Cảnh giác với “thần dược” nhập lậu

(ANTĐ) - Được nhập lậu vào Việt Nam với những lời quảng cáo rỉ tai nhau như “thuốc làm đẹp cho phụ nữ” hay “thuốc chữa bách bệnh”, nhưng những loại thuốc trên bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ đều bộc lộ nhiều dấu hiệu đáng lo ngại đối với sức khỏe người sử dụng.

Cảnh giác với “thần dược” nhập lậu

(ANTĐ) - Được nhập lậu vào Việt Nam với những lời quảng cáo rỉ tai nhau như “thuốc làm đẹp cho phụ nữ” hay “thuốc chữa bách bệnh”, nhưng những loại thuốc trên bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ đều bộc lộ nhiều dấu hiệu đáng lo ngại đối với sức khỏe người sử dụng.

Cán bộ QLTT 11 kiểm tra lô thuốc đông y lậu
Cán bộ QLTT 11 kiểm tra lô thuốc đông y lậu

Đẹp hình thức, “bí ẩn” công dụng

Cầm những mẫu thuốc lậu bị thu giữ mà ông Phạm Quốc Thái, Đội trưởng Đội QLTT số 11 - Chi cục QLTT Hà Nội đưa cho xem, chúng tôi không khỏi giật mình vì hình thức... bắt mắt của nó. 3 viên thuốc được đặt trên lớp lụa trắng, trong một chiếc hộp nỉ màu hồng. Số thuốc trên bị tổ công tác Đội QLTT số 11 thu giữ trong quá trình kiểm tra hành chính xe ôtô do ông Nguyễn Văn Cường, nhà ở quận Long Biên điều khiển. Trên xe có 1.391 hộp và 528 lọ thuốc dạng như thuốc tễ. Vỏ hộp và một số giấy tờ kèm theo thuốc đều ghi bằng chữ nước ngoài. Số thuốc trên không có số đăng ký; ông Cường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Đội QLTT số 11 đã lập biên bản xử phạt ông Cường 3 triệu đồng về hành vi kinh doanh thuốc đông dược không được phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, một vấn đề đang được cơ quan chức năng xác minh, là nơi tiêu thụ số thuốc lậu này. Theo tài liệu trinh sát của cán bộ Đội QLTT số 11, một cửa hiệu khám chữa bệnh Đông y trên địa bàn quận Tây Hồ thường xuyên nhập loại thuốc không rõ nguồn gốc này. Khi có khách hàng đến khám chữa bệnh, thầy thuốc ở đây bắt mạch và bán cho loại thuốc trên với giá... trên trời.

Trước khi phát hiện vụ kinh doanh dược liệu trên, Đội QLTT số 11 cũng đã bắt quả tang vụ tàng trữ số lượng lớn “thần dược” dành cho phụ nữ. Hơn 1.100 hộp với 10.152 viên “thần dược” đã bị phát hiện tại một kho hàng ở địa bàn phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Theo những lời quảng cáo, đây là thuốc làm đẹp cho phụ nữ kiêm chữa... vô sinh. Hồi mới vào Việt Nam, loại thuốc này được đăng ký là thảo dược nên được phép nhập khẩu và bán cho người tiêu dùng dưới hình thức hàng đa cấp. Nhưng sau đó, cơ quan y tế phát hiện loại thuốc trên không phải là thảo dược mà là tân dược, chính vì vậy, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã đình chỉ lưu hành.

Tai ương liền kề

“Rất ít người nắm được công dụng thật của những loại thuốc này ra sao. Nhưng vì cả tin, họ đã chấp nhận bỏ ra khoản tiền lớn để mua. Trong trường hợp này, rủi ro do sử dụng thuốc là khó tránh khỏi”, ông Phạm Quốc Thái nhận định. Theo tìm hiểu, ngoài thuốc đông y nhập lậu, trên thị trường hiện nay còn xuất hiện cả thuốc đông y giả. Điểm chung của những sản phẩm này là được quảng cáo kiểu truyền tai giữa người dân, và bị đẩy lên với giá bán rất cao.

Một bác sỹ khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, việc sử dụng phải thuốc đông y giả, thuốc nhập lậu có thể dẫn đến di chứng nặng nề như suy tim, suy gan, thận, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

Tại khoa này, các bác sỹ từng tiếp nhận những trường hợp bị dị ứng thuốc từ việc dùng thuốc đông y không đúng chỉ định, không rõ nguồn gốc. Có người đến cắt thuốc Bắc ở một phòng khám Đông y để điều trị mẩn ngứa; nhưng uống được vài thang thì toàn thân nổi những vết mẩn đỏ, ngứa sưng tấy như mề đay. Sự nguy hiểm của các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc đòi hỏi cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý.

Thực tế cho thấy, “mảng” sản phẩm này lâu nay còn bị buông lỏng trong công tác quản lý. Và đó thực sự là nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng.                               

Hà Minh