Cánh chim tìm về tổ

ANTĐ - Thấp thoáng một chút heo may, lãng đãng mùi hoa sữa trên những con phố Hà Nội thân quen, mùa thu lại về, thoáng chốc như “bóng câu qua cửa”, nhưng lại là mùa để lại nhiều ký ức lắng đọng trong những người đi xa, ở xa Hà Nội. 

Bởi thế, mỗi khi thu sang, những người con xa Hà Nội lại bồi hồi, náo nức như những cánh chim vượt muôn trùng đại dương cách trở muốn tìm về tổ ấm. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn mùa thu nào cũng trở về Hà Nội, nơi quê cha đất mẹ, nơi đã nuôi dưỡng mầm nhân tài một nghệ sĩ piano trứ danh như anh - “người được Chopin chọn”.

Kể từ năm 1980 đoạt giải Nhất cuộc thi piano danh tiếng thế giới mang tên nhà soạn nhạc Ba Lan Frederic Chopin, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã mang tiếng đàn piano của một người Việt Nam tới hầu hết các nước trên thế giới với những dàn nhạc giao hưởng lừng danh nhất.

Không chỉ là một trong số ít nghệ sĩ piano biểu diễn tác phẩm của Chopin hay tới mức hiếm có, Đặng Thái Sơn còn được ví như người âm thầm, lặng lẽ gieo những hạt mầm âm nhạc trong lòng người nghe ở mọi góc đất, chân trời. Vừa biểu diễn, vừa giảng dạy, đào tạo dù ở Nhật Bản hay Canada, nhưng Việt Nam, Hà Nội luôn là nỗi nhớ mong da diết, nặng trĩu trong lòng người nghệ sĩ xa quê hương, đất nước. 

Mỗi khi mùa thu trở về nơi dứt áo ra đi trên con đường nghệ thuật không ngơi nghỉ, Đặng Thái Sơn luôn mang về cho nền âm nhạc nước nhà chút đóng góp từ những năm tháng lao động nghệ thuật mài miệt không chỉ có vinh quang. Những chiếc đàn piano trao tặng cho nhạc viện những buổi giảng dạy, giao lưu với những tài năng trẻ Việt Nam của Đặng Thái Sơn chính là những hạt giống âm nhạc cho những mùa sau.

Không chỉ làm giám khảo trong các kỳ thi piano danh tiếng trên thế giới, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn còn ngồi ghế giám khảo trong các kỳ thi piano quốc tế mùa thu được tổ chức ở Hà Nội mấy năm này. 

Và mỗi lần trở về Hà Nội, tiếng đàn Đặng Thái Sơn lại âm vang, ngân xa, lắng sâu trong lòng người Hà Nội. Tiếng dương cầm Đặng Thái Sơn chạm vào trái tim người nghe, rung động, nghẹn ngào, ứa nước mắt. Tiếng đàn khi thánh thót, lúc tuôn trào như dòng âm thanh, như suối nhạc cuốn trôi mọi nhọc nhằn, tất bật toan tính, mọi bụi bặm, ô nhiễm môi trường sống, môi trường văn hóa, cho người Hà Nội thêm tin yêu, hy vọng và thức tỉnh những tình cảm, hành động đẹp.

Có nhà phê bình âm nhạc nhận xét rằng, có lẽ - Đặng Thái Sơn chơi nhạc Chopin tuyệt vời đến thế là bởi nghệ sĩ có chung nhịp đập như trái tim nhà soạn nhạc Chopin thiên tài từng sống xa quê hương, Tổ quốc Ba Lan. Một trái tim, một cõi lòng nặng nghĩa nước non thấm vào mỗi tiếng đàn, đẹp thay! Quê hương càng xa xôi, cách trở, càng gần gũi trong sâu thẳm. Cánh chim tìm về tổ đâu chỉ sưởi ấm lòng, mà còn làm cho tổ thêm chắc chắn hơn.