Cảnh giác trước những cuộc điện thoại "ma"

ANTD.VN - Giả danh công an hay nhân viên công quyền của cơ quan Nhà nước để gọi điện thoại dọa dẫm, ép người dân phải chuyển tiền vào tài khoản khác để xác minh  rồi nhanh chóng rút sạch. Thủ đoạn này tưởng chừng như đã quá cũ nhưng vẫn có không ít nạn nhân sập bẫy trong thời gian gần đây. 

Đáng chú ý, số tiền mà các đối tượng rút được trong mỗi vụ lừa đảo kiểu này lên tới cả vài trăm triệu đồng. Bị hại sau khi bị mê muội vì những lời “chém gió” đã bừng tỉnh nhưng số tiền mà họ cả đời tích cóp thì đã biến mất.

Cảnh giác trước những cuộc điện thoại "ma" ảnh 1Các đối tượng bị bắt giữ và một phần tang vật 

Bối rối khi thấy công an, viện kiểm sát gọi đến

Sáng 17-5, khi chị Nguyễn Thị Vân Anh ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội đang ngồi trong nhà thì chuông điện thoại bàn réo vang. Cầm lên nghe, chị Vân Anh được một người ở đầu dây bên kia tự  xưng là Công an TP Hải Phòng thông báo điện thoại của gia đình chị nợ cước với số tiền khá lớn. Đối tượng còn dọa những cuộc gọi này đều hướng ra nước ngoài với nội dung làm những việc vi phạm pháp luật.

Chưa hết, để tăng tính thuyết phục cho màn kịch lừa đảo, đối tượng nam giả danh Công an Hải Phòng còn yêu cầu chị Vân Anh giữ máy để nói chuyện với nhân viên của Viện KSND Hải Phòng. Vài giây sau, một phụ nữ cầm máy nói mình là nhân viên của Viện KSND TP Hải Phòng và “xác tín” lời của đồng chí Công an Hải Phòng kia là sự thật. 

Đang trong lúc  hoang mang vì những lời hù dọa của các đối tượng, chị Vân Anh bị các đối tượng này yêu cầu phải chứng minh mình không liên quan  đến vụ án, đến những cuộc điện thoại gọi ra nước ngoài. Chúng hỏi han cặn kẽ thông tin cá nhân, số điện thoại di động, tài khoản ngân hàng. Khi chị Vân Anh nói có mở tài khoản ngân hàng, các đối tượng yêu cầu chị Vân Anh phải chuyển 570 triệu đồng vào số tài khoản 8400205184104 mang tên Đình Anh Tuấn tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Lạng Sơn.

Như bị “ma làm”, chị Vân Anh hộc tốc chạy ra ngân hàng rút và chuyển 570 triệu đồng từ tài khoản của mình và chuyển sang tài khoản trên. Khi chuyển xong số tiền này, chị Vân Anh về nhà và mới biết mình bị lừa. Chạy lên cơ quan công an trình báo nhưng qua kiểm tra tài khoản, toàn bộ số tiền hàng trăm triệu đồng mà cả đời chị tích cóp dành dụm đã bị các đối tượng nhanh chóng rút sạch.

Cùng ngày, chị Lý Thị Thái ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng nhận được điện thoại thông báo nợ cước tiền điện thoại. Vẫn thủ đoạn giả danh công an và nhân viên của VKSND TP Hải Phòng, chúng hù dọa chị Thái có liên quan đến một đường dây ma túy lớn. Sau khi tra khảo và biết chị Thái có tài khoản trong ngân hàng, các đối tượng yêu cầu chị Thái phải chuyển hơn 200 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng chi nhánh ở Lạng Sơn để chúng bảo vệ. Tin lời các đối tượng, chị Thái ra ngân hàng làm thủ tục chuyển số tiền này vào tài khoản do chúng yêu cầu. Và cũng giống như chị Vân Anh, chị Thái khi biết mình bị lừa cũng là lúc các đối tượng đã rút toàn bộ số tiền trên rồi biến mất không dấu vết.

Phong tỏa, ngăn chặn khó khăn

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát Hình sự, CAQ Cầu Giấy cho biết: “Ngày 18-4, chị Võ Thị Như Mai ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội nhận được điện thoại của các đối tượng tự nhận là Công an tỉnh Quảng Ninh gọi đến nói chị có liên quan đến một đường dây ma túy lớn.

Để chị Mai tin tưởng, chúng còn đưa máy cho một người tự nhận là nhân viên của VKSND tỉnh Quảng Ninh. Chúng yêu cầu chị Mai chứng minh bản thân không liên quan gì đến đường dây ma túy và rửa tiền này bằng cách chuyển 700 triệu đồng vào tài khoản một ngân hàng chi nhánh Lạng Sơn. Chẳng hiểu chúng dọa dẫm những gì mà sau đó, chị Mai thần hồn nát thần tính răm rắp ra ngân hàng chuyển 700 triệu đồng trong tài khoản cho chúng. Khi biết mình bị lừa cũng là lúc toàn bộ số tiền này của chị Mai bị bọn chúng nhanh chóng rút sạch”.  

Trong số những bị hại đến CAQ Cầu Giấy trình báo bị các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn như trên còn có cả nam giới. Trường hợp này là ông Vũ Văn Ngọc ở Mai Dịch, Cầu Giấy. Sáng 1-6, vẫn thủ đoạn gọi điện vào số máy bàn thông báo gia đình nợ cước điện thoại với số tiền khá lớn, các đối tượng giả danh Công an tỉnh Quảng Ninh đe dọa ông Ngọc có liên quan đến một người tên là Hùng nằm trong diện điều tra của cơ quan công an.

Đối tượng yêu cầu ông Ngọc phải rút hết số tiền tiết kiệm trong tài khoản ra và chuyển vào tài khoản do chúng ấn định ở một ngân hàng có chi nhánh tại Quảng Ninh. Chẳng biết “ma xui quỷ khiến” thế nào mà ngay sau cuộc điện thoại này, ông Ngọc  ra ngân hàng rút tiền, chuyển 500 triệu đồng vào số tài khoản theo yêu cầu của đối tượng. Cho đến 14h30 cùng ngày, khi phát hiện mình bị lừa, ông Ngọc đến CAP Mai Dịch trình báo thì số tiền 500 triệu đồng này chẳng còn một đồng trong tài khoản.

Bài học cảnh giác chưa bao giờ cũ

Trong những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn trên, việc bị hại giữ lại được tiền sau khi biết mình bị lừa là rất hiếm. Gần đây nhất, CAQ Hoàng Mai và Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội đã kịp thời phong tỏa số tiền hàng trăm triệu đồng các đối tượng giả danh công an lừa người dân chuyển vào tài khoản.

Khi chúng chưa kịp rút tiền, sự việc đã được cơ quan công an phát hiện, phong tỏa tài sản. Tuy nhiên, may mắn như bị hại trong vụ án này rất hiếm. Chỉ huy Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội cho biết: “Nếu như ngày trước các đối tượng thường rút thành từng đợt thì nay, sau khi máy điện thoại báo tiền đã chuyển vào tài khoản, chúng đã cắt cử người đợi ở ngân hàng từ trước để nhanh chóng rút tiền. Chỉ cần vài phút, toàn bộ số tiền lên tới hàng trăm  triệu đồng hay cả tỷ đồng cũng nhanh chóng bị rút sạch”. 

Thông tin với phóng viên Báo ANTĐ, chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng mạo danh cơ quan chức năng rất tinh vi khi gọi điện trên cơ sở kết nối Internet (thông qua phương thức VOIP) nhằm tránh sự truy xét của cơ quan điều tra. Để nạn nhân tin tưởng, các đối tượng đọc đúng mọi thông tin cá nhân và bảo họ cứ việc xác minh số máy gọi đến qua tổng đài 1080. Khi người dân kiểm tra thì tổng đài xác thực đó đúng là số máy của cơ quan tố tụng. Người dân không hề biết rằng, chúng đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống hệt số máy của các cơ quan chức năng nhưng khi người dân gọi lại thì không đúng.

Cơ quan công an lưu ý, người dân cần biết là tất cả số điện thoại giả lập theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số, vì chúng được thực hiện qua Internet. Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này. Đặc biệt, đối tượng lừa đảo thường nhằm gọi điện thoại cho người cao tuổi, phụ nữ, ở khung thời gian từ 8h đến 17h là khoảng thời gian người già, người cao tuổi thường ở nhà một mình khi con cháu không có nhà.

Khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại cũng như yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản như trên. Bất kỳ trường hợp nào cơ quan công an làm việc đều gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ lên cơ quan công an. Cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội.

Nhận diện 4 thủ đoạn lừa đảo

Bước 1: Giả mạo nhân viên tổng đài bưu điện. Hệ thống kỹ thuật sẽ tự động gọi điện đến các số điện thoại cố định tại Việt Nam. Nếu thuê bao nào nhấc máy thì hộp thoại tự động thông báo thuê bao đó đang nợ tiền cước điện thoại. Chủ thuê  bao thắc mắc thì bấm phím “0” để gặp nhân viên tổng đài để được giải đáp. Trường hợp có chủ thuê bao nào nhấn phím “0” thì hệ thống tự động kết nối tới số máy do nhóm đối tượng giả danh là “nhân viên tổng đài”.

Nhóm giả danh nhân viên tổng đài lập tức khai thác họ tên, số điện thoại thuê bao cố định, CMND của chủ thuê bao với lý do chủ thuê bao đăng ký hai số thuê bao, nếu không đóng tiền cước thì bưu điện sẽ cắt cả hai số thuê bao. Khi chủ thuê bao thắc mắc thì đối tượng giả mạo nhân viên bưu điện nói vụ việc sẽ chuyển sang công an để xác minh làm rõ.

Bước 2: Giả mạo công an. Với lý do được bên bưu điện chuyển thông tin qua, đối tượng giả mạo công an nói chuyện với bị hại để khai thác về việc tại sao lại nợ tiền cước và hỏi CMND có thất lạc hay không. Sau khi đưa ra những lý do khác nhau để khai thác thông tin về tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm của bị hại, đối tượng đưa ra thông tin của bị hại gồm số CMND, địa chỉ hiện đang có tài khoản tại một ngân hàng ở Việt Nam có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền quốc tế, vì vậy cơ quan công an cần thực hiện phong tỏa toàn bộ tài khoản của người bị hại trong thời gian 18 tháng. Nếu không muốn bị phong tỏa thì phải rút toàn bộ số tiền trong ngân hàng để chuyển vào một tài khoản do chúng chỉ định.

Khi thấy người dân tin tưởng, chúng yêu cầu cung cấp số điện thoại di động chuyển cho bộ phận kiểm sát để liên hệ gửi tiền vào tài khoản đã mở sẵn của chúng nhằm kiểm tra xác minh tài khoản trong thời hạn 24 giờ, nếu xác định không liên quan sẽ trả lại, kết thúc giai đoạn hai.

Bước 3: Giả mạo kiểm sát viên. Sau khi có số điện thoại di động của người bị hại, đối tượng sử dụng thiết bị kỹ thuật để gọi điện. Trên máy di động sẽ hiển thị số điện thoại của Viện KSND địa phương người bị hại đang cư trú. Đối tượng yêu cầu người bị hại giữ máy điện thoại liên tục, không được gác máy trong suốt thời gian từ khi ra ngân hàng rút tiền và chuyển tiền đến tài khoản do chúng chỉ định.

Bước 4: Bố trí đồng bọn có nhiệm vụ nhận các tài khoản thẻ ATM được thuê mở và chuyển đến để đi rút tiền ngay sau khi người bị hại chuyển tiền đến.