Cảnh giác với sinh tố mùa hè

ANTĐ - Trong mùa hè, sinh tố hoa quả hay nước ép trái là cây đồ uống được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên vì ham lợi nhuận vẫn có không ít người tận dụng nguồn trái cây bị hỏng, chế biến thành các món giải khát để đưa ra thị trường. Đây là nguồn thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật mà người tiêu dùng cần phải cảnh giác.

Tại các chợ đầu mối về hoa quả, các loại hoa quả dập, thối vẫn được thu lại gom để bán cho những người có nhu cầu, thường là những chủ quán cà phê, giải khát… Với các loại hoa quả khác nhau thì mức độ giá cũng khác nhau, nhưng thông thường giá hoa quả thối chỉ bằng 1/5 so với thị trường hoa quả tươi. Xoài chín vàng và đen rám được rao bán chỉ với giá 5.000 đồng/kg. Dâu tây ngon, tươi có giá 60.000 đồng/kg thì những loại đã ngả màu chỉ 10.000 đồng/kg. Những quả dưa hấu bị vỡ hay bị hỏng một phần do vận chuyển chỉ có giá vài nghìn đồng. Một cân bơ tươi, mãng cầu tươi bán từ 40.000-50.000 đồng/kg nhưng khi được nhặt lại từ những đồ phế phẩm chúng chỉ có giá khoảng 5.000-7.000 đồng/kg... Sau khi mua về, những hoa quả này được gọt đi phần thối và những người kinh doanh thường cho vào tủ lạnh có thể bảo quản thêm được một thời gian.

Trong khi một quả xoài cỡ vừa chỉ làm được 2 ly sinh tố, nếu mua còn tươi thì giá rất đắt (cỡ khoảng 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg từ 2 đến 3 quả) thì có thể hình dung với cân xoài 5 nghìn sau khi qua khâu chế biến lợi nhuận người bán hàng thu được sẽ rất cao. Bên cạnh đó còn là những hoa quả xay sẵn được mua bán theo cân.

Giá thị trường của 1kg bơ và mãng cầu còn tươi ngon dao động trong khoảng từ 40.000-50.000 đồng/kg còn với bơ nghiền, mãng cầu bóc được làm từ những quả đã bị dập nát, hỏng một phần, một túi 2kg có giá chỉ 50.000 đồng. Đây là nguyên liệu để làm trung bình từ 50-70 cốc sinh tố với giá mỗi ly sinh tố loại này trên thị trường sau khi đã được cho vào máy xay nhuyễn, thêm sữa, hương liệu, trung bình từ 30.000-40.000 đồng. Bằng cách kinh doanh này người bán hàng có thể thu siêu lợi nhuận, nhưng hậu quả gánh chịu lại là người tiêu dùng.

Với nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đồ uống chế biến từ hoa quả bẩn này họ có thể lý luận rằng cắt bỏ phần hoa quả dập nát là đồng nghĩa với việc đã trừ khử được phần mất vệ sinh. Song, trên thực tế, khi cắt bỏ phần dập nát ấy những phần khác trong trái cây vẫn chịu tác động, nhận những vi khuẩn chuyển hóa từ phần trái cây hỏng, dập nát qua. Những vi khuẩn gây hại này là tác nhân gây rối loạn cơ thể, đột biến tế bào, từ đó gây ra các chứng bệnh. Đó là chưa kể với các loại hoa quả có dấu hiệu bị chuột cắn sẽ gây nhiễm trùng bệnh từ các vi khuẩn và ký sinh trùng được truyền từ chuột, bọ. Ngoài ra, đối với các loại hoa quả ngọt đậm như xoài, các loại dưa… khi bị thối một chỗ nào đó trên quả sẽ rất nhanh chóng nhiễm khuẩn cả quả. Khi cắt lát phần thối, phần còn lại cảm quan nhìn thấy ngon nhưng vẫn chứa những vi trùng nấm mốc.

Có nhiều con đường khác nhau để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong quả gây thối rữa, trong khi ở bên ngoài quả nhìn vẫn tươi ngon. Bởi nếu hoa quả bị thối vỏ hoặc một chỗ nào đó ngoài vỏ, từ vết dập này sẽ dẫn đến bị nhiễm khuẩn. Các loại côn trùng, bướm có thể chích hút hoặc đẻ trứng vào trong quả qua những vết dập này với lỗ chích nhỏ li ti mà mắt thường khó phát hiện, nên bên ngoài quả trông vẫn ngon nhưng bên trong đã bị thối nát, thậm chí có giòi, có sâu do vi khuẩn tấn công. Để tránh tình trạng ăn phải những hoa quả có thể bị nhiễm bệnh vì bị hỏng, người tiêu dùng nên biết tự bảo vệ mình, và cách tốt nhất là mua hoa quả còn tươi để có thể chế biến ngay tại nhà. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và xử phạt thật nặng đối với những cửa hàng kinh doanh trái cây bị hư hỏng tại các chợ đầu mối và những cửa hàng giải khát vì lợi nhận mà không quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng.