Cảnh giác với viêm cầu thận cấp ở trẻ em

ANTD.VN - Viêm cầu thận cấp là bệnh thận chủ yếu của trẻ em và thanh thiếu niên với tỷ lệ khoảng 3-5% các trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị. Ở nước ta, bệnh viêm cầu thận cấp thường nhiều hơn về mùa hè do tình trạng nhiễm khuẩn ngoài da khá phổ biến và cả mùa lạnh do viêm họng.

Bệnh viêm cầu thận cấp thường xảy ra sau khi người bệnh đã bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn trước đó. Với trẻ em dưới 3 tuổi, thường sau khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da như viêm da, chốc đầu. Với trẻ lớn hơn, thường sau khi bị viêm họng, viêm amydal. Nguyên nhân do cơ địa dị ứng, do sức đề kháng kém hoặc vệ sinh cá nhân kém.

Trong giai đoạn khởi phát, bệnh bắt đầu một cách kín đáo với các dấu hiệu của triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau lưng, da hơi xanh, phù nhẹ ở mặt, đi tiểu ít. Một số trường hợp bệnh có thể bắt đầu một cách nguy kịch với các dấu hiệu của huyết áp cao, phù phổi cấp hoặc suy tim cấp hay vô niệu. 

Trong giai đoạn toàn phát của thể bệnh thông thường, có đầy đủ các triệu chứng như: phù (thường bắt đầu ở mí mắt, mặt, rồi đến toàn thân), đa số các trường hợp phù chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình, phù trắng và mềm. Tăng huyết áp là dấu hiệu xuất hiện sớm và rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh, thường tăng cả huyết áp tối đa và tối thiểu. Ở các thể bệnh thông thường, huyết áp tăng lên từ 20 - 30mmHg; một số ít trường hợp huyết áp tăng cao gây các biến chứng ở hệ tim mạch hoặc thần kinh. Bệnh nhân có thể đi tiểu ra máu, số lượng nước tiểu cũng giảm, có khi vô niệu.

Phần lớn bệnh nhi viêm cầu thận cấp khỏi hoàn toàn. Triệu chứng lâm sàng hết sau 1 -2 tuần lễ, những hồng cầu và protein niệu thường hết chậm hơn. Tuy nhiên bệnh có thể diễn biến xấu dẫn đến tử vong do huyết áp tăng rất cao và kéo dài, dẫn đến suy tim cấp, phù phổi cấp, phù não và tử vong. Đây là triệu chứng nổi bật của viêm cầu thận cấp thể cao huyết áp. Đối với viêm cầu thận cấp thể vô niệu, tình trạng vô niệu kéo dài trên 5 ngày, nếu không chạy thận nhân tạo (lọc máu) thì dễ bị tử vong do suy thận cấp. Đái đỏ kéo dài từ 2 tuần đến nhiều tháng là triệu chứng nổi bật trong viêm cầu thận cấp thể đái máu.

Bệnh cũng có thể tiến triển thành mạn tính: Giai đoạn đầu triệu chứng lâm sàng khỏi nhanh, nhưng các thành phần trong nước tiểu lại tồn tại kéo dài. Sau một thời gian bệnh biểu hiện dưới dạng hội chứng thận hư hoặc viêm cầu thận mạn. 

Bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em thường có tiên lượng tốt hơn người lớn, nếu chẩn đoán và xử trí kịp thời có thể ngăn ngừa được các biến chứng gây tử vong trong giai đoạn cấp tính. Tất cả bệnh nhân viêm cầu thận cấp đều phải được điều trị và theo dõi sát tại bệnh viện, đặc biệt  trong giai đoạn cấp tính nhằm ngăn ngừa và xử trí kịp thời các biến chứng; sau khi điều trị khỏi phải được theo dõi tiếp trong 1 năm.

Về chế độ ăn, phải hạn chế tuyệt đối chất muối trong 2-4 tuần tùy theo mức độ thuyên giảm của bệnh; số lượng nước ăn uống cũng phải hạn chế tùy theo số lượng nước tiểu và tình trạng bệnh căn cứ vào dấu hiệu phù nhiều, huyết áp cao; việc hạn chế khẩu phần protid chỉ xem xét đối với thể viêm cầu thận cấp có suy thận.