Cảnh giác chiêu lắp ráp hàng Trung Quốc để "đội lốt" hàng Việt Nam xuất khẩu

ANTD.VN - Không chỉ giả mạo xuất xứ để tiêu thụ tại thị trường trong nước, thời gian gần đây tình trạng hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu ngày càng phức tạp.

Cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vụ gian lận xuất xứ hàng hóa (Ảnh minh họa)

Chỉ lắp ráp nhưng lại ghi xuất xứ Việt Nam

Mới đây, lực  lượng Hải quan đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời một lô hàng xe đạp Trung Quốc giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu. Lô hàng này gồm 313 chiếc xe đạp với trị giá trên 26.000 USD do Công ty TNHH xe đạp E - một doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần. Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu là xe đạp thực hiện lắp ráp tại Việt Nam, xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, qua soi chiếu và kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện trên bao bì đóng gói cũng như trên sản phẩm xe đạp đều được ghi chữ “Made in Vietnam”.

Sở dĩ có câu chuyện này là do các mặt hàng xe đạp nếu có nguồn gốc xuất xứ tại Trung Quốc thì sẽ bị áp thuế phòng vệ 25%. Do đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã lập các công ty ở Việt Nam để nhập linh kiện, lắp ráp giai đoạn cuối sau đó xuất khẩu ra nước ngoài nhằm hưởng ưu đãi về thuế.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lô hàng gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba. Việc này không những gây mất uy tín hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế mà nó còn dẫn đến nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị các nước khác điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng và bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường quan trọng. Theo Tổng cục Hải quan, qua công tác quản lý, cơ quan này đã nhận diện hàng loạt thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp nhập hàng nước ngoài nhưng trên sản phẩm đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “Sản xuất tại Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu…

Đối với xuất xứ hàng hóa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, nhưng khi xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ, hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba, hoặc sử dụng C/O giả, C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan…

Ưu đãi thuế - “thính thơm” của doanh nghiệp Trung Quốc

Tổng cục Hải quan cho biết đã khoanh vùng 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo C/O cao, bao gồm: dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện; gỗ và các sản phẩm gỗ.

Nguyên nhân khiến gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng diễn ra phức tạp là do hiện các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như: tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, đặc biệt là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại và được hưởng ưu đãi thuế từ nhiều thị trường. Do đó, thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc đã được thành lập với vai trò lắp ráp hàng Trung Quốc để “đội lốt” hàng Việt xuất khẩu đi nước thứ ba.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan hải quan đã xây dựng kế hoạch hành động từ cấp Tổng cục tới các Chi cục, trong đó phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân đối với công việc cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Hiện nay, cơ quan hải quan đang tập trung phân tích các ngành hàng, mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến để so sánh với quy mô, khả năng sản xuất trong nước nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam lấy xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, các Hiệp định thương mại tự do là thành quả của Đảng, Nhà nước dành cho các nhà sản xuất và thương mại Việt Nam. Do vậy, không thể chia sẻ hay bị đánh mất vào tay các nhà sản xuất nước ngoài.