Cảnh giác rao bán hóa chất chế tạo pháo nổ trá hình trên mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Để qua mắt cơ quan chức năng, hiện nay, trên mạng xã hội, trong các sàn thương mại điện tử, như trang Tik Tok Shop, các đối tượng rao bán hóa chất để chế tạo pháo nổ thường đặt dưới những tên gọi trá hình…

Đến hẹn lại... lo

Qua công tác nắm tình hình, ngày 24-9 vừa qua, tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phát hiện Phạm Văn Việt (sinh năm 2000, trú tại xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương) có hành vi mua bán trái phép các loại pháo cho một số người trên địa bàn.

Tại Cơ quan điều tra, Phạm Văn Việt khai nhận đã mua 5 dàn pháo hoa nổ của Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1996, trú tại xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình) với giá 1.000.000 đồng/dàn.

Đối tượng Phạm Văn Việt

Đối tượng Phạm Văn Việt

Sau đó, Việt bán lại 4 dàn pháo hoa nổ trên cho 2 người dân sinh sống tại huyện Thái Thụy với giá 2.000.000 đồng/dàn, còn 1 dàn Việt cất giấu tại nhà.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thái Thụy đã thu giữ 5 dàn pháo hoa nổ trên với trọng lượng hơn 8 kg; đồng thời, triệu tập Nguyễn Đức Anh để điều tra làm rõ.

Quá trình điều tra, Nguyễn Đức Anh khai nhận đã mua các chất hóa học, 49 ống pháo rồi về tự chế tạo thành pháo thành phẩm bán lại cho Phạm Văn Việt.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đức Anh, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ các loại pháo nổ khác nhau với tổng số lượng trên 100 kg pháo nổ cùng nhiều nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phương tiện dùng để sản xuất pháo trái phép.

Đối tượng Nguyễn Đức Anh

Đối tượng Nguyễn Đức Anh

Theo các cơ quan chức năng, hằng năm cứ đến thời điểm trước Tết âm lịch, số ca bị thương liên quan đến pháo nổ, trong đó đặc biệt là các em học sinh lại tăng cao, gây nhiều hệ lụy cho các gia đình liên quan.

Thực tế là chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các tai nạn do học sinh chế tạo pháo gây hậu quả đau lòng đã xảy ra. Gần đây nhất, chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong một tháng đã tiếp nhận 4-5 trường hợp học sinh bị tai nạn do pháo nổ. Đa số các trường hợp bị tổn thương rất nặng ở hai bàn tay, bị mất 3-4 ngón tay, tổn thương mắt, cụt tay...

Điển hình là ngày 14-12, bệnh viện đã tiếp nhận 3 trường hợp đa chấn thương do nổ pháo tự chế, trong đó có 1 em bị giập nát ngón tay.

Sau đó 4 ngày, ngày 18-12 tiếp tục 1 học sinh được đưa vào cấp cứu trong tình trạng dập nát bàn tay trái, bị thương ở mắt phải do pháo nổ. Do vết thương quá nặng, các bác sĩ đã phải cắt bỏ 3 ngón tay ở bàn tay trái của bệnh nhân.

Còn tại Gia Lai, ngày 8-12 một học sinh lớp 8 do chế tạo pháo phát nổ nên bị chấn thương nặng, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Chặn nguồn thuốc pháo trên mạng

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an đánh giá, hiện nay, các đối tượng nghiên cứu tự chế pháo chủ yếu là thanh, thiếu niên và tụ tập thành các nhóm để mua các loại hoá chất và thông qua các trang mạng xã hội để nghiên cứu cách thức chế tạo, sản xuất pháo trái phép.

Chỉ với từ khóa pháo nổ tự chế, dễ dàng tìm thấy hàng trăm clip hướng dẫn cách chế tạo pháo từ A đến Z trên các trang mạng xã hội. Mua nguyên liệu ở đâu, pha trộn như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu để pháo nổ to nhất đều được hướng dẫn một cách tỉ mỉ và trực quan. Dễ dàng đến mức một học sinh lớp 5 cũng có thể chế tạo thành công nếu làm theo đúng hướng dẫn. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là các quy tắc an toàn thì không có bất cứ khuyến cáo nào. Thậm chí, đối tượng này còn sẵn sàng đốt thử thuốc pháo vừa trộn xong ngay trong phòng.

Các hoá chất chế tạo pháo dễ dàng mua trên mạng

Các hoá chất chế tạo pháo dễ dàng mua trên mạng

KCL03 và bột nhôm - những hóa chất được mua rất dễ dàng trên mạng - nhưng khi trộn chúng với nhau sẽ tạo ra một hỗn hợp chất nổ cực mạnh. Bằng cách cho vào những ống giấy, các đối tượng đã tạo ra những dây pháo để bán ra thị trường kiếm lời.

“Lợi nhuận từ việc bán pháo nổ rất lớn, chính vì vậy bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng mua bán, sản xuất pháo nổ trái phép vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nếu vẫn còn tràn lan các clip hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng, các hóa chất sử dụng làm nguyên liệu chế tạo pháo vẫn có thể mua bán dễ dàng, và ý thức của người dân chưa được nâng cao thì những cái chết thương tâm do pháo vẫn còn tiềm ẩn”, Đại tá Vũ Minh Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, để qua mắt cơ quan chức năng, hiện nay, trên mạng xã hội, trong các sàn thương mại điện tử, như trang Tik Tok Shop, các đối tượng rao bán hóa chất để chế tạo pháo nổ thường đặt dưới những tên gọi trá hình như là: bán bột than mịn bón cho cây trồng, bán phân bón, thuốc tím sát khuẩn, tẩy quần áo.

Còn dây cháy chậm thì được rao bán dưới cái tên: dây dù uốn cây, dây dẫn nhiệt chậm. Nhưng thực tế, dưới phần phản hồi hầu hết các khách hàng đều nhận xét rằng sản phẩm nổ to, tiếng đanh.

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương vong do tàng trữ các vật liệu cháy nổ để chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép. Để phòng ngừa những vụ việc phức tạp xảy ra, mỗi gia đình và nhà trường cần có biện pháp quản lý, giáo dục con em của mình, không liên hệ qua mạng xã hội để mua bán hoá chất, vật liệu về chế tạo, sử dụng các loại pháo nổ.