Cảnh đáng sợ khi núi lửa phun trào khiến 14 người thiệt mạng

ANTĐ - Ngọn núi lửa Sinabung, hoạt động ở miền tây Indonesia đã phát ra những đám mây chứa nhiều khí ga, làm 14 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Những người thiệt mạng bao gồm 4 học sinh đang trên đường đi học và một nhà báo địa phương, ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của cơ quan đối phó thảm hoạ tự nhiên cho hay. Trưởng nhóm cứu hộ, Asep Sukarna thì nhận định: “Lượng người tử vong có thể sẽ tăng khi nhiều người được ghi nhận vẫn đang mất tích và khói bụi làm giảm những nỗ lực giải cứu người bị nạn”.
Vụ việc xảy ra sau khi chính phủ cho phép 14.000 người sống sống cách  khu vực núi lửa 5 km được trở về nhà vì ngọn núi lửa đang hoạt động chậm lại.

Một người dân làng cố gắng bỏ chạy ra xa khỏi khu vực núi lửa, khi nó bất ngờ
hoạt động mạnh

Cứu một người gặp nạn

Ngọn núi lửa Sinabung phun trào kéo theo những vụ nổ lớn đã tạo thành dòng dung nham chảy dài khoảng 4.5 km. Làng mạc, cánh đồng cùng nhiều cây xanh bị bao phủ bởi khói bụi.
Hiện tại vẫn có khoảng 16.000 người sống gần khu vực núi lửa chưa được trở về nhà của mình, còn số lượng người di cư hiện đã tăng lên con số 30.000. Nhiều người phải đeo mặt nạ để chống lại không khí ô nhiễm, trong khi lương thực, lều cứu hộ và thuốc men đã được chuyển đến vùng này. Các nhà chức trách đã tăng mức báo động ở vùng Sinabung lên cao nhất từ hồi tháng 11.
Tuy nhiên, rất nhiều người dân đã tự động quay về để kiểm tra nhà cửa và trang trại của mình sau nhiều tháng phải sống ở chỗ trú tạm thời. 

Cảnh tượng hùng vĩ và đáng sợ của mẹ thiên nhiên

Ngọn núi lửa hoạt động, phủ khói bụi bao trùm khắp một vùng rộng lớn


Khoảng một tuần sau chuyến thăm của tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tới nơi trú ngụ tạm thời của người dân, ngọn núi lửa lại phun trào mạnh mẽ. Lần hoạt động mạnh nhất của ngọn núi lửa này là vào tháng 8/2010, giết chết 2 người và khiến 30.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Vụ việc khiến rất nhiều nhà khoa học bất ngờ vì ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động hàng thế kỉ qua.
Được biết, Indonesia xảy ra nhiều động đất vì nằm trên vành đai lửa – một hình cung bao quanh vùng lòng chảo Thái Bình Dương.