Cảnh giác cao, Hà Lan tránh được hậu quả thảm khốc của lũ lụt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Khi nhiều nơi ở Tây Âu tan hoang sau trận lũ lụt lịch sử, người ta tự hỏi, rốt cuộc châu Âu có một hệ thống cảnh báo hàng đầu thế giới mà lại chịu cảnh thảm khốc đến vậy. Nhưng trong bức tranh đó, Hà Lan lại là điểm sáng, khác hẳn với các nước láng giềng Đức, Bỉ.
Người dân đắp bao cát sau trận mưa lớn và lũ lụt ở tỉnh Limburg của Hà Lan

Người dân đắp bao cát sau trận mưa lớn và lũ lụt ở tỉnh Limburg của Hà Lan

Ở Luxemburg, cảnh báo được đưa ra thì đã muộn. Khi lũ ập đến, mọi người không biết phải làm gì, họ cũng không kịp chuẩn bị cho bản thân. Yếu tố liên lạc và tổ chức dường như có nhiều vấn đề. Thị trưởng của Chaudfontaine, một thị trấn thuộc tỉnh Liège, cho biết ông đã nhận được “cảnh báo màu da cam” về tình trạng nước dâng nhưng rõ ràng cảnh báo màu đỏ phải được đưa ra sớm hơn.

Còn ở Đức, các quan chức cho rằng, cảnh báo đã được đưa ra trước nhưng người dân đâu ngờ mức độ lại kinh khủng đến vậy. Tại một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Schuld ở bang Rhineland-Palatinate của Đức, Thị trưởng Helmut Lussi cho biết, trận lụt hoàn toàn không thể đoán trước được, trước đó, họ chỉ mới gặp lũ lịch sử vào năm 1790 và 1910.

“Nếu Thị trưởng Schuld và thị trấn của ông ấy có kế hoạch, thông báo rõ ràng đến từng hộ gia đình, các doanh nghiệp và cơ quan để mọi người biết phải làm gì khi xảy ra lũ lụt thì ít nhất họ cũng sẽ có thể ứng phó tốt nhất”, nhà khí tượng Da Costa nhận định và thêm rằng, nếu các nhà lãnh đạo khu vực khác đã làm như vậy, có thể con số thương vong sẽ ít hơn.

Trong khi đó ở Hà Lan, ngay bên kia biên giới với các khu vực bị lũ lụt tàn phá của Đức và Bỉ, bức tranh hoàn toàn khác. Hà Lan cũng đã trải qua lượng mưa cực lớn, mặc dù không quá nặng như ở Đức và Bỉ, nhưng các thị trấn của họ không hoàn toàn bị nhấn chìm và chưa có một người nào thiệt mạng. Giáo sư Jeroen Aerts, người đứng đầu bộ phận Rủi ro về Nước và Khí hậu tại Vrije Universiteit ở Amsterdam, cho biết các quan chức đã chuẩn bị tốt hơn và có thể thông báo tới mọi người kịp thời, chuẩn xác nhất.

Hà Lan có lịch sử lâu đời về quản lý nước và thành công của họ sau đợt lũ kinh hoàng này giúp cho nhiều nước rút ra bài học về xây dựng kế hoạch chống lũ lụt chi tiết hơn, nhất là biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn. Các công trình trị thủy tại đây có từ gần 1 thiên niên kỷ. Cơ sở hạ tầng quản lý nước của họ thuộc hàng tốt nhất trên thế giới, bao gồm những bức tường khổng lồ, những cồn cát ven biển được gia cố bằng khoảng 12 triệu m3 cát mỗi năm hay 1.500km đê điều, phòng thủ nhân tạo.

Ở Hà Lan, nước là “chất keo” kết dính mọi thứ lại với nhau và có sự liên quan của tất cả các bên. Trang web của cơ quan quản lý nước tóm tắt một cách đơn giản và rõ ràng nhiệm vụ của họ: “Trời mưa nhiều hơn, nước biển đang dâng cao và các con sông phải mang nhiều nước hơn. Nhiệm vụ chống lũ luôn thường trực”.