Cảnh sát giải tỏa những thanh niên quá khích tại lễ hội giằng bông

ANTD.VN -Trước cảnh tượng hỗn loạn xảy ra tại lễ hội giằng bông, làng Sơn Đồng, Hoài Đức (Hà Nội) khi hàng trăm thanh niên lao vào đấm đá, bóp cổ nhau để cướp cây bông mong may mắn, sớm sinh quý tử, lực lượng an ninh bảo vệ lễ hội phải áp dụng biện pháp mạnh: dùng còng số 8 để trấn áp, giải tỏa những thanh niên quá khích.

Lực lượng an ninh ngăn chặn tình trạng bạo lực, phản cảm tại lễ hội giằng bông (ảnh: Vnexpress)

Cứ đến ngày mùng 6-2 (Âm lịch) hằng năm, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) lại tổ chức lễ hội giằng bông. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống với mong muốn cầu chúc những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Lễ hội thường kéo dài 3 ngày với nhiều trò chơi dân gian, trong đó phần nghi lễ giằng bông được chú ý nhất: nhằm thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của thanh niên trong làng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, nghi lễ này đã bị biến tướng và trở thành cuộc tranh giành đến mức gây phản cảm, bạo lực.

Đáng chú ý, lễ hội giằng bông năm nay đã xảy ra hiện tượng hỗn loạn khiến bất cứ ai cũng phải sợ hãi. Cụ thể, liên tục xảy ra tình trạng xô xát trong phần nghi lễ giằng bông: hàng trăm nam thanh niên chen lấn, xô đẩy, trèo lên đầu nhau, bóp cổ... thậm chí trong khi tranh giành cây bông, có trường hợp bị đối phương đấm vào miệng tới chảy cả máu.

Lực lượng an ninh phải dùng biện pháp mạnh trấn áp các thanh niên quá khích (ảnh: Vnexpress)

Trước tình hình đó, các cán bộ xã Sơn Đồng, dân phòng và ban tổ chức lễ hội nhanh chóng lao vào can thiệp song đành “bó tay”. Lực lượng an ninh bảo vệ lễ hội đã phải sử dụng biện pháp mạnh, đưa một người quá khích ra khỏi khu vực tranh cướp.

Theo người dân địa phương này, ai sắp có gia đình hoặc đang có gia đình nếu giành được hoặc chạm vào cây bông thì sẽ sinh quý tử, hoặc năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong công việc, là niềm tự hào của hàng xóm và gia đình.

Trước cảnh tượng khoảng sân đình rộng chưa đầy 100 mét vuông, hàng trăm thanh niên vòng trong vòng ngoài giẫm đạp lên nhau để giằng cây bông dài hơn 1m có 5 đốt, nhiều du khách đã ngỡ ngàng sợ hãi, và ngay khi video giằng cây bông được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến dư luận xôn xao bởi sự bạo lực.

Chia sẻ với báo chí, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về tình trạng bạo lực, phản cảm tại lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và thành lập đoàn kiểm tra về làm việc với chính quyền địa phương.

Theo đó, Bộ VH-TT&DL sẽ yêu cầu địa phương báo cáo và nghiêm túc chấn chỉnh, đưa ra các giải pháp thay đổi công tác quản lý và tổ chức đối với lễ hội giằng bông, kiên quyết không để tái diễn tình trạng bạo lực.

Chia sẻ với PV Báo An ninh Thủ đô, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, việc tranh cướp cây bông dẫn đến bạo lực đó nghĩa là sự mê tín của một số người dân đang có khuynh hướng bùng phát. Từ mê tín đó, những lễ hội trước đây vốn có yếu tố tranh cướp thì ngày càng trở lên kịch liệt.

“Chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn, vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tham gia lễ hội” – nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, sự tranh cướp tập trung chủ yếu tại các lễ hội thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong một vài năm trở lại đây, nhiều lễ hội đã hạn chế được sự phản cảm trên, hướng đến bình yên văn minh.

“Nguyên do dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại hội giằng bông làng Sơn Đồng đó là việc chuẩn bị không kỹ. Lễ hội nếu chưa có chuẩn bị, chưa hạn chế được bạo lực thì hãy tạm dừng trong một thời gian, bao giờ chuẩn bị tốt nhất mới làm” – Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng để các lễ hội diễn ra an toàn thì điều cần nhất là phải có một thiết chế thúc đẩy sự phát triển của khoa học; các thiết chế văn hóa, giáo dục, truyền thông cần phối hợp.tích cực tuyên truyền chống mê tín dị đoan.