Cảnh giác với những lời mời chuyển giao công nghệ

ANTD.VN - Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến trình thực hiện chiến lược “Made in China 2025” bằng việc thúc đẩy dịch chuyển kinh tế từ sản xuất cần nhiều nhân công, giá trị thấp sang sản xuất nhiều giá trị gia tăng hơn. 

Như vậy, nền kinh tế với nguồn lao động giá rẻ, tập trung phục vụ các hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu và được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” sẽ có cuộc chuyển mình mạnh mẽ. 

Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ, sản xuất công nghiệp thông minh. Đến năm 2025, sản phẩm công nghệ cao sẽ chiếm 70% GDP của Trung Quốc. “Made in China 2025” sẽ thúc đẩy các bước đột phá trong 10 ngành công nghiệp trọng điểm mà Trung Quốc muốn trở thành quốc gia đứng đầu trong tương lai, đó là hàng không vũ trụ, máy móc nông nghiệp, vật liệu mới, robot cao cấp, công nghệ thông tin thế hệ mới… Trọng tâm của chiến lược này là phát triển, chuyển giao công nghệ. Và chiến lược này tạo ra những rủi ro không hề nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam.

Nhìn nhận về nguy cơ trở thành “bãi rác” công nghệ khi Trung Quốc thực hiện chiến lược “Made in China 2025”, TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, điều tất yếu khi Trung Quốc tập trung vào các ngành công nghệ cao là các dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu sẽ được chuyển sang các nước lân cận. Việt Nam là một trong các nước có trình độ phát triển thấp hơn, hoàn toàn có thể coi là thị trường “lý tưởng” cho các công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.

Một ví dụ khá rõ ràng là công nghệ sản xuất nhiệt điện chạy than. Trong tháng 3 vừa qua, tổ máy cuối cùng của Nhà máy điện Hoa Năng, phía Nam thành phố Bắc Kinh đã chính thức đóng cửa, đưa Thủ đô của Trung Quốc trở thành đô thị đầu tiên tại nước này chấm dứt sử dụng năng lượng điện từ than đá.

Trên phạm vi toàn quốc, Trung Quốc đã và đang đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm môi trường. Rõ ràng là các dây chuyền sản xuất nhiệt điện than đang ồ ạt di chuyển sang Việt Nam. Các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện nay nước ta có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện, riêng đồng bằng sông Cửu Long có 14 nhà máy với 10 nhà máy do Trung Quốc đầu tư, dự kiến đến năm 2030 cả nước sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than. 

Đây chỉ là một trong số rất nhiều những công nghệ lạc hậu, chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp, đặc biệt là những công nghệ này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Điều đáng lo ngại là dù đã được các chuyên gia cảnh báo trong hàng chục năm qua, nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược để ngăn chặn “làn sóng” này. 

Theo các chuyên gia, Chính phủ cần hết sức chú ý, cẩn thận với các nguồn vốn FDI của Trung Quốc bởi thông qua đó, họ có thể đưa công nghệ lạc hậu vào nước ta. Trung Quốc có bước đi rất rõ ràng với chiến lược của mình, chính vì thế Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn “làn sóng” công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam trong thời gian tới. 

Mục tiêu phát triển là quan trọng nhưng nếu chỉ đặt mục tiêu này lên trên hết mà thiếu quan tâm đến yếu tố môi trường bền vững, dễ dàng chấp nhận những lời mời gọi của các nhà đầu tư hay thiếu những chính sách, những hàng rào  pháp lý để ngăn chặn việc nhà đầu tư mang theo công nghệ lạc hậu vào Việt Nam là đồng nghĩa với việc mình tự hại mình. Chúng ta đã có những bài học lớn về việc công nghệ lạc hậu tác động tới môi trường, chính vì vậy hơn lúc nào hết cần có chiến lược  bài bản để  không bị biến thành bãi rác công nghệ lạc hậu.