Cảnh giác với biến chứng từ bệnh viêm da cơ địa

ANTD.VN - Thời tiết thay đổi chuyển mùa, mùa lạnh, hanh khô, tỷ lệ người mắc bệnh viêm da cơ địa có xu hướng tăng. Mọi người nên chú ý điều trị dứt điểm cho con để tránh những biến cố đáng tiếc xảy ra.

Mùa đông, khí hậu khô và lạnh thường khiến bệnh tái phát, yếu tố thời tiết, thức ăn, môi trường sống và làm việc cũng có thể ảnh hưởng làm bệnh nặng lên. Bố mẹ nên cho các bé đi khám tại cơ sở chuyên khoa để được tư vấn điều trị kịp thời.

Những biến chứng thường gặp do bệnh Viêm da cơ địa

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, bệnh viêm da cơ địa nói chung không gây ra biến chứng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nhưng nếu không điều trị đúng, kịp thời hoặc trị liệu không phù hợp sẽ khiến bệnh dễ tái đi tái lại, có thể để lại những vết sẹo nghiêm trọng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tổn thương da về sau. Bởi vì, đặc điểm của  gây ngứa có thể âm ỉ hoặc bùng phát dữ dội.

Càng ngứa càng gãi nhiều, càng gãi lại càng có cảm giác ngứa nhiều hơn, chính vì vậy mà da ngày một bị dày lên, bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn mưng mủ, lở loét da ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Ngứa, với trẻ nhỏ sẽ hay quấy khóc, ăn kém, ngủ kém; với trẻ lớn, người lớn sẽ ảnh hưởng đến học tập, công việc và cuộc sống hàng ngày.

Mặt khác, sau ngứa, bệnh dần dần nặng hơn nếu không được điều trị, vì vậy, vùng da phát bệnh bị phù nề, chảy dịch, đóng vẩy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết trợt, bội nhiễm vi khuẩn, nhất là do vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc vi khuẩn mủ xanh sẽ tạo các mụn mủ, rất khó khăn cho việc chữa trị và có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Bởi vì, vi khuẩn tụ cầu vàng cũng như vi khuẩn mủ xanh kháng nhiều loại kháng sinh, ngay cả kháng sinh thế hệ mới.

Hậu quả của nhiễm trùng da do viêm da cơ địa (gãi) sẽ để lại sẹo sau khi chữa trị hết bội nhiễm làm mất mỹ quan, nhất là bệnh xảy ra ở vùng mặt. Viêm da cơ địa nếu kéo dài khiến làn da trở lên sần sùi, mẩn đỏ, dày lên gây mất thẩm mỹ rất lớn, nhất là ở các vị trí nguy hiểm như mắt, mặt. Đáng chú ý nhất là rất hay tái phát, đặc biệt là lúc thời tiết chuyển mùa (nóng sang lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt, gió mùa Đông Bắc tràn về...)

Nếu viêm nhiễm xuất hiện ở dây thần kinh, mắt, mặt sẽ rất nguy hiểm, bởi vì có thể tác động tới dây thần kinh, gây đau cơ, đau đầu trong một thời gian. Phụ nữ mang thai mắc bệnh Viêm da cơ địa có thể ảnh hưởng xấu cho thai nhi, hơn nữa việc dùng thuốc trong thời kỳ này cho bà mẹ mang bầu cũng khá khó khăn.

Viêm da cơ địa ngoài việc hay tái phát còn có khả năng làm xuất hiện một số bệnh khác (hen, viêm mũi dị ứng...) trên người có cơ địa dị ứng.

Khi nghi bị viêm da cơ địa cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng, kịp thời, tránh để bệnh gây ra biến chứng. Người bệnh hoặc người nhà của bệnh nhân không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị sẽ làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng.

Báo điện tử VOV cho hay, trong nhiều trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa, cha mẹ vì thiếu hiểu biết, tự ý điều trị cho con, chậm trễ trong việc điều trị, rất dễ dẫn tới những biến chứng như bội nhiễm, nhiễm trùng gây sốt, tăng trưởng chậm…

Nguyên tắc phòng bệnh

Theo Báo điện tử VTV, tuy viêm da cơ địa không lây qua tiếp xúc nhưng lại luôn ám ảnh người bệnh và gia đình bởi biểu hiện của bệnh khiến ai cũng cảm thấy "dè chừng". Mùa lạnh là mùa bệnh dễ phát và cũng dễ chuyển biến xấu, chúng ta nên chú ý đề phòng. Luôn đảm bảo vệ sinh làn da sạch sẽ, không nên dùng các loại nước hoa, mỹ phẩm bừa bãi, tùy tiện. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, khói thuốc, phấn hoa và các dị nguyên gây dị ứng khác. Tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột, nên tắm rửa bằng nước ấm, mặc đủ ấm. Khi trời trở lạnh, ẩm, khô hanh cần giữ ẩm da sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng khô rát da.

Bệnh viêm da cơ địa sẽ làm da nứt toác, chảy máu khi thời tiết hanh khô, giá lạnh. Bệnh nhân viêm da cơ địa không nên ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc các loại.

Thực phẩm lạ và nên sử dụng vitamin D theo đơn thuốc của bác sĩ, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường tập luyện thể thao.