Cảnh giác với bánh kẹo bán cân

ANTĐ - Các loại bánh, kẹo Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết này. Trong khi đó, bánh kẹo bán theo cân không rõ nguồn gốc lại khiến người dân nghi ngại.

Các loại bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc khó đảm bảo chất lượng

Chuộng hàng Việt có uy tín

Tại chợ Đồng Xuân, các loại bánh kẹo, hàng khô bán theo cân, được đóng trong túi lớn, không có nhãn mác được bán với giá khá rẻ. Cụ thể, hạt hướng dương khoảng 60.000-70.000 đồng/kg, hạt bí rang sẵn giá 150.000 đồng/kg, mứt hồng khô 100.000 đồng/kg… Phần lớn các mặt hàng này đều có xuất xứ từ Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, tại các chợ nhỏ như: chợ Dịch Vọng, Nghĩa Tân, bánh kẹo của các làng nghề được bán theo cân tràn lan. Quẩy 25.000 đồng/kg; bánh quy xốp nhỏ 30.000- 35.000 đồng/kg… Các loại bánh kẹo này cũng được nhiều chủ sạp hoa quả nhập về bán trong dịp Tết. Tuy nhiên, hàng bán tương đối chậm. “Tôi chỉ bán được cho sinh viên trọ học tổ chức sinh nhật hoặc ăn chơi, họ mua vài lạng một thôi”- chị Nguyễn Thị Sinh- chủ cửa hàng hoa quả tại ngõ 233 Cầu Giấy cho biết.

Trong khi đó, tại các siêu thị, nơi bày bán bánh kẹo của các công ty lớn như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà…bắt đầu đông khách hơn. Các loại bánh Cosy, Koko Chocho của Kinh Đô; bánh Belgi, bánh quế kem, kẹo Cốm… của Tràng An bán khá chạy. Một số loại bánh kẹo khác cũng bán chạy vào thời điểm này như: Chocopie, Goute’. Kẹo Oishi các hương vị, kẹo Socola và thạch… bán theo cân trong siêu thị cũng được người dân lựa chọn vì có xuất xứ rõ ràng. Nhiều cửa hàng lựa chọn để cho vào các giỏ hàng vì bao gói đẹp, giá phải chăng . 

Ông Trần Quốc Việt- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc cho hay, năm nay công ty đưa ra thị trường khoảng 4.500 tấn bánh kẹo phục vụ người dân dịp Tết, sản lượng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty chỉ điều chỉnh nhẹ, 1-2% giá một số mặt hàng. Do đó, giá cả đến tay người tiêu dùng vẫn hợp lý, cạnh tranh. 

Trong khi đó, theo dự kiến, công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà sẽ cung ứng 9.000 tấn bánh kẹo, công ty cổ phần Hữu Nghị sản xuất khoảng 12.000 tấn, công ty bánh kẹo Tràng An 2.500 tấn và công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội dự trữ khoảng 450 tấn. Với nguồn hàng này thì người dân Thủ đô hoàn toàn yên tâm với bánh kẹo nội của các công ty có uy tín.

Tự làm bánh mứt dịp Tết

Bên cạnh việc mua và sử dụng bánh kẹo của các doanh nghiệp có uy tín, một bộ phận không nhỏ người nội trợ đang có xu hướng tự làm bánh, mứt dịp Tết cho gia đình. Chị Nguyễn Hoàng Lan - nhà 10B (phường Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy) cho biết: “Chị em cùng công ty tôi đang bắt tay vào làm mứt. Mất chút thời gian nhưng yên tâm về chất lượng, lại đảm bảo vệ sinh”. Theo chị Lan, các loại mứt làng nghề tràn lan, thậm chí có thông tin mứt này được cung cấp cho một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo khiến người dân lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, bánh mứt bán theo cân tại các chợ, hội chợ dù nhìn rất đẹp nhưng người dân vẫn không yên tâm. “Tính giá thành, tự làm mứt chỉ đắt hơn mứt mua một chút, nhưng tự tay mình làm vừa vui, vừa yên tâm. Tôi còn làm nhiều để biếu người thân, bạn bè”- chị Nguyễn Hoàng Lan nói.

Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Minh Thanh (nhân viên nhà hàng Green T- phố Hàng Buồm) chia sẻ: “Làm bánh, mứt không hề khó, còn mang lại hương vị mới lạ cho Tết. Mứt dừa, mứt khoai lang, mứt khoai tây, mứt cà chua bi, mứt cùi bưởi… dễ ăn, dễ tìm nguyên liệu và cách chế biến được hướng dẫn tỷ mỉ trên mạng internet, ai cũng có thể làm được”. Theo tính toán của chị Minh Thanh, nếu mua một quả dừa giá 15.000 đồng, cộng với khoảng 15.000 đồng tiền đường thì được đĩa mứt dừa to thơm ngon, nhiều tương đương với lượng mứt dừa giá 25.000 đồng mua ngoài thị trường, phụ phí không đáng là bao.