Cảnh báo Trung Quốc gấp rút xây dựng "Trường Thành dưới biển"

ANTĐ - Các nhà phân tích quốc phòng nhận định, nếu xung đột quân sự nổ ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, yếu tố mang tính quyết định chính là tàu ngầm. Nhận thức được điều đó, Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường khả năng chống ngầm của mình ở dưới biển. Dưới đây là bài phân tích của Giáo sư Lyle J. Goldstein tại Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI) thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ ở Newport, Rhode Island, đăng trên tạp chí The National Interest.

Trung Quốc đang tăng cường khả năng chống tàu ngầm vốn được coi là “điểm yếu” lâu nay

“Mắt biển” phục vụ mục tiêu dân sự và quân sự

Khi bàn đến xu hướng phát triển về quân sự thời gian gần đây ở Tây Thái Bình Dương, các nhà phân tích quốc phòng thường đề cập đến những trận chiến trên biển. Họ cho rằng, tên lửa chống tàu hiện đại, tàu chiến các loại có thể trở nên hiếm hoi trong các trận hải chiến trong tương lai.

Cùng với đó, hạn chế của căn cứ không quân cùng các tàu sân bay cho thấy, tấn công bằng đường không chỉ mang tính bổ sung trong vài tuần đầu tiên nếu xảy ra xung đột quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bởi vậy, yếu tố quyết định sẽ là tàu ngầm (có sự hỗ trợ của robot dưới biển). Trong lĩnh vực này, các chiến lược gia phương Tây đều cho rằng Washington sở hữu những lợi thế rất đáng kể so với Bắc Kinh.

Mỹ có đội tàu thuyền lớn và tính năng nhiều hơn, sự dày dạn kinh nghiệm trong vận hành tàu ngầm và những tiến bộ trong công nghệ chiến tranh dưới nước.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng không phải không có thế mạnh khi họ có công nghệ về mìn, tăng cường khả năng chống ngầm hay nỗ lực thử nghiệm thay thế học thuyết tàu ngầm.

Đó là chưa kể, thực tế đội tàu ngầm chạy bằng hạt nhân của hải quân Hoa Kỳ đang giảm xuống mức thấp nguy hiểm, chỉ với 41 tàu vào năm 2029 - điều mà các nguồn tin quân sự Trung Quốc đã ghi nhận rộng rãi.

Chi tiết hơn về sự cạnh tranh dưới đáy biển Tây Thái Bình Dương, có thể bàn đến một bài viết bằng tiếng Trung về “Trường Thành dưới biển mới” của Trung Quốc xuất hiện trên ấn phẩm Tin tức Đại dương Trung Hoa xuất bản cuối năm 2015. Bài viết này nói rõ về “hệ thống giám sát dưới biển” mới của Trung Quốc.

Hiển nhiên, hệ thống nói trên một phần được ứng dụng vào các mục tiêu phi quân sự, bao gồm dự báo các thảm họa tự nhiên như bão, động đất và sóng thần.

Do đó, hệ thống giám sát dưới biển được giải thích là một cách quan trọng để “giảm hậu họa về kinh tế - xã hội” cho cư dân ven biển của Trung Quốc.

Thực tế, các cường quốc về hàng hải khác như Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng có những dự án nghiên cứu tương tự nhằm phục vụ cả mục tiêu dân sự và quân sự.

Chống tàu ngầm bằng mìn

Cụ thể, hệ thống quan sát dưới đáy biển của Trung Quốc gồm các thiết bị cảm biến nhằm thu nhận và phân tích âm thanh ở vùng nước nông. Hệ thống này được đánh giánhằm khắc phục khoảng trống kéo dài đã lâu, từ đó tăng cường khả năng quan sát dưới biển nhằm đối phó với “những mối đe dọa chiến lược đang ngày càng lớn”.

Những thiết bị đầu tiên của hệ thống quan sát dưới nước đã được Trung Quốc lắp đặt vào năm 2010. Báo cáo cho thấy, thiết lập ban đầu được đặt ở gần trụ sở Hạm đội Bắc Hải tại Thanh Đảo.

Cơ sở thứ hai đặt tại đảo Hải Nam năm 2011 và một phần của hệ thống đã đi vào hoạt động thử nghiệm hồi tháng 5-2013 gần căn cứ tàu ngầm hạt nhân Tam Á.

Theo bài báo được nêu trên thì hai dự án khác đã được triển khai ở Thượng Hải hồi tháng 8-2013. Những động thái trên cảnh báorằng, Bắc Kinh không đơn giản là chịu ngồi yên để Mỹ thống trị khu vực biển sâu. Tuy nhiên, khu vực Biển Đông được đánh giá là khá nông và nhỏ đối với các tàu to của Mỹ.

Để đối phó với hoạt động này, Trung Quốc có thể sử dụng các tàu bảo vệ bờ biển hay thậm chí cả tàu đánh cá để tuần tra khu vực có tàu ngầm của đối thủ. Bên cạnh đó, khả năng chống ngầm của Trung Quốc còn nằm ở các loại mìn.

10 trong số 52 tàu ngầm Mỹ mất tích trong chiến tranh Thái Bình Dương có thể do vướng phải mìn, trong khi Trung Quốc được cho là đang tiếp tục tối ưu hóa khả năng chống tàu ngầm bằng mìn dưới biển.