Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng trong các trường hợp nào?

ANTD.VN -  Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị trong dự thảo luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) cần quy định rõ CSBVN được nổ súng trong trường hợp nào...  

Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật CSBVN

Chiều nay 22-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình về dự án Luật CSBVN…

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết hiện nay, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra do chiến lược, tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực và hoạt động của tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển...

Vì vậy, nhiệm vụ của CSBVN ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, phù hợp với hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Pháp lệnh về CSBVN.

Thực tiễn thi hành Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật CSBVN là cấp bách và cần thiết.

Luật hoá các quy định trong Pháp lệnh Cảnh sát biển năm 2008, để bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; bảo đảm thống nhất, rõ ràng, cụ thể hơn về hoạt động của CSBVN.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật CSBVN, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, việc xây dựng Luật CSBVN cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng Chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.

UBQPAN nhận thấy, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh Lực lượng CSBVN năm 2008, về cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của lực lượng CSBVN hiện nay.

Dự thảo Luật đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan. Theo đó, dự thảo Luật có tính khả thi cao. 

Về các nội dung cụ thể trong dự thảo luật này, vấn đề được quan tâm và còn nhiều ý kiến về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được quy định tại Điều 14 của dự thảo luật.

Có ý kiến cho rằng, quy định CSBVN được “sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan” là không chính xác, mâu thuẫn và vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Điều 22 và Điều 23).

Đồng thời các ý kiến cũng đề nghị làm rõ quy định về các trường hợp nổ súng tại khoản 3 (Điều 14) cho phù hợp với các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; làm rõ quy định cán bộ, chiến sĩ CSBVN trong khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng trong trường hợp “Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trong tình huống quốc phòng, an ninh” tại điểm a khoản 3.

UBQPAN đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, để bảo đảm phù hợp và thống nhất với pháp luật có liên quan.