Cánh cửa luôn rộng mở

ANTĐ - Sau loạt bài “Bóng đá Việt Nam và cầu thủ Việt kiều” đăng trên báo ANTĐ số ra ngày 31-5 và 1-6, ông Nguyễn Lân Trung - Phó chủ tịch truyền thông VFF, đồng thời là Tổng thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề đang rất được quan tâm này.
Cánh cửa luôn rộng mở ảnh 1
VFF khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện cho cầu thủ Việt kiều về thi đấu cho quê hương

- PV: Ông nghĩ sao trước thực trạng rất nhiều tài năng bóng đá Việt kiều đang bị lãng phí? 

- Ông Nguyễn Lân Trung: Chúng ta hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng mới chỉ khai thác được khoảng 5% số người cống hiến cho đất nước ở tất cả các lĩnh vực. Với riêng bóng đá, con số đó còn ít hơn nữa. Đa số các cầu thủ Việt kiều đều có thể hình, thể lực tốt, được đào tạo và trưởng thành trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Không tận dụng được nguồn tài năng này quả thật là một thiệt thòi cho bóng đá Việt Nam.

- Phải chăng do ngành thể thao chưa có chính sách phù hợp? 

- Tôi khẳng định, VFF nói riêng và ngành thể thao luôn chào đón những tài năng bóng đá về đóng góp cho quê hương. Cánh cửa ĐTQG luôn ở chế độ mở với họ. Chính sách này đã có từ lâu, nhưng vì nhiều lý do mà việc thực hiện chưa thật sự hiệu quả.

- Theo ông, nguyên nhân chính do đâu?

- Có 2 vấn đề. Thứ nhất, do khâu truyền thông của chúng ta còn kém nên chính sách trên chưa đến được với số đông cầu thủ Việt kiều. Thứ hai, môi trường bóng đá Việt Nam còn nhiều bất cập khiến không ít cầu thủ Việt kiều về được thời gian ngắn lại nản, bỏ đi. 

- Nhiều cầu thủ Việt kiều ngỏ ý muốn về cống hiến cho quê hương nhưng gặp trở ngại khâu thủ tục, mà ở đây là quốc tịch?

- Tôi cũng xin khẳng định, Nhà nước ta đã rất ưu ái vấn đề quốc tịch với các Việt kiều, không thể nới lỏng hơn được nữa. Mấu chốt nằm ở phía cầu thủ, nếu họ thật sự khát khao cống hiến thì nên chủ động liên hệ để làm thủ tục, nhập quốc tịch. Việc này không mất nhiều thời gian. Ví dụ như trường hợp của Michal Nguyễn vừa rồi, chỉ sau thời gian ngắn đã hoàn tất nhập tịch. Hay như trường hợp của Mạc Hồng Quân, khi người đại diện của cậu ta ngỏ ý muốn Liên đoàn giúp thủ tục để về đá cho ĐTQG, chúng tôi sẵn sàng và việc cậu ta khoác áo ĐT Việt Nam diễn ra ngay sau đó. 

- Nhưng VFF cũng không thể ngồi chờ động thái từ cầu thủ và nên chủ động trong vấn đề này, vì nó liên quan đến thành tích các đội tuyển…

- Đúng vậy. Trong thời gian tới, VFF bằng mọi biện pháp truyền thông sẽ kêu gọi nguồn tài năng bóng đá gốc Việt trên khắp thế giới về đóng góp. Tất nhiên, cần có sự phối kết hợp của các cơ quan hữu trách khác và phải có kế hoạch cụ thể, chứ không phải cứ nói miệng cho xong. Ở kế hoạch đó, VFF sẽ tính tới việc đưa người có chuyên môn (có thể là ủy viên Hội đồng HLV quốc gia) sang các quốc gia có cầu thủ Việt thi đấu để tuyển chọn. Tuy nhiên, sự thành bại của cuộc tuyển chọn, ngoài vấn đề chuyên môn đáp ứng hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa như gia đình, chuyện học hành, các điều khoản cam kết giữa cầu thủ với CLB nước sở tại… Có nhiều vấn đề bản thân chúng ta không thể tự quyết. Tôi ví dụ như trường hợp của Lee Nguyễn, cậu ta đã đá cho tuyển U19 quốc gia Mỹ thì theo quy định không được khoác áo ĐTQG nào nữa, kể cả đã có quốc tịch Việt Nam. 

- Ông có hy vọng một ngày gần nhất, ĐTQG sẽ có nhiều cầu thủ Việt kiều giỏi thi đấu, mang vinh quang về cho Tổ quốc?

- Tôi nghĩ đấy không chỉ nguyện vọng riêng tôi mà của toàn thể những người mang dòng máu Việt. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần phải xây dựng yếu tố bền vững. Cụ thể, cần tạo nền tảng tốt như đưa họ về thi đấu hạng Nhất, V-League để làm quen với môi trường bóng đá Việt Nam và phát huy hết năng lực khi khoác áo đội tuyển. Tránh tình trạng làm kiểu ăn xổi, khiến nhiều tài năng chỉ đá cho ĐTQG một vài trận, hoặc một giải nào đó xong rồi không bao giờ trở lại nữa. 

- Xin cảm ơn ông!