Cảnh "nồi da nấu thịt" qua lời kể của tù nhân IS ở Iraq

ANTĐ - Lần đầu tiên lực lượng đặc nhiệm Mỹ sát cánh cùng đội quân người Kurd mở cuộc đột kích nhằm vào đội quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, họ đã giải cứu được 69 tù nhân gần thị trấn phía bắc Hawija của Iraq. Hôm 27-10, cũng là lần đầu tiên, bạn đọc được hiểu rõ hơn về cuộc sống khốn khổ của người dân Iraq dưới sự đàn áp tàn bạo của IS qua lời kể của 4 cựu tù nhân trong số đó.

Cảnh "nồi da nấu thịt" qua lời kể của tù nhân IS ở Iraq ảnh 1Những tù nhân của IS ở Iraq vừa được giải cứu tuần trước không khỏi 
xúc động khi nhắc đến gia đình họ


Trong vòng kìm kẹp của IS

Muhammad Hassan Abdullah al-Jibouri không mấy hy vọng là anh có thể sống sót, ra khỏi nhà tù của đội quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Vậy mà cuối thứ năm tuần trước, thật may mắn, Jibouri, một cảnh sát Iraq 35 tuổi cùng 69 tù nhân người Arập đã được giải thoát trong một cuộc đột kích quân sự gần thị trấn phía bắc Hawija của Iraq. Đây là lần đầu tiên lực lượng đặc nhiệm Mỹ hỗ trợ đội quân người Kurd chiến đấu chống IS trên chiến trường.

Ở Hawija, sự hà khắc và đòn tra tấn của phiến quân IS không nhằm vào kẻ thù ngoại đạo hay người nước ngoài, mà chính những người cùng theo dòng Hồi giáo Sunni. Một trong những tên đầu sỏ của IS ở khu vực này là người ở tỉnh Diyala gần đó và một số chiến binh là dân Hawija.

Năm ngoái, sau khi IS kéo đến Hawija, chúng lùng sục từng nhà, tịch thu vũ khí và tiền bạc. Anh Muhammad Abd Ahmed, 35 tuổi kể, sau khi bị tước vũ khí và không còn tài sản gì, những người đàn ông Sunni trong thị trấn được trả 50USD nếu đi theo phiến quân. Người dân địa phương phải tuân thủ nghiêm luật lệ của IS, từ cách ăn mặc  đến cách đặt tay khi cầu nguyện. Chỉ cần ai đó không tuân lệnh hoặc bất cẩn sẽ bị để ý hoặc đánh đập ngay, bỏ trốn càng bị trừng phạt nặng hơn. 

IS luôn cảnh giác với bất cứ ai đã từng phục vụ trong ngành cảnh sát hay quân đội Iraq, hoặc nghi ngờ có thể đã tiếp xúc với người Mỹ hoặc người Kurd. Vì thế, các trại giam ngày càng tăng lên. Nhóm vừa được giải cứu cho hay, họ bị nhốt trong khu nhà giam được IS đánh số là “trại số 8”. Tù nhân mới đến đều phải trải qua chương trình tra tấn từ sốc điện, đánh đập, bịt kín mặt bằng túi nilon cho đến khi bất tỉnh. Thực phẩm ít ỏi là miếng bánh mì đẩy qua cánh cửa buồng giam. Phòng giam của anh Jibouri có tới 39 tù nhân. Trong buồng có đặt một màn hình ti vi thường xuyên chiếu cảnh IS hành quyết con tin mà tất cả tù nhân buộc phải xem.

Nỗi đau thể xác và tinh thần

Rắc rối của ông Jibouri bắt đầu khi em trai mình, một giáo viên tiếng Anh ở Hawija bị nghi ngờ, bị giam rồi sau đó trốn thoát. Các phần tử khủng bố IS liền bắt Jibouri cùng 3 anh em trai trong gia đình, các anh em họ cùng người cha già 80 tuổi. Sau 1 tuần, những người này được thả, ngoại trừ một người anh lớn tuổi bị giết để răn đe. “Chúng thực sự là những kẻ máu lạnh khi hành quyết anh ấy”, anh Jibouri che mặt khóc nức nở.

Một thời gian sau, các tay súng IS đến tìm anh em của Jibouri một lần nữa. Sau khi tịch thu điện thoại di động của Jibouri, bọn chúng phát hiện ra 2 số liên lạc với binh sĩ Mỹ, những người đã từng làm việc với cảnh sát Iraq tại Hawija trong năm 2008. Jibouri một mực phủ nhận rằng anh không có bất cứ quan hệ nào với binh sỹ Mỹ, nên càng bị tra tấn thậm tệ. “Nếu tôi nói “có”, sẽ bị hành quyết ngay. Còn nếu nói “không”, chúng sẽ đánh đến khi nào nhận “có” thì thôi”, anh giải thích.

Nguyên do khiến Saad Khalif Ali Faraj, một sĩ quan cảnh sát 32 tuổi phải vào trại tù của IS cũng thật trớ trêu. Faraj cho biết, anh bị bắt giam vì một trong hai người vợ của anh là người Kurd. Anh trai anh làm cho quân IS để ý và chặt đầu. “Chúng trả cho tôi đầu anh ấy, chứ không phải cả thi thể”, Faraj nhớ lại. IS bỏ tù anh vì nghi ngờ cung cấp thông tin cho chiến binh người Kurd, đồng thời ép anh ly dị người vợ đang chăm sóc 5 đứa con nhưng anh từ chối.

Khi những chiến binh người Kurd và binh sỹ Mỹ xông vào trại số 8, Jibouri cùng các bạn tù được đưa tới thành phố Erbil. Jibouri nói anh rất biết ơn Chính phủ Hoa Kỳ cùng Trung sỹ Joshua L. Wheeler, người đã hy sinh trong cuộc giải cứu này. Được tự do nhưng Jibouri hiện giờ khắc khoải nỗi niềm là gia đình anh vẫn ở Hawija, dưới sự kiểm soát của IS. “Tôi không được nhìn thấy vợ và con trai tôi, có lẽ không bao giờ nhìn thấy nữa”, người đàn ông nghẹn lời. “Mong muốn của tôi bây giờ là giá mà Hawija không nằm trong lãnh thổ Iraq”.