Cảnh giác trộm đột nhập táo tợn giữa ban ngày

ANTĐ -  Thời gian gần đây, tình trạng kẻ gian đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản có chiều hướng gia tăng. Phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm này không chỉ xảy ra vào ban đêm mà còn diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật”. 

Cảnh giác trộm đột nhập táo tợn giữa ban ngày ảnh 1Đối tượng Nguyễn Công Hà tại cơ quan công an

Trăm phương nghìn kế

Ngày 30-11, ông Nguyễn Hữu Bạo (SN 1971), ở xóm Mát, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đến cơ quan công an trình báo việc gia đình bị kẻ gian đột nhập, phá tủ gỗ lấy đi chiếc kiềng bằng vàng 5 chỉ trị giá hơn 16 triệu đồng và 600 nghìn đồng tiền mặt.

Tiến hành điều tra, cơ quan công an thấy nổi lên đối tượng Nguyễn Công Hà (SN 1996) ở cùng địa phương là đối tượng nghiện game online và thời gian gần đây có nhiều biểu hiện bất minh. Ngay sau đó, Nguyễn Công Hà đã được triệu tập đến cơ quan điều tra. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Hà khai nhận, khoảng 8h30 ngày 30-11, thấy nhà ông Bạo đi vắng, đối tượng đã trèo tường vào nhà, phá chiếc tủ gỗ trộm cắp được số tài sản trên rồi tẩu thoát. Chiếc kiềng vàng sau đó Hà mang bán được hơn 15 triệu đồng, sắm chiếc điện thoại iPhone và bỏ trốn khỏi địa phương. Khi đã tiêu gần hết tiền, đối tượng tìm đến một nhà hàng ở thị trấn Đông Anh xin việc làm nhưng đã bị công an phát hiện, bắt giữ.

Không chỉ đột nhập nhà riêng, nhiều gia đình sống trong các khu tập thể cũng bị kẻ gian trộm cắp tài sản. Đó là trường hợp của gia đình bà Ngô Thị H, ở tập thể A1, ngõ 128C Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng. Theo tài liệu của cơ quan công an, khoảng 21h30 ngày 25-11, bà H đi làm về thì phát hiện khóa cửa đã bị phá. Chiếc két sắt của gia đình bên trong có 20 triệu đồng, 1 sổ tiết kiệm 50 triệu đồng, 1 dây chuyền vàng cùng một số tài sản khác đã không cánh mà bay. Điều đáng nói, xung quanh căn hộ của bà H còn rất nhiều hàng xóm, nhưng khi vụ việc xảy ra tất cả đều không hề hay biết.

Tương tự, 1h ngày 2-12, phòng ngủ của học viên thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển nhân lực Trí Đức (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) xảy ra vụ trộm cắp tài sản. Thủ phạm là Phạm Đức Hoàng (SN 1994), ở xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã bị bắt ngay tại trận. Tại cơ quan công an, Hoàng khai nhận đã leo lên ngọn cây đối diện công ty rồi từ đó trèo sang ban công phòng ngủ của học viên để đột nhập. Trước đó, ngày 16-11 đối tượng cũng đã đột nhập chính căn phòng này trộm cắp 1 điện thoại di động ASUS và bán được 500.000 đồng.

Cảnh giác trộm đột nhập táo tợn giữa ban ngày ảnh 2Gia đình bà H. vẫn bị kẻ gian đột nhập trộm cắp một cách tinh vi

Không nên lơ là, mất cảnh giác

Có thể thấy, thời gian gần đây hoạt động của loại tội phạm đột nhập, trộm cắp tài sản diễn biến khá phức tạp. Theo Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6), Phòng CSHS, CATP Hà Nội, để phòng chống tội phạm đột nhập, việc đầu tiên người dân cần đề cao cảnh giác, nâng cao ý thức phòng ngừa, phối hợp tốt với lực lượng công an và quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng chống tội phạm bảo vệ ANTQ. Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, người dân cần kiểm tra khóa cửa ra vào, đóng cửa sổ các tầng, đặc biệt phải khóa cửa tum. Các gia đình làm ăn kinh doanh, dịch vụ, ngoài lắp đặt hệ thống camera thì nên có hệ thống cảnh báo và sử dụng các loại cửa, khóa an toàn.

Phân tích về phương thức, thủ đoạn và công cụ mà các đối tượng trộm cắp thường sử dụng để gây án, một điều tra viên cho biết, ngoài những công cụ như: đèn khò, mỏ lết, tuốc nơ vít, kìm cộng lực, xà cầy để phá khóa, phá cửa và cắt kính, tội phạm đã tinh vi hơn khi sử dụng các thiết bị dò sóng điện từ để phá khóa, phá cửa  cuốn và các loại ổ khóa gắn chip điện tử.

Một chỉ huy CAP thuộc quận Hai Bà Trưng khuyến cáo, để phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, người dân khi phát hiện nghi vấn, bất thường cần báo ngay cho lực lượng công an để kịp thời xử lý. Đặc biệt, người dân, hộ kinh doanh cần thực hiện nghiêm việc đăng ký khai báo tạm trú, tạm vắng góp phần chủ động đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, đảm bảo an ninh tại địa bàn.