Cảnh giác với vé may bay giả mua qua mạng dịp Tết

ANTD.VN - Ông Nguyễn Hữu Tuấn- Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS- Bộ Công Thương) cảnh báo, có tình trạng khách hàng mua vé máy bay qua mạng, kiểm tra code vé đúng nhưng lại không được bay.

Khách hàng cần kiểm tra vé máy bay cẩn thận, tránh bị lừa đảo

Theo đại diện Cục TMĐT và KTS, Tết Nguyên đán đang đến gần, người dân có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không nên cảnh giác khi mua vé máy bay qua mạng từ các địa chỉ không quen, chưa có uy tín.

“Người mua vé máy bay qua mạng cần cảnh giác mua nhầm vé giá, nhất là dịp Tết. Thủ đoạn của bên bán là đặt vé, gửi vé cho khách kiểm tra trên hệ thống thấy đúng, nhưng khi ra sân bay lại không bay được; Hoặc có trường hợp khách đặt vé khứ hồi, nhưng chiều về dù code vé đúng cũng không bay được”- ông Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết, xảy ra tình trạng này là do bên bán hàng qua mạng có đặt vé cho khách, nhưng chỉ đặt giữ chỗ trong khoảng thời gian quy định mà không thanh toán cho hãng bay (dù vẫn thu tiền của khách) nên đến ngày bay, vé máy bay này không sử dụng được.

Mỗi hàng bay quy định riêng về thời gian đặt vé giữ chỗ, tùy vào hạng vé, bay gần hay xa ngày đặt vé nên khách hàng có nhu cầu cần quan tâm để kiểm tra vé sau khoảng thời gian này. Để tránh bị mua phải vé máy bay giả, khách hàng nên mua tại những đại lý bán vé uy tín, thân quen và đề nghị kiểm tra vé kỹ lưỡng.

Theo Cục TMĐT &KTS, TMĐT Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Năm 2018, tốc độ trưởng của lĩnh vực này là 30%, doanh thu 8,06 tỷ USD. Dự báo tới năm 2020, doanh thu từ TMĐT đạt 13-15 tỷ USD. Việt Nam hiện có gần 40 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng vượt bậc của TMĐT, vi phạm trong lĩnh vực này cũng diễn ra mạnh mẽ. Các nhóm mặt hàng như: đồ điện tử, công nghệ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình… bị làm giả rất nhiều. Ví dụ gần nhất là vụ phát hiện 3 website bán điện thoại Samsung nhái giá rẻ vừa qua.

Bên cạnh đó, hàng cấm cũng xuất hiện rất nhiều trên các website TMĐT. “Ví dụ, sản phẩm đồ chơi cắm cờ có in “đường lưỡi bò”, hình chụp đưa lên website TMĐT không có chi tiết này nên khó phát hiện, nhưng khi người dùng mua về thì phát hiện được; Chi tiết súng bán rời; Bánh quy 500 nhân chứa cần sa… Thực chất những người mua bán có nhóm kín trao đổi thông tin về sản phẩm nên dễ qua mặt lực lượng chức năng”- ông Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Thời gian qua, các sàn TMĐT bị phát hiện bán hàng hóa vi phạm đã đóng cửa hơn 20.000 gian hàng, và hàng nghìn mặt hàng bị gỡ bỏ. Lực lượng chức năng cũng thu giữ 30 quả địa cầu có in “đường lưỡi bò” của các chủ gian hàng vi phạm bán qua hình thức TMĐT.