhằm hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy gây ra đối với các sự cố liên quan đến Oxy và khu vực được làm giàu Oxy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng cháy, hướng dẫn cách sử dụng, thao tác, tồn chứa khí Oxy, cũng như các thiết bị liên quan và có biện pháp giảm thiểu các rủi ro của loại hàng hóa đặc biệt này.
Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội Bàn giao các tờ rơi tuyên truyền, cảnh báo an toàn PCCC cho đại diện cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Hà Đông

Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội Bàn giao các tờ rơi tuyên truyền, cảnh báo an toàn PCCC cho đại diện cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Hà Đông

Khuyến cáo sử dụng Oxy y tế an toàn

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, ngày 15/8/2021, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3942/QĐ-UBND về việc ban hành lệnh khẩn cấp thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp, đầu tư hệ thống khí y tế tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Để đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội biên tập tài liệu hướng dẫn an toàn trong thao tác, sử dụng, tồn chứa khí Oxy y tế đối với các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo chỉ huy Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, Oxy y tế đóng một vai trò thiết yếu trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Mặc dù bản thân Oxy không cháy, nhưng trong môi trường giàu Oxy, vật liệu có thể dễ dàng bắt cháy bởi các nguồn bắt lửa như ma sát, ngọn lửa trần, thiết bị phẫu thuật được đốt nóng hoặc thiết bị điện.

Để tránh các sự cố liên quan đến Oxy và khu vực được làm giàu Oxy, điều quan trọng là nhân viên y tế phải hiểu biết về các rủi ro liên quan đến thao tác, sử dụng, tồn chứa khí Oxy, cũng như các thiết bị liên quan và có biện pháp giảm thiểu các rủi ro đó.

Để an toàn cho người sử dụng, cơ quan Cảnh sát phòng cháy khuyến cáo không được tự ý sửa chữa, thay đổi, tháo bỏ bất kỳ bộ phận nào của chai chứa khí hoặc van, kể cả cơ cấu giảm áp, các phụ kiện khác. Người sử dụng không được làm biến đổi hoặc thay đổi màu của chai chứa khí (vì bất cứ lý do nào) trừ khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện.

Sự nhiễm bẩn có thể xảy ra khi các tạp chất bên ngoài, khí lạ, vật liệu gia công hoặc chất lỏng lọt vào chai chứa khí qua van.

Nếu điều đó đã xảy ra hoặc nghi là xảy ra, người sử dụng phải phân biệt và đánh dấu một cách rõ ràng chai chứa khí đó và phải lưu ý đơn vị cung cấp chi tiết về sự nhiễm bẩn.

Trách nhiệm của người sử dụng là bảo đảm van đóng kín trong quá trình vận chuyển đến cơ sở cung cấp.

Việc sử dụng không đúng cách như dùng chai chứa khí làm vật lăn, vật đỡ hoặc các mục đích khác có thể gây cháy, nổ.

Hơn nữa, chai chứa khí không được để ở nơi mà nó có thể trở thành một phần của mạch điện. Chai chứa khí và các phụ kiện làm từ vật liệu ferit (nhiễm từ) (hầu hết các trường hợp chai chứa khí bằng thép) không được sử dụng gần kề thiết bị tạo cộng hưởng từ.

Một nguy cơ dẫn đến làm tổn thương/ rủi ro cho con người và làm hỏng thiết bị do các chai chứa khí đó bị nhiễm từ hút vào thiết bị.

Không được để chai chứa khí ở nơi có nhiệt độ trên 65oC. Không được để ngọn lửa hoặc nguồn nhiệt tác động trực tiếp vào bất kỳ bộ phận nào của chai chứa khí hoặc để nó tiếp xúc bất kỳ hệ thống năng lượng điện nào.

Thiết bị chứa đựng Oxy thế nào để an toàn

Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, người dân không được sử dụng chai chứa khí đã được phát hiện rò rỉ. Nếu có nguy hiểm thực sự dò khí, tất cả những người khác phải được sơ tán ra khỏi khu vực.

Một số lưu ý về an toàn cháy, nổ Oxy y tế
Một số lưu ý về an toàn cháy, nổ Oxy y tế

Đặc biệt, các chai chứa khí hoặc van chai bị hư hỏng hoặc bị ăn mòn rõ rệt, đơn vị cung cấp khí phải được thông báo và xử lý kịp thời.

Bất kỳ hư hỏng nào có thể làm giảm độ an toàn của chai trong quá trình sử dụng hoặc vận chuyển phải được thông báo cho đơn vị cung cấp khí lưu ý trước khi trả lại chai.

Vành bảo vệ/ che chắn van là các cơ cấu bảo vệ van, không được tháo lỏng, ngay cả khi chai được nối với thiết bị phân phối.

Người sử dụng không được tháo lỏng các vành bảo vệ/ che chắn van.

Khi van được tháo khỏi thiết bị phân phối, cơ cấu bảo vệ van phải được lắp ráp lại vào chai. Người sử dụng phải kiểm tra xem cơ cấu bảo vệ van được gắn có cùng loại, cùng cỡ như nhà cung cấp đã cung cấp cho chai trước đó hay không.

Độ kín khí của mũ và nút đầu ra của van phải đảm bảo theo các quy định hiện hành đối với một số khí có hại. Khi mũ/ nút đầu ra của van được cung cấp, nó phải đảm bảo không để rò rỉ khí ngay sau khi sử dụng.

Khi di chuyển phải sử dụng xe đẩy tay, xe nâng có càng hoặc các thiết bị xếp dỡ vật liệu tương tự với cơ cấu giữ chai chắc chắn, đặc biệt đối với các chai lớn hoặc nặng.

Tuy nhiên, ở khoảng cách ngắn, các chai lớn có thể dùng tay di chuyển bằng cách vừa xoay tròn đế chai vừa tiến lên khi chai ở tư thế hơi nghiêng.

Phải sử dụng các tấm chắn để chống rơi hoặc chống sự va chạm mạnh giữa các chai hoặc các chai với các bề mặt khác.

Không được sử dụng cơ cấu bảo vệ van để nâng chai trừ khi chúng được thiết kế cho công việc này.

Không được dùng cáp, xích hoặc dây để treo chai trừ khi người chế tạo đã lắp đặt chi tiết để nâng hạ thích hợp như là vấu lồi.

Có thể sử dụng thùng, giản bệ hoặc palet chứa đựng chai để nâng hạ chúng một cách thích hợp.

Một số chai nhỏ được thiết kế có các móc nâng mà cũng là cơ cấu bảo vệ van. Điều đó đảm bảo an toàn khi nâng các chai đó bằng tay.

Người sử dụng không được sang khí từ chai này sang chai khác trừ khi hệ thống được thiết kế an toàn cho phép sang khí và với sự đồng ý của đơn vị nhận chai hoặc cung cấp khí và nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Thao tác không đúng có thể gây nguy hiểm

Việc tháo van là một thao tác nguy hiểm và không an toàn ngay cả khi dự đoán hoặc tin tưởng là chai không chứa gì.

Không được sửa đổi, tháo rời hoặc sửa chữa van và các chi tiết của chúng.

Trong trường hợp van hoạt động không tốt, cần liên hệ với đơn vị cung cấp.

Trước khi sử dụng bất kỳ loại khí nào, phải đọc kỹ nhãn hiệu và nội dung phiếu ghi dữ liệu an toàn liên quan đến riêng khí đó.

Các chai chứa nhiều loại khí được gắn nhiều nhãn về sự nguy hiểm và tính chất nguy hiểm.

Van chai phải luôn luôn đóng trừ khi chai chứa khí đang được sử dụng.

Đầu ra của van không được hướng vào người khi van đang mở. Van chai không có tay vặn phải có chìa vặn (chìa khóa) kèm theo và chỉ được dùng chúng để mở, chìa vặn (chìa khóa) phải để lại trên van trong lúc chai đang được sử dụng.

Các đường ống, bộ điều chỉnh và các thiết bị khác phải kín khí để chống rò rỉ. Điều này có thể thực hiện bằng cách sử dụng các vật liệu thử rò rỉ tương thích (như là chất lỏng, chất tạo bọt…), hoặc dụng cụ phát hiện rò rỉ khí phù hợp.

Khi lắp đặt lần đầu, chỗ nối chai chứa phải luôn luôn được thử độ kín khí. Vật liệu thử độ kín khí phải tương thích với khí trong chai chứa, với vật liệu đấu nối (như là van, ống, vòi…) và vật liệu chế tạo chai.

Không được vặn chặt bộ nối hoặc điều chỉnh sự rò rỉ hoặc tiến hành các sửa chữa trong khi hệ thống đang chịu áp lực.

Không được làm giảm áp suất dư trong chai chứa khí thấp hơn áp suất làm việc của hệ thống hoặc thấp hơn áp suất dư nhỏ nhất để ngăn dòng ngược của không khí hoặc các tạp chất khác thâm nhập vào trong chai.

Van chai phải khóa để giữ áp suất dư, áp suất dư trong chai nhỏ nhất trong khoảng từ 0,5 bar đến 2 bar.

Trước khi tháo bộ điều chỉnh áp suất khỏi hệ thống, phải đóng kín van chai (trừ trường hợp tự đóng) và phải xả hết áp suất khí khỏi bộ điều chỉnh.

Van chai chứa khí được ghép liền với bộ điều chỉnh áp suất phải khóa kín sau khi sử dụng.

Bộ điều chỉnh, áp kế, ống mềm và các dụng cụ khác được cung cấp để dùng cho khí hoặc nhóm khí riêng, không được sử dụng với chai chứa các khí có tính chất hóa học khác.

Các thông tin có thể nhận được từ người sản xuất khí liên quan đến các khí thích hợp.

Trước khi sử dụng một chai chứa khí ở trong một không gian chật hẹp phải tiến hành đánh giá mức độ nguy hiểm để bảo đảm một sự thông gió thích hợp. Ít nhất là phải đánh giá các mức độ nguy hiểm sau: Nồng độ Oxy trong khu vực làm việc, trừ phòng áp suất cao (hyperbaric) không được vượt quá 25 % thể tích. Sử dụng hệ thống phát hiện và báo động phải được quan tâm để phát hiện sự rò rỉ hoặc sự tăng nồng độ của Oxy. Khi phát hiện nồng độ Oxy vượt quá 25% và có sự rò rỉ không kiểm soát được, ngay lập tức mọi người phải sơ tán ngay khỏi khu vực.

Nếu quần áo bị thấm bão hòa Oxy, người đó phải di chuyển khỏi nơi có nguồn Oxy và có nguồn gây cháy và cởi bỏ quần áo.

Khí Oxy là khí không cháy, nhưng khi có một nguồn gây cháy và nhiên liệu, chúng có thể tác động và làm tăng nhanh sự cháy một cách mãnh liệt. Vật liệu thông thường không cháy trong không khí có thể cháy trong khí quyển giàu oxy. Oxy tác dụng rất mạnh với vật liệu hữu cơ như dầu mỡ hoặc nhựa đường, hắc ín nếu bốc cháy do ngọn lửa, do va chạm hoặc các nguồn năng lượng khác.