Cảnh giác với "cò mồi" trước cổng trường

ANTD.VN - PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội xã hội học Việt Nam đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các sinh viên khi đi  thuê nhà trọ. 

- PV: Thưa ông, đối với sinh viên, vấn đề nhà trọ được quan tâm nhiều nhất vào dịp đầu năm học. Vậy theo ông, tân sinh viên cần chuẩn bị như thế nào khi đi thuê trọ?

- PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Các bạn trẻ ra Hà Nội lần đầu tiên phải chịu áp lực về tâm lý do thay đổi môi trường sống khi xa gia đình người thân và mọi sinh hoạt bị thay đổi. Đặc biệt, để ổn định việc học tập, các em phải tìm được chỗ ở phù hợp với túi tiền. Trước khi đi thuê trọ, các em nên tìm hiểu thông qua các nguồn thông tin uy tín như anh chị người thân đi trước, bạn bè, các hội nhóm trong trường… Tránh việc tự đi thuê trọ dễ sa chân vào các bẫy nhà trọ, “ma trận” về giá khu vực xung quanh các trường học.

- Tìm nhà thuê trọ, sinh viên có thể đối mặt với những nguy cơ nào thưa ông?

- Những vấn đề mà tân sinh viên gặp phải khi đi thuê nhà trọ là nơi thì quá xa trường học, nơi thì không đảm bảo an ninh. Những khu nhà trọ gần hơn thì chủ nhà lại hét giá cao. Vì tâm lý mong muốn có nhà ở nên các sinh viên dễ xa vào các bẫy lừa đảo của chủ nhà trọ hoặc các trung tâm môi giới… Sinh viên có thể phải trả một chi phí khá lớn nhưng chất lượng phòng, điều kiện không tương xứng.

Hoặc sau khi đã đặt cọc phòng, chủ nhà trọ tìm mọi cách để sinh viên phải tự ý chuyển đi và không lấy lại được tiền cọc... Rất nhiều “chiêu” của chủ nhà trọ xấu nhắm vào tân sinh viên còn bỡ ngỡ, chưa va chạm nhiều. Không chỉ có các chủ nhà trọ xấu, các sinh viên cũng cần cảnh giác với các “cò mồi” trước cổng trường.

Họ đăng ký một phòng cho nhiều lượt sinh viên, sau khi nhận được tiền cọc thì cắt luôn số điện thoại. Không chỉ như vậy, việc ở trọ trong khu có nhiều đối tượng phức tạp dễ nảy sinh các vấn đề về an ninh trật tự, trộm cắp tài sản, mất an toàn. Các đối tượng xấu có thể bẻ khóa lấy đi máy tính, phương tiện, điện thoại… của các em.

Lợi dụng thời điểm sinh viên đổ về thành phố với số lượng lớn, các nhà trọ đã thi nhau “hét” giá. Không chỉ thế, chi phí sinh hoạt cũng “rục rịch” thay đổi. Giá trọ tăng cũng kéo theo giá điện tăng cao. Có nhiều khu trọ, chủ trọ còn đòi giá 4.000 -6.000 đồng cho một số điện sinh hoạt.

 - Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các em?

 - Các sinh viên có thể liên lạc với bộ phận hỗ trợ sinh viên tại trường, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên để được giới thiệu nguồn nhà trọ đã được thông qua khảo sát và đảm bảo uy tín. Đặc biệt, những chủ nhà trọ này đã cam kết với trường đảm bảo giá trọ, giá điện nước, tình hình an ninh trật tự.

Đối với tân sinh viên, nên ưu tiên chọn ký túc xá trong năm đầu, sau đó có thể liên hệ với bộ phận hỗ trợ của trường để tìm nhà trọ hoặc thông qua các sinh viên khóa trước để tìm chỗ trọ phù hợp. Đồng thời, các em phải liên hệ với những người thân quen, bà con, những người đi trước để có thể tìm được địa chỉ uy tín. Các em có thể ở ghép với các anh chị đã thuê trọ, hoặc nhờ tìm địa chỉ an toàn và giá cả hợp lý. 

Cùng với đó, đi thuê trọ, tân sinh viên phải hỏi rõ chủ nhà trọ về các địa chỉ tin cậy như Công an phường, Cảnh sát khu vực, Tổ trưởng dân phố để khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đó cũng là chỗ dựa cho các em khi sống tại phòng trọ mới. Họ sẽ là người chia sẻ, cảnh báo để sinh viên tránh những nguy cơ có thể xảy ra.

- Theo ông, nhà trường cần có định hướng như thế nào để giúp đỡ cho tân sinh viên trong vấn đề này?

- Nhu cầu nhà ở trở nên cấp bách đối với tân sinh viên, đặc biệt đối với các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Ký túc xá nhà trường không phải lúc nào cũng đủ cho tất cả các em sinh viên. Nhà trường cũng nên tổ chức hỗ trợ các em tân sinh viên thông qua các hội, đoàn, câu lạc bộ thông tin giới thiệu các địa chỉ có nhà trọ giá cả hợp lý tạo thành một nguồn thông tin uy tín cho các em.

- Cảm ơn ông!