"Canh giấc" cho đồng đội

ANTD.VN - Trở về đời thường khi mang trên mình nhiều thương tật, nhất là vết thương từ hồi Mậu Thân 1968 nhưng vị cựu chiến binh - thương binh Nguyễn Khánh Toàn ở thôn Thao Chính, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội vẫn cần mẫn trông nom hương khói cho hơn 200 phần mộ liệt sĩ, không đòi hỏi công sá hay lương bổng. Hơn 30 năm có lẻ, nhờ bàn tay của ông mà khu nghĩa trang này luôn sạch đẹp.

Giá trị của hòa bình

Suốt chặng đường hơn 50 cây số từ trung tâm thành phố Hà Nội đến thị trấn Phú Xuyên, trong đầu tôi hiện ra nhiều câu hỏi về vị cựu chiến binh già này. Tôi cứ biện hộ cho sự tưởng tượng ấy với lý lẽ ở cái tuổi xưa nay hiếm, lại mang trong mình 62% thương tật từ chiến tranh làm sao có đủ sức khỏe, đủ tinh thần để trông nom cho nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên, Hà Nội suốt hơn 30 năm có lẻ.

Nhưng tôi đã nhầm, nhầm thực sự khi nghe giọng nói hào sảng, đầy kiêu hãnh của ông khi kể tỉ mỉ, tường tận về công việc mà ông đã tận tâm làm bao năm nay đó là “canh giấc” cho đồng đội. Giọng nói ấy, nụ cười ấy khiến tôi thấu hiểu những khó khăn, trở ngại về sức khỏe không sá gì so với những khó khăn thời chiến mà thế hệ của ông đã từng trải qua. Việc được “canh giấc” cho những đồng chí từng “súng bên súng, đầu sát bên đầu” làm cho ông thêm rắn rỏi, khỏe khoắn và thấy bản thân có ích hơn.

Ông Nguyễn Khánh Toàn bắt đầu câu chuyện với tôi không phải việc ông làm được gì hay những thiếu thốn trong việc quản trang mà bằng việc ngâm một câu thơ tự tác: 

“Chưa khen, không thưởng, chẳng phê bình

Ba mươi năm ấy có mình ta

Nghĩa trang cát trắng tạo thành hoa

Làm thêm cảnh đẹp nghĩa trang nhà

Đảng tin, dân mến làm trọn vẹn

Một góc trời xanh ở quê nhà”.

Sau khi ông Toàn ngâm xong,  bắt đầu câu chuyện về công việc quản trang của ông trong hơn 30 năm qua. Ông cười, một nụ cười hiền từ, nhân hậu khiến người đối diện cảm thấy gần gũi đến lạ.

Ông kể, xuất thân từ gia đình cách mạng, mẹ của ông là thanh niên xung phong, tham gia kháng chiến và đã hi sinh. Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 32 tuổi, ông viết đơn nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Tại đây, ông chứng kiến những đồng đội hi sinh oanh liệt, hơn ai hết, ông cảm nhận được sự mất mát, đau thương của gia đình có người thân ngã xuống và hiểu được giá trị của hòa bình, của tình đồng đội thiêng liêng.

“Đó là những ngày tháng khói lửa nhưng ấm tình đồng đội”, cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn chia sẻ khi nhớ về thời kỳ tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Không chỉ là những cuộc chiến ác liệt mà còn là tình thân như anh em của những người lính. “Trong số những đồng đội được mang về tại nghĩa trang này có đồng chí Hoàng Đình Nhưỡng. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tôi bị thương và phải nằm viện. Khi đó, đồng chí Nhưỡng  nghe thông tin liền sốt sắng hỏi - Anh bị sao mà nhiều vết thương thế? Tôi nói: Bị M79 bắn ở Thạch Bàn, Tây Ninh, ông Toàn nhớ lại.

Nói đến đây, ông Toàn chậm rãi nhấp một ngụm trà rồi kể tiếp. “Cùng nhau trên một chiến hào, chỉ có đồng đội với đồng đội, cảm nhận cái chết gần nhau gang tấc nhưng chúng tôi vẫn yêu đời, vẫn hát vang những tình khúc Trường Sơn, những vần thơ và hứa với nhau cùng trở về”. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, đồng đội của ông lần lượt ngã xuống. Ông Toàn tự động viên phải sống thay phần đồng đội, phải làm sao để trọn chữ nghĩa, chữ tình với anh em. “Đất nước hòa bình, mình được về đoàn viên với quê hương, vợ con, xóm làng, mình sẽ phải làm một cái gì đó để bù đắp cho những đồng đội thiệt thòi”, ông Toàn chia sẻ.

“Làm đến khi đồng đội về đón tôi đi”

Năm 1986, ông Toàn trở về đoàn viên với quê hương khi mang trên mình nhiều thương tật, nhất là vết thương hồi chiến dịch Mậu Thân năm 1968 làm ông suy giảm 62% sức khỏe. Nhưng điều đó không cản trở ông nhận công việc trông nom cho nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên. Không lương thưởng, không danh vọng nhưng hằng ngày người ta vẫn thấy hình ảnh người cựu chiến binh già quét dọn, nhặt cỏ cho các phần mộ của liệt sĩ.

Khu nghĩa trang rộng hơn 1ha với 200 ngôi mộ liệt sĩ và 5.000 liệt sĩ ghi công trên danh bia được ông chăm sóc cẩn thận. Ông trồng nhiều loại cây khác nhau như hoa hồng, hoa huệ… để làm đẹp cho nghĩa trang, đồng thời dùng những sản vật tự tay làm ra để thắp hương cho đồng đội vào ngày giỗ, ngày Tết hay ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ 27-7.

Ông chia sẻ: “Khi mới tiếp quản, nghĩa trang có những cái hố quanh năm nước bẩn. Tôi vận động con trai ra đào và lấp đất, rồi báo cáo với ủy ban. Sau đó, tôi trồng một số cây để phá lớp đất cứng trên bề mặt rồi trồng hoa, rẫy cỏ. Hàng ngày, dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu vực các phần mộ để “nhà” của anh em luôn sạch sẽ, gọn gàng rồi kiểm tra các khu mộ, chăm sóc cây xanh. Công việc quanh đi quẩn lại chỉ có vậy, dù không có lương bổng nhưng điều đó làm vị cựu chiến binh già vui vẻ, như một sự an ủi của tuổi già”. 

Có bàn tay chăm sóc của ông, nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên không còn lạnh lẽo, cô quạnh. Có khi các đoàn khách viếng thăm, ông Toàn kiêm luôn nhiệm vụ “hướng dẫn viên” chỉ dẫn và giới thiệu cho khách. Từ chỗ làm đẹp cho nghĩa trang, người dân và gia đình liệt sĩ ra viếng đều hài lòng với việc làm của ông Toàn. Khi được hỏi tại sao ông lại lựa chọn làm công việc này, ông chỉ cười và nói rằng: “Mình làm việc xuất phát từ lương tâm và tấm lòng, không mong đợi gì hơn, mẹ tôi, em tôi cũng là liệt sĩ, đồng đội tôi họ đang nằm đây, được ở bên họ hàng ngày trông nom mộ phần là tôi thấy vui rồi. Người trần cũng thích sạch sẽ huống chi là đồng đội mình ở dưới kia”. Cứ như vậy, vào chủ nhật mỗi tuần, ông lại thắp hương cho 200 mộ liệt sĩ. Ông cho biết: “Ở đây có những liệt sĩ khuyết danh, không có người tới thăm nom, mình phải thay họ làm công việc này để an ủi linh hồn các liệt sĩ”.

Tôi hỏi, mỗi khi tuổi già sức yếu, có ai thay ông chăm sóc cho nghĩa trang không?  Ông Toàn nhanh nhảu: “Tôi cho là những liệt sĩ phù hộ mình, mình nhiệt tình với anh em không vụ lợi cho bản thân nên sức khỏe từ trước đến giờ không có vấn đề gì. Thậm chí, ra đây làm công việc quản trang, tôi thấy sức khỏe tốt ra, tinh thần thoải mái, đời thanh thản hơn”.

Theo lời ông Toàn, giữa ông và những người liệt sĩ tại nghĩa trang này dường như có sự gắn kết đặc biệt. Nếu bận chuyện gì mà không ra nghĩa trang, ông cảm giác như mình có lỗi. “Tôi may mắn sống sót trở về, còn có gia đình có vợ con, anh em hy sinh là mất mát thiệt thòi, nên mình ra đây với anh em để động viên linh hồn họ”, ông nói.

Sống và chăm nom những phần mộ liệt sĩ, ông Toàn thấy bản thân có ích với xã hội. Thời gian thấm thoát, ông gắn bó với nghĩa trang này đã hơn 30 năm. Hỏi ông còn định ở đây đến bao giờ, ông Toàn cười tươi nói: “Người làm quản trang cần nhất phải có cái tâm chân thành. Tôi chăm sóc tất cả các anh em, đồng đội liệt sĩ vì một thời từng vào sinh ra tử. Tôi xác định gắn bó với công việc thầm lặng này đến khi không còn sức lực, đến khi các anh em về đón tôi đi”.