Cảnh báo về sự biến mất gần như hoàn toàn của các di tích thời Hùng Vương

ANTD.VN - Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, văn hóa đã làm rõ, thời đại Hùng Vương là có thật và cách ngày nay khoảng 2.700 năm. 

 Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương phối hợp cùng Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Với 69 báo cáo khoa học của 77 chuyên gia, hội thảo đã đánh giá những kết quả nghiên cứu mới trong gần 50 năm qua và đưa ra những đề xuất cho các bước phát triển tiếp theo nghiên cứu sâu sắc hơn, toàn diện hơn về thời đại Hùng Vương. 

GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, từ trước tới nay, chúng ta vẫn quen nói rằng, Việt Nam trải qua 4.000 năm lịch sử. Thực ra, đây chỉ là cách gọi chung chung theo quan niệm truyền thống về lịch sử hình thành quốc gia dân tộc, nhưng không dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học thực sự, lại không có sự kiểm chứng của khảo cổ học và như thế, không phản ánh một cách chuẩn xác sự thật lịch sử .

Thời đại Hùng Vương cách ngày này khoảng 2.700 năm

Nếu nói Việt Nam có 4.000 năm lịch sử thì thực ra chúng ta đang nói tới thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (sơ kỳ thời đại đồ đồng, cách ngày nay khoảng 4.000 đến 3.500 năm). Khảo cổ học trong mấy thập kỷ gần đây đã chứng minh một cách rõ ràng, xã hội thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên vẫn còn là công xã nguyên thủy, chưa có giai cấp và tất nhiên là chưa có nhà nước.

 “Chắc chắn nhà nước Văn Lang ra đời muộn hơn nhiều so với mốc thời gian 4.000 năm cách ngày nay”, GS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định.

Cũng theo GS Ngọc, kết quả nghiên cứu này đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị với Đảng, Nhà nước không dùng các khái niệm “4.000 năm lịch sử”, "4.000 năm mở nước", "4.000 năm dựng nước"… trong các văn bản chính thức. Tinh thần này đã được quán triệt trong quá trình biên soạn các sách giáo khoa Lịch sử phổ thông, giáo trình đại học và các tài liệu thông tin tuyên truyền. Đặc biệt, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 đã chỉnh lại là “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước, giữ nước”. Đây là thành tựu nổi bật mà mỗi người đọc sử, học sử và hiểu sử Việt Nam không thể không thừa nhận. 

Tại hội thảo, nghiên cứu của Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín cho thấy, tổng thể đời sống văn hóa Việt cổ thời Hùng Vương phản ánh rõ những đặc điểm văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú do sự đa dạng của các vùng miền, sự phân tầng trong xã hội và tổ chức xã hội tạo nên, mà đỉnh cao là sự hình thành nhà nước sơ khai. 

PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thông tin, nếu lấy Đền Hùng làm tâm, trong bán kính khoảng 10km quanh khu vực núi Nghĩa Lĩnh (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), nơi được coi là kinh đô đầu tiên của Nhà nước Việt Nam, đến nay đã có 40 di tích khảo cổ thời đại kim khí. Một chuỗi di tích, di vật thu được tạo thành một hệ thống văn hóa kế tiếp nhau.

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều khoa học uy tín trên cả nước

Đó là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có giá trị lịch sử - văn hóa như truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”, “Bánh chưng bánh dày”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh; là những lễ hội với các trò diễn, nghi lễ, diễn xướng dân gian độc đáo như: Hội cày tịch điền ở Minh Nông (TP Việt Trì), hội rước Chúa gái ở Chu Hóa, Hy Cương (huyện Lâm Thao); những dân ca lễ nghi tín ngưỡng, mà cụ thể là hát xoan, món ăn tinh thần không thể thiếu trrong cộng đồng dân cư Phú Thọ…

Tuy nhiên, cũng tại hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra, hầu hết các di tích của thời kỳ Hùng Vương đến nay đã bị phá hủy hoàn toàn. Theo một khảo sát của các nhà khảo cổ học thời kỳ kim khí của Viện Khảo cổ, sơ bộ tới năm 2.000 có trên 1 nghìn di tích thời Đông Sơn. Tuy nhiên, chỉ ít năm sau đó, tình trạng bảo tồn các di tích đáng báo động. Đầu năm 2019, chúng ta mất trên 50% di tích thuộc thời đại này. Riêng miền đất tổ Phú Thọ, Vĩnh Phúc các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%, nghĩa là gần như bị phá hủy hoàn toàn.

“Theo công ước của UNESCO về Di sản văn hóa, đặc biệt Công ước về di sản khảo cổ học Lausanne 1990, đây là loại di tích quan trọng nhất mang tính xác thực cao nhất để chứng minh thời kỳ Hùng Vương là có thật, đồng thời đây là loại di tích dễ bị phá hủy nhất và một khi đã bị phá hủy không bao giờ có thể tái sinh được. Các nhà nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, đánh mất di tích lịch sử là đánh mất trí nhớ của cả một dân tộc, là bỏ quên nguồn cội của dân tộc”, PGS.TS Tống Trung Tín cảnh báo.