- Gian nan cuộc chiến phòng chống tội phạm trên không gian mạng
- Tội phạm mạng gây nhiều hệ lụy phức tạp...
Chiêu trò ngày một tinh vi, khó lường
Ngày 28-3, bà T (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) thấy cuộc gọi nhỡ từ tài khoản Viber của con gái. Thực hiện gọi lại bằng cuộc gọi video, bà T thấy hiển thị hình ảnh con gái nói chuyện với mình, nhưng cuộc gọi nhanh chóng bị ngắt. Sau đó, tài khoản con gái bà nhắn lại là do sóng yếu, hình ảnh mờ nên đã chủ động ngắt cuộc gọi, đồng thời nói với bà là “con đang cần tiền đổi ngoại tệ lấy phí chiết khấu”. Tin tưởng đó là con gái mình, bà T đã chuyển tiền theo hướng dẫn qua tin nhắn Viber mà không kiểm tra lại. Thế rồi, bà T phát hiện tất cả tin nhắn từ tài khoản con gái bỗng dưng bị xóa hết. Nghi ngờ tài khoản của con gái bị hack, bà T lập tức đến cơ quan công an trình báo, nhưng số tiền 1,3 tỷ đồng mà bà đã chuyển đi thì không thể lấy lại được. Theo cơ quan công an, bà T đã bị đối tượng lừa đảo tiếp cận, chúng sử dụng ứng dụng Deepfake để mạo danh con gái của bà nhằm chiếm đoạt tiền.
![]() |
Công an tỉnh Bắc Ninh đấu tranh, triệt xóa ổ nhóm lừa đảo có tổ chức trên không gian mạng |
Đáng chú ý, thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp gọi điện thoại có hình ảnh (video call) tới người dân đã phát triển ở mức độ mới tinh vi hơn. Có trường hợp các đối tượng bố trí một khu vực giống trụ sở công an, thậm chí có cả các “diễn viên phụ” vào vai công an, người dân, thậm chí có cả phòng hỏi cung để thuyết phục, lấy niềm tin từ các nạn nhân. Cụ thể, đầu tháng 4-2025, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip do chị N.M.T (trú tại tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ. Theo thông tin của chị T, chị bất ngờ nhận được cuộc gọi video call từ một người đàn ông mặc sắc phục Cảnh sát nhân dân. Khi chị T nói “dạo này có nhiều cuộc gọi giả danh công an để lừa đảo”, người đàn ông khẳng định mình là “công an thật”. Anh ta lia ống kính camera của điện thoại ra nhiều hướng khác nhau, rồi nói “em nhìn đi, em thấy chưa, một cơ quan công an đang làm việc đây, có chỗ nào giả đâu”.
Thời gian gần đây, tình trạng người dân nhận được các cuộc gọi điện thoại giả mạo cơ quan chức năng có dấu hiệu tăng trở lại. Trước vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, đây là hình thức lừa đảo có tổ chức trên không gian mạng. Hiện tội phạm mạng vẫn diễn biến phức tạp, chúng lợi dụng việc gọi điện thoại cho nạn nhân, đánh vào tâm lý khi làm việc với cơ quan chức năng thì người dân sẽ không đề phòng để dẫn dụ, giăng bẫy. “Các đối tượng còn biết cả số chứng minh nhân dân 9 số mà tôi không sử dụng từ nhiều năm nay. Ban đầu tôi khá cảnh giác, nhưng khi các đối tượng lừa đảo đọc đầy đủ thông tin cá nhân từ ngày, tháng, năm sinh, số CMND, số CCCD khiến tôi đã bị thao túng và làm theo yêu cầu của chúng” - anh Đ.A.H, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nạn nhân của các đối tượng lừa đảo chia sẻ.
Hỏa mù giữa mê cung
Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), từ ngày 15-2 đến 18-3 trên cả nước có 235 tin báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, với số tiền người dân bị mất là 217 tỷ đồng. Thủ đoạn của các nhóm đối tượng không mới, nhưng cách thức thì rất tinh vi, có tính toán và kịch bản công phu. Phổ biến nhất là hình thức lừa đảo cài ứng dụng giả mạo, nhất là mạo danh nhân viên điện lực gọi điện đến các hộ gia đình thông báo sắp cắt điện vì nợ tiền điện chưa thanh toán. Khi người dân thông tin đã đóng tiền sẽ có đối tượng vào vai nhân viên kỹ thuật hướng dẫn người dân kiểm tra lại bằng cách truy cập đường link giả mạo do chúng đưa ra.
![]() |
Cơ quan công an ghi lời khai “bà trùm kịch bản lừa đảo” Phạm Thị Huyền Trang |
Ngoài ra, các đối tượng còn dẫn dụ người dân vào các đường link có những hình ảnh nhạy cảm giả mạo, cắt ghép. Cụ thể, vào buổi tối khi đang ở cùng gia đình, sẽ có số điện thoại lạ nhắn tin cho vợ (hoặc chồng) với mục đích để chồng (hoặc vợ) đọc được tin nhắn. Nội dung tin nhắn sẽ cho biết tối hôm qua người vợ (hoặc chồng) vừa ngủ với người khác giới. Để “con mồi” cắn câu, đối tượng sẽ gửi kèm theo đó là đường link chứa video clip của 2 người. Do tò mò và có thể nghi ngờ “nửa còn lại” quan hệ bất chính, người chồng (hoặc vợ) sẽ thúc ép bạn đời của mình phải truy cập vào đường link đó để kiểm tra xem có đúng video clip của người thân mình hay không. Tuy nhiên, khi truy cập thì điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển, mất toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng cài trên điện thoại di động. Có nạn nhân đã bị mất số tiền lên tới 7 tỷ đồng.
Theo đại diện Bộ Công an, rủi ro an ninh mạng trong bối cảnh hiện nay là rất lớn. Nếu không quản lý được việc mở tài khoản, sử dụng tài khoản để giao dịch là chính chủ, bất kỳ tội phạm nào cũng có thể lợi dụng. Các đối tượng lừa đảo ngày càng chuyên nghiệp, quy mô có tổ chức lên tới hàng trăm người. Chúng cũng ngồi làm việc tại văn phòng, phân vai nhiệm vụ rõ ràng, có nhóm chuyên nghiên cứu kịch bản, có nhóm được đào tạo để thực hiện kịch bản lừa đảo, ứng biến với các tình huống, có nhóm xử lý dòng tiền…
![]() |
Tội phạm trong thế giới ảo ngày càng tinh vi, dẫn dụ nạn nhân để chiếm đoạt tài sản |
Tại hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chia sẻ, các kịch bản được đối tượng lừa đảo “sáng tạo” rất nhanh. Chẳng hạn như ngày 1-7-2024, ngành ngân hàng yêu cầu người dân thực hiện xác thực sinh trắc học thì ngay lập tức đã xuất hiện hình thức lừa đảo giả danh cán bộ ngân hàng hướng dẫn người dân xác thực sinh trắc học. Hoặc như gần đây, khi ứng dụng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, tội phạm đã lợi dụng việc này để “cải biên” nội dung kịch bản tiếp cận người dân qua việc “hỗ trợ tiện ích trực tuyến” như đăng ký thường trú, tạm trú, cấp hộ chiếu, cấp căn cước, thanh toán các dịch vụ công…
Các đối tượng giả danh để lừa đảo cũng ngày càng chuyên nghiệp. Trước đây khi giả danh công an, cán bộ kiểm sát, chúng dễ bị phát hiện bởi sử dụng nhiều khái niệm, thuật ngữ chuyên ngành sai khi giao tiếp với các nạn nhân, thì hiện nay tất cả các nhược điểm đó đã được chúng khắc phục, sử dụng gần như chính xác. Việc xử lý dòng tiền cũng được các đối tượng xử lý rất nhanh. Sau khi tiền lừa đảo về tài khoản người nhận (đều là tài khoản không chính chủ mua từ người khác), chỉ cần vài giây là dòng tiền tỏa đi các hướng…
Đẩy mạnh ngăn chặn, phòng ngừa
Song song với việc điều tra những đường dây lừa đảo, Bộ Công an đang phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan khắc phục những lỗ hổng như tình trạng mua bán sim không chính chủ, tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp chưa yêu cầu sinh trắc học. “Sim rác tràn lan. Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng sim rác để liên hệ với người dân. Nếu quản được số sim điện thoại này ngay từ đầu thì sẽ hạn chế được các cuộc gọi lừa đảo” - nạn nhân N.V.S trú tại Hà Nội chia sẻ.
Bộ Công an vừa chính thức phát động cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm lừa đảo qua mạng từ nay đến hết tháng 8-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua Công điện số 29/CĐ-TTg ngày 3-4-2025. Theo đó, Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là trong giai đoạn sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương. Đồng thời, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, ứng dụng, hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng liên quan đến hoạt động lừa đảo, cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn lừa đảo, nhất là các cuộc gọi từ nước ngoài, cuộc gọi sử dụng công nghệ VoIP, ứng dụng OTT...
Đại diện Bộ Công an khẳng định, tất cả các nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng hoạt động ở trong nước sẽ đều nhanh chóng điều tra, bắt giữ. Với các nhóm đối tượng bên ngoài lãnh thổ, Việt Nam đang phối hợp cùng các quốc gia đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá, đưa về nước xử lý, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng gây bức xúc và thiệt hại lớn về tài sản cho nhân dân.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an):
![]() |
Quá trình điều tra, làm rõ hoạt động tội phạm lừa đảo công nghệ, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phân tích, tổng hợp được 4 “chiêu” lừa đảo phổ biến nhất hiện nay.
Thứ nhất là mạo danh các cơ quan tổ chức, cá nhân có uy tín, người thân, ngân hàng… chiếm 50% hoạt động, phương thức lừa đảo.
Thứ hai là mời gọi đầu tư vào loại hình kinh doanh trên mạng như mời kinh doanh sàn vàng, đầu tư tiền ảo...
Thứ ba là dùng thông tin nhạy cảm để tống tiền, chủ yếu đánh lừa tình cảm, sau đó dẫn dụ nạn nhân gửi thông tin, video, hình ảnh nhạy cảm rồi dùng những clip nhạy cảm này đe dọa và tống tiền.
Thứ tư là lừa cài ứng dụng chứa mã độc hại để chiếm quyền sử dụng tài khoản.
Từ ngày 1-7-2024, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra quy định thực hiện yêu cầu xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng. Từ thực tế này, Bộ Công an đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có phương án thực hiện đối soát sinh trắc học đối với những người đại diện pháp luật của các cơ quan, doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng để giao dịch trực tuyến; triển khai thực hiện thật tốt xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền, loại bỏ tài khoản không chính chủ, từ đó bảo vệ khách hàng và ngăn chặn lừa đảo. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục yêu cầu các nhà mạng có phương án phối hợp với ngân hàng, đối soát thông tin liên quan để xác định thông tin định danh của người sử dụng thuê bao di động.
Chị Hồ Trúc, công dân đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Nghệ An: Hết sức cảnh giác với giao dịch trên không gian mạng
![]() |
Ngày 3-4 vừa qua, tôi nhận được cuộc gọi điện thoại của một người tự xưng tên là Đặng Quốc Tuấn, hiện kinh doanh tại Hàn Quốc, trao đổi muốn cùng hợp tác kinh doanh lươn. Anh ta sẽ chuyển khoản số tiền 4 triệu đồng đặt cọc để lấy số lươn tương ứng. Ít giờ sau đó, anh ta liên tục hỏi tôi đã nhận được tiền vào tài khoản chưa. Khi tôi nói chưa nhận được thì người này đề nghị chụp lại giao dịch gần nhất trong tài khoản ngân hàng để chứng minh việc chưa nhận được tiền. Tôi đã làm theo lời đối tượng sau khi chuyển gần hết tiền trong tài khoản sang một tài khoản ngân hàng khác đề phòng lừa đảo. Sau đó, tôi nhận được mã QR do đối tượng gửi, trên đó hiện đúng số tiền còn lại trước đó trong tài khoản, nội dung chuyển khoản là “nhận tiền quốc tế”.
Tôi là người được thụ hưởng tiền cọc, khi quét mã ngân hàng theo lời đối tượng thì chắc chắn số tiền sẽ bị mất đi, vì nguyên tắc quét mã tài khoản nào thì tài khoản đó là tài khoản thụ hưởng. Do đó tôi không thực hiện yêu cầu theo lời đối tượng. Tôi nghĩ, khi gặp phải tình huống này cần hết sức bình tĩnh. Thời gian trước, mẹ tôi cũng nhận được cuộc gọi giả mạo dì ruột tôi nói đang cần tiền, nhờ chuyển khoản. Những kẻ lừa đảo đã sử dụng công nghệ Deepfake tạo ra hình ảnh dì ruột tôi đang sinh sống tại Đài Loan, khiến mẹ tôi hoàn toàn tin tưởng. Vì vậy, dù tài khoản nhận tiền không hề mang tên dì ruột tôi, nhưng mẹ tôi vẫn chuyển và mất số tiền 20 triệu đồng.
Từ vụ việc của chính mình, tôi cho rằng mỗi người dân cần chủ động cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo, tuyên truyền cho những người xung quanh, bởi chỉ một phút giây lơ là, mất cảnh giác, số tiền “mồ hôi nước mắt” của mình sẽ rơi vào tay các đối tượng lừa đảo.
Công ước Hà Nội - lá chắn cho sự an toàn, ổn định của không gian mạng toàn cầu
![]() |
Tại New York, ngày 24-12-2024 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với tội phạm trong thời đại số, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, xem là “lá chắn thép” bảo vệ an toàn, ổn định của không gian mạng toàn cầu. Đặc biệt, theo Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025 và mang tên gọi “Công ước Hà Nội”.
Công ước gồm 9 chương, 71 điều khoản, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: Xác định các hành vi được coi là tội phạm mạng, từ truy cập bất hợp pháp, can thiệp hệ thống đến lạm dụng trẻ em trực tuyến, rửa tiền có được từ các hoạt động phạm tội; xác định thẩm quyền và các biện pháp điều tra, cho phép các nước có thể thu thập chứng cứ và truy tố hiệu quả các vụ án liên quan đến tội phạm mạng; các biện pháp thủ tục và thực thi pháp luật; hợp tác quốc tế trong điều tra, truy tố các đối tượng phạm tội mạng; các biện pháp phòng ngừa, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức về an ninh mạng; hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin…
Điểm nổi bật nhất của công ước là đã xây dựng được khung pháp lý thống nhất, toàn diện về tội phạm mạng, xác định rõ các nhóm tội phạm cụ thể như xâm nhập trái phép, tấn công vào hệ thống thông tin trọng yếu, đánh cắp dữ liệu cá nhân, phát tán nội dung độc hại, lừa đảo tài chính, mua bán người trực tuyến, rửa tiền và tài trợ khủng bố; thiết lập cơ chế hợp tác quốc tế gồm hỗ trợ pháp lý trong tương trợ tư pháp, nhanh chóng dẫn độ tội phạm, chia sẻ thông tin, chứng cứ điện tử, xây dựng các điểm liên lạc hoạt động 24/7 giữa các quốc gia, tạo ra cơ chế thực thi mạnh mẽ cho phép lực lượng chức năng các nước phản ứng tức thời, đồng bộ trước các hành vi của tội phạm mạng có tính chất xuyên quốc gia.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho rằng, việc ra đời một công ước về tội phạm mạng sẽ giúp cho việc đảm bảo an ninh mạng được thuận tiện hơn. Khi tất cả các quốc gia tham gia vào công ước này thì chúng ta sẽ có tiêu chuẩn chung để xử lý các hình thức tội phạm ở trên không gian mạng và đặc biệt việc phối hợp giữa các quốc gia sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Sự kiện này không chỉ thể hiện quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế mà còn khẳng định vai trò ngày càng nổi bật, quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc thông qua công ước là kết quả nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình này. Lần đầu tiên, một điều ước quốc tế đa phương, mang tầm vóc toàn cầu trong một lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu như an ninh mạng và quản trị số sẽ được ký kết tại Việt Nam.
Thu Ngân