Cánh cửa vẫn khép

ANTĐ - Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa dài ngày khi mà hai phe Cộng hoà đối lập và Dân chủ của Tổng thống Barack Obama vẫn bất đồng sâu sắc về vấn đề ngân sách liên bang. 
Cánh cửa vẫn khép ảnh 1
Thư viện và bảo tàng Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda đóng cửa
vì không có kinh phí hoạt động từ 1-10


Ngày 2-10, Chính phủ Mỹ đã phải tạm ngừng hoạt động sang ngày thứ 2 do Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua ngân sách tài khoá 2014 mà lẽ ra phải có hiệu lực từ ngày 1-10. Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Harry Reid tuyên bố đảng Cộng hòa phải đồng ý đưa Chính phủ hoạt động trở lại trước khi đảng Dân chủ xem xét đề nghị mới nhất của phe Cộng hòa nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc về ngân sách liên bang dẫn tới việc đóng cửa các cơ quan Chính phủ.

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ phải đóng cửa do không có ngân sách đề duy trì hoạt động. Nếu tính cả lần đóng cửa hiện nay thì chính phủ của quốc gia giàu nhất thế giới đã bị đóng cửa tổng cộng tới 18 lần kể từ năm 1976 tới nay.

Lần đóng cửa đầu tiên của Chính phủ Mỹ diễn ra 11 ngày, từ 30-9 đến 11-10-1977, trong thời gian ông Gerald Ford làm Tổng thống. Lần đóng cửa ngắn nhất của Chính phủ Mỹ là chỉ 1 ngày, vào 1-10-1982 dưới chính quyền Tổng thống Ronald Reagan, còn lần đóng cửa lâu nhất, tới 21 ngày, từ 16-12-1995 tới 6-1-1996 thời Tổng thống Bill Clinton. 

Hai Tổng thống Mỹ phải đối mặt với tình trạng đóng cửa Chính phủ nhiều nhất là Jimmy Carter và Ronald Reagan, mỗi vị cùng 6 lần trong thời gian cầm quyền. Thế nhưng, Tổng thống Carter có "thành tích" ấn tượng hơn khi cả 6 lần Chính phủ Mỹ phải đóng cửa chỉ diễn ra trong 1 nhiệm kỳ 1977-1981, trong đó chỉ riêng năm 1977 cầm quyền đầu tiên đã có tới 3 lần Chính phủ phải đóng cửa với tổng cộng 28 ngày từ 30-9 đến 9-12-1977.

Việc đóng cửa Chính phủ Mỹ, tuỳ theo thời gian dài hay ngắn mà có những tác động khác nhau tới nền kinh tế cũng như người dân nước này, trước hết là đội ngũ công chức làm công ăn lương. Trong đó, nạn nhân đầu tiên và trực tiếp là khoảng 800.000 - 1 triệu công chức chính phủ liên bang phải nghỉ việc không lương. 

Dù đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ không biến động nhiều sau khi Chính phủ phải đóng cửa song điều đó cũng ảnh hưởng khá lớn tới kinh tế nước này. Công ty nghiên cứu tài chính IHS tính toán, nền kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại cho 300 triệu USD/ngày khi Chính phủ ngừng hoạt động, trong khi công ty Goldman Sachs cho rằng đà tăng trưởng kinh tế của quốc gia có tổng GDP mỗi năm 15.700 tỷ USD này sẽ giảm 0,3% sau mỗi tuần đóng cửa.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà nhiều hoạt động bình thường khác của Chính phủ cũng như uy tín và hình ảnh của Mỹ đã bị tổn hại khá nghiêm trọng song hiện vẫn chưa rõ khi nào thì Chính phủ cường quốc này mới hoạt động trở lại. Bởi Chính phủ Mỹ đóng cửa không phải yếu tố kỹ thuật mà là hậu quả trực tiếp của cuộc đấu đá, giành giật quyền lực không khoan nhượng giữa Nhà Trắng và Quốc hội, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa xung quanh các chính sách cắt giảm chi tiêu, cải cách thuế và hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế suốt 3 năm qua.

Chính phủ Mỹ chỉ có thể mở cửa trở lại khi hai phe Dân chủ và Cộng hoà nhượng bộ lẫn nhau để tìm được tiếng nói chung, song không dễ để đạt được điều này do còn bị chi phối bởi yếu tố bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014 và bầu Tổng thống vào năm 2016 khiến các bên càng tỏ ra cứng rắn hơn với quan điểm của mình.