Cảnh giác với hội chứng Covid-19 kéo dài ở trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, quan điểm phổ biến của các chuyên gia y tế là trẻ em và thanh thiếu niên có nhiều khả năng phục hồi nhanh, không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng nhẹ hơn người lớn. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh Covid-19 thậm chí không có triệu chứng đang phải chịu những ảnh hưởng lâu dài - đôi khi là nhiều tháng sau khi bị bệnh lần đầu, gọi là hội chứng Covid-19 kéo dài.
Trẻ em cũng có thể bị hội chứng Covid-19 kéo dài ở nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau

Trẻ em cũng có thể bị hội chứng Covid-19 kéo dài ở nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau

Chứng bệnh phức tạp không kém như ở người trưởng thành

Sau quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy, hội chứng Covid-19 kéo dài ở trẻ cũng phức tạp không kém như ở người lớn. Tiến sĩ Elaine Maxwell thuộc Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Anh cho biết: “Chúng tôi khẳng định rằng, trẻ em cũng bị mắc hội chứng Covid-19 kéo dài, tuy nhiên, hội chứng này không phải là một khái niệm rõ ràng”. Các dấu hiệu trẻ mắc hội chứng này sau khi bị nhiễm Covid-19, thậm chí các triệu chứng bệnh là tương đối nhẹ, bao gồm nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, tim đập nhanh, ho, sương mù não, các vấn đề về đường tiêu hóa, buồn nôn, chóng mặt, co giật, ảo giác và các triệu chứng cảm giác khác như mất tri giác, vị giác và khứu giác, thậm chí tê liệt khiến trẻ không thể đi được. Ngoài ra, một số trẻ em và thanh thiếu niên cho biết đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Cô Aarati Kasturirangan, sống ở thành phố Philadelphia, Mỹ đã trải qua những thách thức này. Cậu con trai Eli 10 tuổi của cô bị mắc Covid-19 cùng với một số thành viên khác trong gia đình hồi tháng 3-2020. “Bình thường Eli là một đứa trẻ hoạt bát, nhưng cậu bé đã không ra khỏi phòng. Tôi nghĩ đó không phải là thói quen thường ngày của con trai” - Kasturirangan kể lại. Eli bị các triệu chứng suy nhược, chân cậu bé bị đau đến nỗi không thể bước đi, cậu bé cũng hay bị đau bụng, buồn nôn đến mức phải thường xuyên nằm trên giường. Không thể đi cầu thang, Ali đã phải bò. Cậu bé cũng bị tăng nhiệt độ cơ thể trong nhiều tuần, tuy nhiên, mức tăng không quá cao đến mức phải gặp bác sĩ.

Vào tháng 9-2020, sau một loạt các xét nghiệm và đến gặp các bác sĩ chuyên khoa, Eli chính thức được chẩn đoán mắc chứng mệt mỏi sau khi bị nhiễm virus Covid-19, hay còn gọi là hội chứng Covid-19 kéo dài. “Bác sĩ khám tiêu hóa là người đầu tiên đưa ra chẩn đoán này. Chúng tôi được thông báo rằng không thể làm được gì ngoài việc chờ đợi”. Ở trường, các phép tính toán cơ bản và việc hoàn thành bài tập về nhà đã trở nên khó khăn với cậu học sinh lớp A này, Ali luôn tỏ ra bối rối vì không thể nắm bắt được những kiến thức cơ bản mà cậu bé vốn thường nhận thức dễ dàng. Giáo viên hỗ trợ của lớp đã giúp Eli bằng cách đưa ra một kế hoạch học tập để cậu bé có thể học online trong vòng 1 tiếng, rồi nghỉ ngơi để cậu bé giữ sức khỏe.

Những con số “đáng lo ngại'”

Một nghiên cứu của Anh do Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố vào ngày 5-8 vừa qua ước tính rằng, 0,47% thanh niên trong độ tuổi từ 12 đến 16 đã tự báo cáo về hội chứng Covid-19 kéo dài, trong khi 0,3% thanh niên ở cùng độ tuổi cho biết các triệu chứng chúng mắc phải đã hạn chế hoạt động của chúng. “Mặc dù, hội chứng Covid-19 kéo dài ở trẻ em và thanh niên ít phổ biến hơn ở người lớn, nhưng con số ước tính của những người bị ảnh hưởng do Covid-19 kéo dài tự báo cáo là đáng lo ngại” - Giáo sư Esther Crenshaw, một chuyên gia về sức khỏe trẻ em tại Đại học Bristol, Anh cho biết và lưu ý rằng số lượng trẻ em và thanh niên mắc chứng Covid-19 kéo dài tăng lên khi số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng.

Có bao nhiêu trẻ em bị ảnh hưởng bởi hội chứng Covid kéo dài, và các triệu chứng bệnh diễn ra trong bao lâu, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Danilo Buonsenso, bác sĩ nhi khoa Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rome, Italia là nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất về chứng Covid-19 kéo dài ở trẻ em sau khi là người đầu tiên nghiên cứu hiện tượng này. Ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 129 trẻ em từ 6 đến 16 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh Covid-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11-2020. Theo nghiên cứu, được xuất bản trên một tạp chí y khoa cho thấy, hơn 1/3 số người tham gia có một hoặc hai triệu chứng kéo dài 4 tháng hoặc hơn sau khi nhiễm bệnh - và 1/4 số người có 3 triệu chứng trở lên. Trong số các triệu chứng mà trẻ em được báo cáo là mất ngủ, mệt mỏi, đau cơ và than phiền dai dẳng giống như cảm lạnh - các triệu chứng tương tự như ở người lớn bị chứng Covid-19 kéo dài. Vào tháng 4-2021, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã trích dẫn một nghiên cứu cho thấy, từ 11-15% thanh niên bị nhiễm bệnh có thể “kết thúc với hậu quả lâu dài này”.

Phân biệt với các chứng bệnh tương tự khác

Phân biệt hội chứng Covid-19 kéo dài với các bệnh khác - đặc biệt khi nhiều triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, mất khả năng tập trung có thể là do bất kỳ bệnh nào khác - là một trong những thách thức lớn nhất đối với các chuyên gia y tế cũng như những người mắc phải.

Theo những người hoài nghi, một số triệu chứng cũng có thể là dấu hiệu của sự lo lắng về tinh thần, những trường hợp này đã tăng vọt trong đại dịch khi bị cách ly, giãn cách xã hội và một loạt các biện pháp hạn chế khác được áp đặt để phòng ngừa đại dịch. Câu hỏi được đặt ra là, liệu một số triệu chứng có thể là do tâm lý gây ra hay không, sau khi một nghiên cứu của Mỹ cho thấy rằng, những người dưới 18 tuổi có nhiều khả năng báo cáo các vấn đề về đường ruột và “rối loạn điều chỉnh” được mô tả là các phản ứng về cảm xúc hoặc hành vi đối với những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống.

Ở trẻ em, vấn đề còn khó khăn hơn khi các em có những triệu chứng mà không phải cứ xét nghiệm y tế là phát hiện ra được. Trong khi ở người lớn, chụp CT và xét nghiệm máu sẽ cho thấy những bất thường nhất định. Nhưng ở trẻ em, các xét nghiệm không cho thấy bất thường “và chúng rõ ràng là bị suy yếu”, Tiến sĩ Alicia Johnston, Trưởng phòng khám Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Boston, nơi đã điều trị cho 40 bệnh nhân nhỏ tuổi bị Covid-19 kéo dài, cho biết. Ông thừa nhận rằng ngay cả khi 10-15% trẻ em bị nhiễm Covid-19 có các triệu chứng lâu dài thì đó cũng là một vấn đề thực sự cần được nghiên cứu.

Một đánh giá của Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Anh cho thấy hội chứng Covid kéo dài ở người lớn cũng có thể là một số hội chứng khác nhau, bao gồm hội chứng sau chăm sóc đặc biệt và hội chứng mệt mỏi sau khi nhiễm virus. Và cả hai đều ảnh hưởng đến trẻ em. Tuy nhiên, dù là gì, với những người sống lâu với những triệu chứng của Covid-19 và gia đình, họ vẫn phải chịu những áp lực trong cuộc sống hàng ngày.

Quay trở lại trường hợp của cậu bé Eli, trong những tháng gần đây, cô Kasturirangan có thêm lý do để lạc quan. Vào một ngày đẹp trời, Eli có thể ra ngoài công viên và chơi với một người bạn, và đôi khi cậu bé có thể đi bộ quãng đường dài hơn một dãy nhà. Kasturirangan nói: “Những ngày này đã tốt đẹp hơn trước đây, tôi đã thấy con trai có sự tiến bộ, dù rằng đó là những tiến triển rất chậm. Tôi tin rằng, các can thiệp sức khỏe cộng đồng và tiêm chủng là một cách chúng ta có thể ngăn chặn căn bệnh này. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình bởi tôi không muốn bất cứ ai phải trải qua những gì chúng tôi đã phải chịu đựng hồi năm ngoái. Và điều đáng sợ là chúng tôi không biết mình sẽ phải sống với điều này bao lâu nữa”.