Cảnh sát giao thông Hà Nội tiếp tục 'nâng' ý thức với người dân: Đã uống rượu bia - Không lái xe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau những ngày Tết Nguyên Đán, người dân thường có tâm lý rủ nhau khai Xuân, chúc tụng, họp mặt bạn bè nhân dịp năm mới. Trong các cuộc gặp gỡ, rượu bia thường là một phần không thể thiếu. Tuy nhiên, nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe khi đã uống rượu bia lại trở thành mối lo ngại đặc biệt trong giai đoạn sau Tết.

Dù pháp luật đã quy định rõ ràng và công tác tuyên truyền với khẩu hiệu “Đã uống rượu bia - Không lái xe” được lực lượng Công an triển khai thường xuyên, liên tục thông qua nhiều kênh, song, vẫn có những trường hợp người dân chủ quan, lái xe khi trong cơ thể đã có “cồn”. Hậu quả là không ít trường hợp đã gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến những mất mát về người và tài sản.

Các chốt kiểm tra nồng độ cồn tăng cường vào các khung giờ muộn

Các chốt kiểm tra nồng độ cồn tăng cường vào các khung giờ muộn

Nắm và dự báo tình hình, trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT Thủ Đô đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Trong những ngày đầu năm, đặc biệt là khi người dân trở lại nhịp sinh hoạt, làm việc bình thường, Phòng CSGT - CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đội quản lý địa bàn tập trung cắm chốt tại các khu vực trọng điểm, tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm.

Các phương tiện được dừng "test" nhanh bằng phương pháp định tính

Các phương tiện được dừng "test" nhanh bằng phương pháp định tính

“Họp mặt đầu Xuân mới là thói quen của người dân. Thông qua các buổi tụ họp này, mọi người sẽ cùng nâng ly chúc nhau một năm mới với những khởi đầu mới tốt lành, may mắn. Pháp luật không cấm uống rượu bia, song, khi đã có hơi men thì tuyệt đối không được lái xe.

Chúng tôi đã quán triệt rất kỹ đến từng cán bộ chiến sĩ, tuyệt đối không có “vùng cấm”, không “ngoại lệ”, vì khi xảy ra TNGT thì rất khó lường. Ai cũng mong một năm mới với những điều thuận lợi, nhưng một khi có sự cố, nhẹ thì xước xát, nặng hơn thì thiệt hại về người và tài sản. Đây đều là những điều không ai mong muốn nên việc tăng cường xử lý nồng độ cồn dịp đầu năm mới là một trong những chỉ đạo trọng tâm của đơn vị” - Chỉ huy Phòng CSGT cho biết.

Người dân chấp hành tốt, cho thấy ý thức đã được nâng lên

Người dân chấp hành tốt, cho thấy ý thức đã được nâng lên

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, các đơn vị đã triển khai quyết liệt. Ghi nhận tối 8-2 tại địa bàn quận Hà Đông, tổ công tác Đội CSGT số 7 đã triển khai cắm chốt theo kế hoạch. Theo đó, các trường hợp điều khiển phương tiện được kiểm tra đồng loạt bằng phương pháp định tính. Khi phát hiện có “cồn” sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng để đo chính xác mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, trong suốt ca làm việc, hơn 200 phương tiện đã được kiểm tra nhưng chỉ phát hiện duy nhất 1 trường hợp vi phạm ở mức độ rất nhẹ. Người này phân trần, do được mời nhiệt tình nên vì “cả nể” mà uống một chén. Qua đó cũng cho thấy, ý thức người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới để hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra

Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới để hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra

Một cán bộ CSGT trực tiếp tham gia kiểm tra chia sẻ: “So với những năm trước, số trường hợp vi phạm đã giảm đi rõ rệt. Đa số người dân đã chủ động chấp hành, hoặc lựa chọn phương tiện thay thế khi uống rượu bia”.

Sự thay đổi trong nhận thức và hành vi này chứng tỏ hiệu quả của các chính sách tuyên truyền, xử phạt nghiêm minh, cũng như ý thức ngày càng cao của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn sẽ duy trì việc kiểm tra, nhằm đảm bảo ý thức này không chỉ là tạm thời, mà trở thành thói quen lâu dài trong xã hội.

Từ ngày 01/01 đến 31/01, tại Hà Nội, xảy ra 94 vụ tai nạn giao thông, làm 59 người tử vong, 72 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 38, số người tử vong giảm 8, số người bị thương giảm 21.

Từ 01/01 đến 04/02, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý 19.892 trường hợp vi phạm, giảm 42,6% so với tháng trước khi chưa áp dụng Nghị định 168. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn còn gần 5.000 trường hợp; vi phạm tốc độ 1.441 trường hợp; vi phạm quá tải, dừng đỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm cũng giảm mạnh.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tại nhiều tuyến đường và nút giao thông, tình trạng vượt đèn đỏ, lấn làn, dừng đỗ sai quy định đã giảm rõ rệt. Người tham gia giao thông có ý thức hơn trong việc tuân thủ đèn tín hiệu, không chen lấn, lạng lách.

Để tiếp tục duy trì trật tự an toàn giao thông, trong thời gian tới, CSGT Hà Nội sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và tập trung xử lý 6 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn, gồm vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn; cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ, gây mất an toàn; vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn, đi ngược chiều; điều khiển xe thành đoàn, lạng lách, đua xe trái phép; lái xe kinh doanh vận tải sử dụng điện thoại, thiết bị giám sát hành trình không đúng quy định; vi phạm của lứa tuổi học sinh, trong đó có điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện, không đội mũ bảo hiểm.

Việc xử lý vi phạm sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, hướng đến xây dựng văn hóa giao thông “văn minh, hiện đại, an toàn”, góp phần tạo chuyển biến bền vững trong trật tự an toàn giao thông của Thủ đô.