Cảnh giác trước những nội dung “bẩn” trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khoa học công nghệ phát triển tạo chuyển biến tích cực cho nhân loại về mọi mặt, trong đó, phải kể đến sự tiếp cận của con người đối với những nguồn thông tin đa dạng, phong phú với tốc độ nhanh chóng bất kể không gian và thời gian thông qua hệ thống Internet. Các mạng xã hội khá đang dạng và phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến là Facebook, YouTube, Viber, Zalo, Twitter, Instagram..., nhưng nổi bật nhất chính là Facebook. Sự bùng nổ và tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các nền tảng giải trí, ai cũng có thể dễ dàng “nổi tiếng” với hàng trăm nghìn đến hàng triệu người theo dõi. Có lẽ cũng vì “hào quang” do thế giới “ảo” mang lại, không ít người bị tự cho mình quyền phán xét, đánh giá về cá nhân, tổ chức, thậm chí chà đạp các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Thế giới “ảo” nhưng gây ra những hệ lụy thật, nghiêm trọng cho đời sống xã hội. Do đó, nếu không tỉnh táo, người sử dụng mạng, nhất là đối với trẻ em hiện nay dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm.

Nhận diện nội dung “rác” trên không gian mạng hiện nay

Chúng ta không còn quá xa lạ với việc ai đó sáng tạo nội dung trên mạng xã hội để chia sẻ về cuộc sống, kết nối với mọi người, thể hiện góc nhìn và ý kiến cá nhân. Đó dường như trở thành một xu hướng mới của thời đại bùng nổ thông tin. Người thực hiện nội dung còn có thể kiếm được tiền nhờ xây dựng các trang mạng xã hội tới một mức độ phát triển nào đó. Thế nhưng, bên cạnh các nội dung gửi gắm thông điệp tích cực, mang lại lợi ích và giá trị cho cộng đồng, nay đã xuất hiện nhan nhản các nội dung “rác”, chia sẻ những suy nghĩ và lối sống sai lầm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới một bộ phận giới trẻ. Dễ dàng thấy, bất kỳ vấn đề gì cũng có thể đem ra khai thác để thành nội dung trên mạng xã hội.

Cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực (Minh họa: Internet)

Cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực (Minh họa: Internet)

Sự phổ biến của mạng xã hội dẫn đến tình trạng nhiều người sử dụng hình thành nên sự “ảo tưởng” về sức mạnh của không gian mạng dẫn đến những hành vi tiêu cực, cư xử thiếu văn minh, thậm chí vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Việc thể hiện cảm xúc, quan điểm cá nhân trên mạng xã hội không còn xa lạ nhưng trường hợp sử dụng mạng xã hội như một công cụ để giải tỏa, thể hiện “mặt trái” của mình đôi lúc đi quá giới hạn, sẵn sàng buông câu từ xúc phạm một cá nhân nào đó, thậm chí là đăng tải bài viết, “chế” ảnh bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà quên mất rằng vẫn còn hệ thống chế tài nghiêm minh để xử lý những hành vi “vô pháp” trên môi trường “ảo”, những hành động đó thường được gọi là nội dung “bẩn”. Vậy nội dung “bẩn” là gì?

“Nội dung” trên mạng xã hội thường được gọi tiếng Anh là “content” được cộng đồng mạng dùng ở đây chúng ta có thể hiểu là “Social content” - có nghĩa là nội dung tiếp thị, một hình thức truyền thông mạng xã hội được triển khai trên nhiều kênh Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, Twitter… Những nội dung đó sẽ được một cá nhân hay tổ chức gọi là “nhà sáng tạo nội dung số” sẽ xây dựng những nội dung phù hợp dựa trên nhu cầu, sự việc cụ thể và đăng tải hướng đến phục vụ nhu cầu của người dùng.

Nội dung “bẩn” (hay còn được gọi là “content bẩn”) là những nội dung mang tính tiêu cực, không lành mạnh. Các nội dung “bẩn” thường có nhiều dạng, được tạo ra với các mục đích khác nhau. Nhưng quy luật chung của những nội dung “bẩn” là tạo nên sự sai lệch trong nhận thức, dẫn đến các suy nghĩ không lành mạnh. Các nội dung “bẩn” cũng gây nên những cuộc khẩu chiến, tranh cãi ở trên nền tảng mạng xã hội. Đây được coi là mục đích chính của người tạo ra nhằm thu hút sự chú ý của người xem, người đọc và tăng tương tác cho trang mạng xã hội của mình từ đó phục vụ cho những mục đích khác.

Theo các chuyên gia, những nội dung “bẩn” hiện nay trên mạng xã hội thường được phát tán bởi 2 diện như sau:

- Thứ nhất, là những người hạn chế hiểu biết về pháp luật, cho rằng mạng xã hội là môi trường “ảo” nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, do đó, họ đưa tin không kiểm chứng để “đánh bóng” tên tuổi, trục lợi.

- Thứ hai, là những người được cho là “có tiếng nói” trên mạng xã hội có nhận thức về pháp luật và hành vi nhưng cố tình đưa thông tin để gây hoang mang cho người khác nhằm phá hoại, gây mất ổn định trật tự xã hội. Đây được coi là nhóm có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng xã hội hiện nay.

Những hệ lụy...

Việt Nam hiện có hơn 76 triệu người dùng Facebook. Còn TikTok mới vào Việt Nam 3 năm nay đã có tới 50 triệu người dùng, đứng thứ 6 trên 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok cao nhất thế giới. Theo thống kê từ Statista, độ tuổi trung bình sử dụng TikTok từ 12 - 24 tuổi. 71% người dùng đánh giá nền tảng này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Còn theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5-7 giờ/ngày; nhưng chỉ 36% trẻ em được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Theo Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội.

Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Việc tiếp cận nội dung “bẩn” đã khiến nhiều người, trong đó có cả trẻ em học và làm theo, đăng tải lên TikTok để “câu view”, nhằm thể hiện “cái tôi quyền lực ảo” trên mạng xã hội. Do đó, nếu không tỉnh táo, người sử dụng mạng xã hội dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu vô cùng nguy hiểm.

Một công thức thường thấy của các

TikToker sử dụng chính là sự nổi tiếng đi kèm chiêu trò và chấp nhận “gạch đá”, thị phi. Đáng nói, một số TikToker nổi lên bằng những video phản cảm sau này còn được săn đón như ngôi sao trên thảm đỏ của các sự kiện nghệ thuật như show thời trang, buổi công chiếu phim. Từng có một số TikToker lấn sân sang thi hoa hậu, làm diễn viên, KOls... sau những ồn ào trên mạng xã hội. Điều này tạo nên “rác văn hóa” trôi nổi tràn lan trên mạng xã hội có thể làm ảnh hưởng đến tư tưởng của nhiều người trẻ rằng “chỉ cần chiêu trò để nổi tiếng thì ắt sẽ thành công”.

Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5-7 giờ/ngày; nhưng chỉ 36% trẻ em được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Theo Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội. Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Trên thực tế, các nội dung “bẩn” không chỉ gây tâm lý hiếu kỳ, tò mò của độc giả mà nó còn làm suy yếu các phương tiện truyền thông. Các nội dung “bẩn” không chỉ hướng lái sai lệch người đọc, người xem mà nhiều khi còn đánh lừa cả một số phóng viên và báo chí đăng lại thông tin thiếu kiểm chứng cũng trở thành nạn nhân vô tình tiếp tay cho đối tượng và gây hoang mang cho người dùng mạng xã hội khi không thể phân biệt thật, giả.

Mạng “ảo” nhưng trách nhiệm thật trước pháp luật

Có thể thấy, Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Điều này đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, được cụ thể hóa trong nhiều Luật, Nghị định cùng nhiều văn bản pháp luật khác và được biểu hiện sinh động trên thực tế. Hiện nay pháp luật ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của công dân, nhưng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Sự ra đời của Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật khác nhằm điều chỉnh các hành vi trên không gian mạng có nêu như sau:

Điểm đ, khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng quy định về các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Ngoài ra , Điều 9, Luật An ninh mạng cũng quy định: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Hành vi đưa tin giả mạo, sai sự thật lên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm của Luật An ninh mạng, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27-1-2022) quy định: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã có và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện như Luật Trẻ em năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”… Ngoài ra, còn có các quy định từ Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27-1-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử; Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản đã phần nào thể hiện tính răn đe của Nhà nước đối với người dùng mạng xã hội. Từ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả để tiếp nhận phản ánh và xử lý tin giả. Chúng ta cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, kèm theo đó là các nghị định xử phạt hành chính…

Bằng nhiều biện pháp trên phương diện pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, Bộ TT-TT đã đấu tranh quyết liệt yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok phải đáp ứng yêu cầu của Bộ trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc hại nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta trên các mạng xã hội do các đơn vị này cung cấp. Ngoài ra, Bộ TT-TT phối hợp với các bộ, ngành liên quan lập danh sách một số thế lực thù địch phản động, các phần tử cơ hội chính trị “cộm cán”, thường xuyên đăng tải, phát tán thông tin xấu, độc hại nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta trên các mạng xã hội để theo dõi, giám sát đặc biệt; Yêu cầu Facebook, Google, TikTok ngăn chặn, gỡ bỏ ở mức cao nhất và nhanh nhất đối với các tin, bài vi phạm của nhóm kênh, tài khoản phản động “cộm cán”.

Việc này giúp hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng của nhóm kênh, tài khoản này. Kết quả 6 tháng đầu năm 2023: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.642 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ bỏ 4 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; gỡ 54 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn. Ngoài ra, tự chủ động, rà quét gỡ bỏ 344.000 nội dung vi phạm trên nền tảng (tỷ lệ 91%); Google đã gỡ 6.359 video vi phạm trên YouTube. Ngoài ra, chặn 8 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam, xóa 2 kênh (tỷ lệ 94%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ: 416 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực. Trong đó, có 149 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, tự chủ động rà quét, gỡ bỏ 1.981 nội dung vi phạm trên nền tảng (tỷ lệ 92%).

Có thể thấy, Nhà nước đang ngày càng mạnh tay và quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn những nội dung “bẩn” trên không gian mạng nhằm tạo nên một môi trường lành mạnh, văn minh. Việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật không chỉ để răn đe người vi phạm mà còn là một phương thức để tuyên truyền, nhắc nhở mỗi cá nhân cần nhận thức rõ về môi trường mạng xã hội cũng như hệ thống pháp luật Việt Nam, từ đó có trách nhiệm để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của một người công dân Việt Nam văn minh cả từ thế giới thật lẫn trong xã hội “ảo”.

Trước mỗi nội dung “bẩn” lan truyền trên mạng xã hội các bậc làm cha, mẹ và thầy cô giáo cần tỉnh táo, suy nghĩ xem những tin tức, hình ảnh đó khởi nguồn thế nào, ai phát ra, liệu có đủ khả năng tin cậy và tác động như nào đến lứa tuổi trẻ nhỏ. Nếu những tin tức đó mang đến suy nghĩ tiêu cực, cần phải suy xét thận trọng, tránh việc ấn “like” (thích) hay “share” (chia sẻ), “comment” (bình luận) tạo hiệu ứng lan truyền tin giả, độc hại. Đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền cho trẻ em biết và nhận diện đây là những nội dung “bẩn” độc hại cần phải trách. Phải cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực. Đặc biệt, không chia sẻ nguồn tin phát ra từ trang mạng của những cá nhân, tổ chức thường xuyên đưa tin có nội dung tiêu cực, sai trái, phỉ báng Nhà nước, cộng đồng. Hãy cùng nhau chung tay đẩy lùi các nội dung “bẩn” và hướng đến xây dựng một cộng đồng mạng trong sạch.