Cảnh báo tổn thương sức khỏe tâm thần trẻ em do tác động của Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng học sinh phải ở nhà quá lâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 22-10, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những tác động tới sức khỏe tâm thần trẻ em với các triệu chứng lo âu, trầm cảm, dễ thay đổi trạng thái cảm xúc hoặc hung hăng, chống đối…
Học sinh cần được nắm bắt, chăm sóc tốt về sức khỏe tâm thần sau thời gian dài giãn cách, học trực tuyến

Học sinh cần được nắm bắt, chăm sóc tốt về sức khỏe tâm thần sau thời gian dài giãn cách, học trực tuyến

Xuất hiện hành vi tự hại bản thân sau 6 tuần giãn cách

PGS.TS Trần Thành Nam - Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn báo cáo chưa đầy đủ từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến ngày 10-9 có hơn 40.000 trẻ là F0, F1; hàng nghìn trẻ rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ sau đại dịch. Tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch là phổ biến, gây ra những hậu quả cụ thể về mặt cảm xúc, trong đó độ tuổi từ 15-18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác. Thời điểm lo lắng nhất của trẻ là khoảng sau 6 tuần giãn cách, một số trẻ có hành vi tự hại bản thân. Ở nhà quá nhiều vì dịch, trẻ từ 3-6 tuổi tiếp cận thiết bị điện tử nhiều dễ dẫn đến các hành vi thái quá; trẻ 6-12 tuổi sử dụng thiết bị điện tử nhiều cũng dễ có cảm xúc tiêu cực…

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, học sinh có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe tâm thần sau khi quay lại trường do phải đối diện quãng thời gian dài sợ hãi, cô lập, mắc kẹt trong không gian chật chội, tiếp xúc nhiều thông tin xấu độc trên mạng, bạo lực gia đình. Khi đến trường, có thể trẻ sẽ có xu hướng nghịch ngợm, hung hăng, phá vỡ mọi nội quy. Trẻ căng thẳng thường có dấu hiệu như dễ khóc, dễ thay đổi tâm trạng, hay lo lắng, buồn bã, mệt mỏi, không muốn tham gia các hoạt động trước đó từng yêu thích. Đặc biệt, những trẻ phải đối diện với cái chết của bố mẹ hoặc người thân trong đại dịch có thể bị tổn thương nghiêm trọng về tinh thần. Trẻ có thể sợ hãi, mất kiểm soát, thường xuyên gặp ác mộng, khó tập trung, chán nản, thờ ơ với mọi việc…

GS. TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều quốc gia, xáo trộn cuộc sống của các gia đình, tàn phá cộng đồng, làm cho học sinh buộc phải dừng đến trường, ở nhà học online, không được vui chơi, giải trí tự do như mọi ngày... Đây là một nỗi khổ đối với lứa tuổi các em vốn là tuổi thích tự do bay nhảy, thích giao du với chúng bạn. Với lứa tuổi dậy thì, các em còn có tình bạn, tình yêu lại càng phức tạp hơn. Nếu nhà cửa rộng rãi, có vườn hoa cây cảnh, các em có thể tự do đi lại, đỡ căng thẳng hơn là với các gia đình chỗ ở chật hẹp, nóng bức. Trong những điều kiện như vậy, tâm lý trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Trước tiên là nhận thức bị trì trệ, tư duy thiếu sáng suốt. Cho dù có ngồi ở bàn học nhưng học lại khó vào, khó thuộc hơn mọi ngày. Do điều kiện sống bị bó vào một không gian chật hẹp, các em dễ nảy sinh các căng thẳng tâm lý. Tính tình các em có thể có những thay đổi, chẳng hạn dễ bị cáu gắt vô cớ...

Phụ huynh cần làm gì để tránh tác động xấu tới tâm lý con?

PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Đại học Giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội) lưu ý phụ huynh về việc học sinh chịu tác động do dịch Covid-19 có thể có biểu hiện suy giảm trí nhớ, khó tiếp thu bài học, căng thẳng, lo âu. Những gia đình nghèo, bố mẹ mất việc, đối mặt nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng khiến học sinh tự ti, sợ hãi. Học trực tuyến trong thời gian dài, thiếu vắng sự tương tác trực tiếp với giáo viên, học sinh cũng dễ chán nản, không có hứng thú học tập. PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh, phụ huynh, giáo viên cần để ý những dấu hiệu căng thẳng ở học sinh như thích ở một mình, buồn bực không lý do, mất hứng thú với đam mê, luôn cảm thấy mình thất bại… Nếu nhận thấy con có một hoặc một vài dấu hiệu bất thường như trên, cha mẹ cần có những biện pháp can thiệp hợp lý như tìm kiếm hỗ trợ từ giáo viên hay từ chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Những việc phụ huynh cần thực hiện cụ thể là tạo cho con không gian học tập riêng để tránh tối đa các yếu tố gây sao nhãng. Khuyến khích các thói quen lành mạnh, bao gồm: Ngủ đúng giờ (giờ ngủ mỗi ngày không nên chênh nhau quá 30 phút); ngủ đủ giấc (trẻ 6-13 tuổi được khuyến cáo là cần ngủ 9-11 giờ/ngày); ăn đủ bữa và đủ chất; tập thể dục thể thao hàng ngày theo khung giờ nhất định; vui chơi giải trí với các hoạt động không màn hình thay vì tiếp tục giải trí với thiết bị điện tử sau giờ học online. Phụ huynh cần giúp con tạo lập và thực hiện một lịch trình đều đặn mỗi ngày. Ngoài thời khóa biểu học tập của con, phụ huynh có thể giúp con lên lịch trình cho cả các hoạt động sinh hoạt khác trong ngày. Bên cạnh đó, việc tạo không gian và thời gian kết nối với các bạn bè cùng trang lứa (có thể dưới hình thức online khi chưa thể gặp trực tiếp) cũng cần được ưu tiên quan tâm. Phụ huynh cũng cần gia tăng những khoảng thời gian tương tác xã hội chất lượng giữa các thành viên trong gia đình để phần nào bù đắp thiếu hụt về tương tác với cộng đồng lớp học, trường học của con.

Học sinh, sinh viên cả nước mong sớm được đi học trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần vì Covid-19

Học sinh, sinh viên cả nước mong sớm được đi học trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần vì Covid-19

Những triệu chứng trầm cảm ở học sinh không tự nhiên mất đi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cũng nhấn mạnh về những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tâm lý của các em học sinh trong thời gian không thể đến trường. Đó là các em vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý, lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang gián tiếp, nhiều em điều kiện kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, thậm chí có em còn mất cha mất mẹ do dịch bệnh, những sang chấn tâm lý là điều không thể tránh khỏi. Từ đó, khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức tập huấn tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng cho rằng, những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh đại dịch đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, đội.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhìn nhận, những triệu chứng trầm cảm ở học sinh không tự nhiên mất đi và chúng có thể tồi tệ hơn nếu không được chữa trị. Do vậy, khi học sinh tới trường, nếu giáo viên phát hiện dấu hiệu bất thường thì không nên giận dữ, quát mắng hay ép học sinh học tập bằng những lời lẽ gay gắt, mỉa mai. Cần lắng nghe vấn đề học sinh đang gặp phải để chia sẻ, động viên, kéo các em vào những hoạt động tập thể, trao đổi với phụ huynh để cùng hỗ trợ…

Vấn đề cần thiết hiện nay, theo Bộ GD-ĐT là cần nhanh chóng đánh giá đúng thực trạng, hậu quả do dịch Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến tâm lý học đường; tập trung kỹ năng nhận diện được sự căng thẳng của mỗi em, cũng như khó khăn các em gặp phải. Trước yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng cho việc quay trở lại học trong tình trạng bình thường mới, Bộ GD-ĐT cho rằng, các cán bộ, giáo viên cần được hướng dẫn thực hành kỹ năng tư vấn, hỗ trợ học sinh thực hiện các bài tập thư giãn, giảm căng thẳng trong và sau thời gian dịch Covid-19, phối hợp cùng phụ huynh chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho các em quay lại trường mà không bị áp lực lớn từ học tập.

Vấn đề cần thiết hiện nay, theo Bộ GD-ĐT là cần nhanh chóng đánh giá đúng thực trạng, hậu quả do dịch Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến tâm lý học đường; tập trung kỹ năng nhận diện được sự căng thẳng của mỗi em, cũng như khó khăn các em gặp phải. Trước yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng cho việc quay trở lại học trong tình trạng bình thường mới, Bộ GD-ĐT cho rằng, các cán bộ, giáo viên cần được hướng dẫn thực hành kỹ năng tư vấn, hỗ trợ học sinh thực hiện các bài tập thư giãn, giảm căng thẳng trong và sau thời gian dịch Covid-19, phối hợp cùng phụ huynh chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho các em quay lại trường mà không bị áp lực lớn từ học tập.