Cảnh giác với xe máy giá "bèo"

ANTĐ - Vì ham rẻ, nhiều người đã mua phải những chiếc xe máy do tội phạm trộm cắp mà có. Những chiêu trò mà giới buôn xe gian thường sử dụng là  hợp thức hóa bằng giấy tờ giả rồi bán rẻ chỉ bằng 1/3 giá trị thực cho người tiêu dùng. 
Cảnh giác với xe máy giá "bèo" ảnh 1

Qua tuần tra, lực lượng CSGT - CATP Hà Nội phát hiện, thu giữ xe gian

Bị kiểm tra mới biết xe gian

Trong một lần vi phạm Luật Giao thông đường bộ, anh Trần Văn H, ở quận Hà Đông, bị CSGT dừng phương tiện kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên,  giấy đăng ký xe của anh H lại không hề trùng với số khung, số máy của chiếc xe Honda SH anh đang sử dụng. Anh H cho biết đã mua xe này của một người không quen biết ở chợ xe máy cũ chùa Hà với giá rẻ. Thấy xe hình thức đẹp, giấy tờ đầy đủ nên anh chỉ kiểm tra qua quýt rồi trả tiền. 

Qua xác minh, lực lượng chức năng đã làm rõ chiếc xe trên là tang vật của một vụ trộm xảy ra trên địa bàn nội thành vào đầu năm 2015. Sau đó, kẻ gian đã lấy một biển số thật của xe khác lắp vào và làm giấy đăng ký xe giả để bán với giá rẻ.

Lực lượng 141/CAHN cung cấp, đầu tháng 9-2015, một tổ công tác làm nhiệm vụ tại khu vực đường Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ đã phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe Honda Air Blade có dấu hiệu nghi vấn nên đã kiểm tra hành chính. Chủ sở hữu phương tiện là anh Đinh Hoàng A, ở quận Bắc Từ Liêm đã xuất trình giấy tờ xe.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã chú ý vào chiếc giấy đăng ký xe mang tên Lê Đức T, ở quận Hai Bà Trưng, không hề trùng khớp với số khung, số máy của xe. Phối hợp với CAP Mai Dịch điều tra, lực lượng 141 đã làm rõ anh A mới mua chiếc xe máy này với giá rẻ bằng 1/3 giá trị thực. “Thấy xe còn tốt, chủ cũ có đủ giấy tờ và bán rẻ nên tôi mua để sử dụng. Khi bị lực lượng công an kiểm tra, tôi mới biết đó là xe gian” - anh A bày tỏ ân hận chỉ vì ham rẻ đã sập bẫy kẻ gian. 

“Mua xe phải rõ nguồn gốc...”

Trung tá Mai Văn Thuần, Đội trưởng Đội chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CATP Hà Nội cho biết, qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều xe gian đang lưu hành và được các đối tượng “phù phép” để hợp thức hóa dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. 

“Các đường dây, ổ nhóm tội phạm thường lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp những chiếc xe đắt tiền như Honda SH, Air Blade, Lead, Piaggio LX… Thời gian tội phạm thường gây án là giữa trưa, chập tối và nhằm vào những nơi vắng vẻ, hoặc khu vực hầm để xe của các chung cư không bố trí nhiều bảo vệ và đầu tư các thiết bị giám sát” - Trung tá Mai Văn Thuần nhận xét.

Cũng theo Trung tá Mai Văn Thuần, thực tế Công an Hà Nội đã làm hàng nghìn tấm biển cảnh báo tình trạng mất trộm xe máy đặt tại những khu vực “nhạy cảm” nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Tuy nhiên, dường như việc này không được mấy ai chú ý. Chỉ đến khi tài sản bị mất người ta mới tá hỏa và đến cơ quan công an trình báo. 

Thời gian gần đây, nhiều đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Phòng CSHS tổ chức tuần tra mật phục,  điều tra bóc gỡ một số đường dây tội phạm. Cụ thể như hồi cuối tháng 9-2015, CAH Sóc Sơn đã phá đường dây trộm cắp, bắt 4 đối tượng gây ra hơn 20 vụ trộm xe máy tại Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Cũng trong tháng 9, qua công tác tuần tra, kiểm soát, CAP Quảng An, quận Tây Hồ phát hiện, bắt được một đối tượng trộm cắp xe máy trên đường Âu Cơ. 

Công tác đấu tranh, phòng ngừa hoạt động trộm cắp xe máy được các đơn vị CATP Hà Nội thực hiện quyết liệt và có hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng người tiêu dùng mua phải xe gian vẫn xảy ra và nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự mất cảnh giác của người dân vì ham giá rẻ. Phòng CSHS - CATP khuyến cáo mọi người khi mua xe máy cần xác minh rõ nguồn gốc của xe, tránh mua xe của các đối tượng bán dạo bởi nếu không sẽ rất dễ mắc bẫy mua nhầm xe gian của tội phạm.