Cảnh giác với "mê cung" giới thiệu việc làm

ANTĐ - Thị trường lao động đang bước vào những tháng cuối năm, đây cũng là thời điểm nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí của người dân tăng mạnh, do đó cần một lượng lao động lớn, đặc biệt là lao động thời vụ. Tuy nhiên, người lao động nếu không cẩn trọng rất dễ rơi vào “bẫy” lừa đảo việc làm.

Cảnh giác với "mê cung" giới thiệu việc làm ảnh 1Người lao động khi tìm việc cần đến những trung tâm dịch vụ việc làm có uy tín 

Sôi động mùa tuyển dụng cuối năm

Cuối năm là dịp doanh nghiệp cần thêm lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người lao động cần tìm việc làm có thu nhập để chuẩn bị đón Tết. Đây cũng là thời điểm sinh viên ra trường đổ xô đi tìm việc với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chi dùng trước mắt. Cung - cầu đều tăng nên thị trường lao động sôi động hơn. Nhiều đối tượng “chớp” thời cơ này tung ra hàng loạt chiêu trò “bịp” người lao động. 

Phổ biến nhất là thành lập các trung tâm môi giới việc làm, công ty “ma”, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin hoặc mất cảnh giác của người lao động; sự thiếu hiểu biết của sinh viên mới ra trường để giăng bẫy lừa. Phương thức thường dùng là giới thiệu công việc hấp dẫn, mức lương cao, không đòi hỏi kinh nghiệm, tuyển trực tiếp, không qua trung gian… Khi “con mồi”  tìm đến, các trung tâm này ép người lao động mua hồ sơ (thông thường 50 nghìn đồng/bộ), sau đó đặt cọc một khoản tiền 100-300 nghìn đồng và hứa khi chính thức đi làm sẽ hoàn lại.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Phương Lan (Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã từng rơi vào bẫy tuyển dụng việc làm cho biết, lương cao, công việc dễ làm, thủ tục đơn giản chỉ là “bánh vẽ” để người lao động móc ví nộp phí dịch vụ. Chẳng có trung tâm nào trả lại tiền đặt cọc và thông thường không giới thiệu được việc làm nào khả thi. Những trung tâm có dấu hiệu lừa đảo thường xuất hiện một vài tháng rồi biến mất hoặc thay tên đổi họ.

Trước nhu cầu việc làm ngày càng tăng và sự xuất hiện hàng loạt trung tâm giới thiệu việc làm thật giả lẫn lộn, cũng có nhiều trường hợp lao động do bức bách, nộp phí tư vấn, tuyển dụng với tâm lý “cầu may”. Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết, do mức phí các đối tượng thu từ 100 - 300 nghìn đồng, số tiền này không lớn nên sau khi bị lừa, nhiều người không tố cáo dẫn đến những người khác lại tiếp tục mắc bẫy. 

Chủ động tiếp cận thông tin

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm này, lao động ngắn hạn dễ tìm được việc làm hơn. Các nhóm ngành cần nhiều lao động là: dịch vụ nhà hàng, khách sạn; công nhân sản xuất; bảo vệ; nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng... Thành phần lao động giai đoạn này cũng đa dạng nhưng nhiều nhất vẫn là lao động trẻ, csinh viên mới ra trường nên thường thiếu kinh nghiệm dễ rơi vào “bẫy” tuyển dụng. Để tránh mắc phải những trò lừa đảo của các trung tâm giới thiệu việc làm  “ảo” khi xin việc làm thời vụ mùa tết, người lao động cần thận trọng, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang” mà vẫn mua thêm bực mình. 

Bà Vũ Thị Thanh Liễu khuyến cáo người lao động, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, đầu tiên hãy tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm của Sở LĐ,TB&XH tỉnh, thành phố để đăng ký tìm cơ hội việc làm vì các trung tâm này hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, có thể tìm đến các trung tâm uy tín của đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp nhưng trước đó phải tìm hiểu kỹ thông tin và hoạt động xem có dấu hiệu lừa đảo không.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần kiểm tra xem công ty, doanh nghiệp được giới thiệu có tồn tại thật hay không, có nhu cầu tuyển dụng không, hoặc có thể trực tiếp đến gặp nhà tuyển dụng mà không qua trung gian môi giới. Quan trọng nhất, người lao động cần phải lưu ý cho dù kiếm việc ở đâu, từ nguồn nào cũng phải cân nhắc trước khi đặt cọc giữ chỗ (đặc biệt là công việc thời vụ) bởi trên thực tế khả năng đòi lại được thường rất thấp.