Cảnh giác với đồ chơi "Made in China"

(ANTĐ) - Cơ quan chức năng của Trung Quốc (TQ) vừa cho biết, có tới gần 1/10 số đồ chơi của TQ là không an toàn, trong đó có số rất độc hại. Điều này đang gây lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu nhiều sản phẩm đồ chơi TQ, trong đó có Việt Nam.

Cảnh giác với đồ chơi "Made in China"

(ANTĐ) - Cơ quan chức năng của Trung Quốc (TQ) vừa cho biết, có tới gần 1/10 số đồ chơi của TQ là không an toàn, trong đó có số rất độc hại. Điều này đang gây lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu nhiều sản phẩm đồ chơi TQ, trong đó có Việt Nam.

>>> 1/10 đồ chơi Trung Quốc không an toàn

Theo kết luận của Tổng cục giám sát chất lượng và kiểm dịch nước này cho thấy, gần 1/10 số đồ chơi trẻ em tại Trung Quốc không an toàn. 20 trong số 242 mẫu đồ chơi được lựa chọn ngẫu nhiên trên thị trường tại Hà Bắc, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Sơn Đông, Hồ Bắc và Quảng Đông không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu. Trong số đó, có những sản phẩm chứa kim loại nặng như chì, crôm có thể gây ngộ độc và những sản phẩm có cạnh sắc có thể gây nguy hiểm cho trẻ em. Theo một bác sĩ khoa nhi tại bệnh viện số 304 ở Bắc Kinh, kim loại nặng có trong đồ chơi có thể gây ngộ độc mãn tính nếu chúng tích lũy trong cơ thể trẻ.

Không chỉ thế, hồi đầu tháng 6-2011, nghiên cứu của tổ chức Hòa bình xanh đã cho thấy, nhiều đồ chơi do Trung Quốc sản xuất chứa hàm lượng hóa chất cao có khả năng gây ra các dị tật về cơ quan sinh dục ở trẻ em.

Tuyến phố đồ chơi tràn ngập hàng TQ
Tuyến phố đồ chơi tràn ngập hàng TQ

Nghiên cứu trên đã xét nghiệm 19/21 sản phẩm cho thấy hóa chất phthalate chiếm hơn 10% trong các sản phẩm này, đặc biệt một sản phẩm chứa hơn 43% chất phthalate. Tất cả sản phẩm này được mua tại Trung Quốc, Hong Kong. Hóa chất phthalate này can thiệp vào hormon của con người và ảnh hưởng tới bộ phận sinh sản và các dị tật về cơ quan sinh dục ở trẻ em. Hơn nữa, phụ gia phthalates được bổ sung vào nhựa để làm mềm hơn và tăng khả năng chịu nhiệt. Các nhà khoa học đã chỉ ra việc tiếp xúc với hóa chất này có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tác dụng này thể hiện rõ rệt nhất ở bé trai.

Việc đồ chơi Trung Quốc độc hại đã được cảnh báo từ lâu, nhưng thực tế, ở Việt Nam, mặt hàng đồ chơi TQ có mặt khắp nơi từ nông thôn đến thành thị và bất chấp cảnh báo, đồ chơi xuất xứ từ TQ vẫn được “bán rất chạy” ở nước ta.

Kháo sát tại phố đồ chơi như Lương Văn Can, hàng Mã, Chả Cá trong ngày 1-6, có rất đông người tiêu dùng đến mua đồ chơi cho con em mình. Nhiều người trong số đó khi được hỏi đều cho biết, họ biết đồ chơi Trung Quốc không tốt, nhưng giờ không biết mua đồ chơi gì ngoài những loại đồ chơi được bày bán ở đây!. Trong khi đó, chính người bán hàng tại đây cũng thừa nhận "90% đồ chơi tại VN là "made in China".

Khi được hỏi về lý do mua đồ chơi Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng cho biết, vì đồ chơi TQ đa dạng về mẫu mã, sinh động và quan trọng hơn là hợp túi tiền, trong khi đó, các loại đồ chơi sản xuất trong  nước ít chủng loại và mẫu mã, đồ chơi của các nước khác thì giá cả đắt, không nhiều người có khả năng mua được... Bên cạnh đó,  một nguyên nhân quan trọng đó là vì, tại nước ta, đồ chơi Trung Quốc chiếm 90% số đô chơi cho trẻ em.

Đa số người tiêu dùng mua đồ chơi "made in China" cho ngày 1-6
Đa số người tiêu dùng mua đồ chơi "made in China" cho ngày 1-6

Trên thực tế, có một số người mua loại đồ chơi này vì chưa rõ tính độc hại của chúng nhưng cũng có số đông người tiêu dùng biết rõ đồ chơi TQ độc hại nhưng họ vẫn mua.

Anh Nguyễn Hưng (Bà Triệu, Hà Nội), khách đang mua hàng tại Lương Văn Can cho biết: "Trong ngày 1-6, tôi hay mua đồ chơi cho con trai và mấy đứa cháu. Cũng biết đồ chơi Trung Quốc không tốt nhưng thông tin đồ chơi Trung Quốc có nguy cơ gây vô sinh thì tôi mới được biết. Chẳng biết làm thế nào khi trên thị trường nước ta chủ yếu là đồ chơi made in China, đồ chơi của Việt Nam thì rất ít và không phong phú....!"

Bên cạnh sự băn khoăn của anh Hưng thì tâm lý thích mua hàng giá rẻ, phớt lờ nguy hiểm vẫn chiếm số đông người tâm dùng. Vì vậy, hàng độc hại, kém chất lượng mới có đất để tồn tại.

Đối với người tiêu dùng, đồ chơi là một nhu cầu tất yếu. Họ chỉ có thể "tẩy chay" hòan tòan các loại đồ chơi độc hại khi có một thị truờng đáp ứng được nhu cầu của mình. Như vậy, có thể thấy rõ ràng là, ngoài việc người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình thì thị trường đồ chơi trong nước cũng cần được quan tâm và "nâng cấp" hơn. Khi đồ chơi sản xuất trong nước đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường thì tất yếu người tiêu dùng sẽ tẩy chay các mặt hàng đồ chơi có hại, mà trước hết hiện nay là đồ chơi của TQ!

Hà Anh