Cảnh giác khi ăn gạo nhập khẩu

ANTĐ - Một nghiên cứu tại Mỹ mới đây cho biết, gạo nhập khẩu từ một số nước có chứa hàm lượng chì cao hơn so với quy định.
Mới đây tại cuộc họp hàng năm của Hiệp hội Hóa học Mỹ ở thành phố New Orleans- bang Louisana(Mỹ), các nhà khoa học đưa ra cảnh báo bất ngờ cho loại lương thực cho gần 3 tỉ người trên toàn cầu này. Trong quá trình phân tích mẫu gạo họ phát hiện nồng độ chì từ 6 đến 12 mg cho mỗi kg gạo từ nhiều nước khác nhau. Theo đó, hàm lượng chì cao nhất được thấy trong gạo có nguồn gốc từ Trung Quốc và Đài Loan, kế tiếp là Cộng hòa Séc, Bhutan, Ý, Ấn Độ và Thái Lan. 

Đáng chú ý hơn là trẻ em sẽ là người gánh chịu hậu quả từ việc hấp thụ chì quá mức cho phép từ 30-60 lần so với mức an toàn được hiệp hội an toàn thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo. Đặc biệt là những trẻ em Châu Á, con số này lên tới 120 lần. 

Được biết, chì là chất có hại cho nhiều cơ quan và hệ thống thần kinh trung ương. Khi tích tụ trong cơ thể, hệ thần kinh và thận bị tổn thương, triệu chứng thiếu máu xuất hiện và lâu dài, chỉ số IQ của trẻ bị giảm sút cùng với chứng rối loạn hành vi.  

Trưởng nhóm nghiên cứu trên- Tiến sĩ Tsanangurayi Tongesayi- Đại học Monmouth, bang New Jersey cho biết: “Những phát hiện này đặt ra một tình trạng rất đáng lo ngại cho trẻ sơ sinh và trẻ em – đối tượng dễ bị ảnh hưởng của nhiễm độc chì". Hiện tại, họ vẫn đang trong quá trình phân tích mẫu gạo từ Pakistan, Brazil và các nước khác. Tại Anh và Mỹ, tuy trung bình một người chỉ tiêu thụ khoảng 5,6kg gạo/năm nhưng họ cũng được khuyến cáo về tỉ lệ chì và thạch anh cao trong gạo từ trước đó.