Cảnh báo tội phạm tháng "củ mật"

ANTD.VN - Dịp áp Tết hay còn gọi là tháng “củ mật” thường là khoảng thời gian một số loại tội phạm như xiết nợ, trộm cướp hoạt động mạnh. Công an thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động phạm tội kiểu này.

Cảnh báo tội phạm tháng "củ mật" ảnh 1Hiện trường các vụ trộm đột nhập nhà dân và công sở trộm cắp tài sản bằng hình thức đập vỡ cửa kính mở khóa và cắt phá tai khóa cửa

Nhận diện tội phạm xiết nợ

Xiết nợ được coi là hoạt động thu hồi các khoản nợ khó đòi bằng bạo lực, hay còn gọi là “luật rừng” của các đối tượng trong  giới giang hồ. Vào những ngày cuối năm, hoạt động xiết nợ có xu hướng tăng với  nhiều tính chất phức tạp. Từ xiết nợ dẫn đến các hành vi bạo lực như bắt giữ người trái pháp luật rồi tra tấn, đánh đập để đe dọa, cưỡng đoạt, cướp tài sản. 

“Khác với các loại tội phạm thông thường, tội phạm bắt nguồn từ các vụ xiết nợ có sự chủ động thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động mang tính chất có tổ chức, có tính toán các phương án, kế hoạch và sự chuẩn bị về con người, hung khí dùng để gây án” - Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CATP Hà Nội cho biết.

Mới đây, lực lượng CSHS đặc nhiệm, Phòng CSHS - CATP đã bắt giữ 4 đối tượng trong ổ nhóm bắt giữ người trái pháp luật để cướp tài sản. Xuất phát từ việc nhờ mua hộ xe ô tô bất thành, đối tượng nhờ mua xe đã tụ tập đồng bọn bắt giữ “đối tác” trái phép rồi tra tấn, de dọa, bắt người thân nạn nhân phải thu xếp tiền thanh toán nợ. Vụ việc đã bị lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang khi cả nhóm tội phạm đánh đập, đe dọa và nhận tiền từ phía người nhà nạn nhân tại một quán cà phê nằm ở khu vực quận Cầu Giấy.

Không chỉ vụ việc trên, cũng trong tháng “củ mật” năm 2016 vừa qua, tại một số địa bàn của TP Hà Nội đã xảy ra các vụ xiết nợ mang tính chất tương tự. Khi bị bắt, các đối tượng gây án khai do cuối năm cần “tất toán” và “thanh khoản” các giao dịch liên quan đến tiền bạc, nên phải thu hồi nợ bằng mọi giá dẫn đến hành vi phạm tội.

Tội phạm có tính “thời vụ”

Trong tháng “củ mật” phải kể đến nhiều hoạt động tội phạm mang tính “thời vụ” khác như trộm tài sản nhà dân, cướp - cướp giật tài sản ở những địa bàn công cộng. 

Anh Nguyễn Văn T, một cư dân có căn hộ ở gần đường Giải Phóng, Hà Nội cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, tại địa bàn anh cư trú đã xảy ra một số vụ trộm cắp tài sản nhà dân bằng phương thức cắt khóa cửa để đột nhập trộm cắp. Chỉ trong một đêm, 2 gian nhà bếp của 2 căn hộ liền kề ở đầu con ngõ nhỏ bị kẻ gian dùng kìm thủy lực cắt phá tung thân và tai khóa, mặc dù các khóa này đều được khóa từ bên trong. Sau khi gây án, dù kẻ gian chỉ lấy xe đạp điện và một số đồ dùng cá nhân, nhưng đã khiến người dân lo ngại về sự táo tợn, tinh vi của chúng. Được biết, các  đối tượng này hoạt động cắt phá khóa cửa ngay dưới ánh đèn đường  sáng trưng ở đầu ngõ và sau khi kẻ gian rời khỏi hiện trường, người dân trong xóm mới phát hiện được vụ việc.

“Sự bất cẩn, chủ quan của một số người thiếu ý thức tự bảo quản tài sản khi đeo đồ nữ trang đắt tiền, hoặc khoác túi xách chứa nhiều tiền, tài sản có giá trị nhưng quá hớ hênh là điều kiện thuận lợi cho tội phạm cướp giật”.

Trung tá Nguyễn Minh Quang, (Đội trưởng Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Phòng CSHS - CATP Hà Nội)

Không chỉ nhằm vào nhà dân gây án, tội phạm trộm cắp tài sản còn chọn mục tiêu là các công sở, cơ quan, trụ sở doanh nghiệp, trường học…. Vừa qua, trên địa bàn một số huyện ngoại thành đã xảy ra những vụ trộm đột nhập trường học, trụ sở cơ quan để lấy trộm máy tính và tiền bạc.

“Mục tiêu khác cũng được kẻ gian nhắm tới là các công trình xây dựng đang hoàn thiện nhưng chưa có người ở để trộm cắp thiết bị nội thất” - Trung tá Mai Văn Thuần, Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết.

Theo Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm thường nhằm vào những món đồ gọn nhẹ, có giá trị lớn và dễ tiêu thụ để trộm cắp. Xe đạp điện là một ví dụ, bởi loại xe này dễ bán, không mất nhiều thời gian tìm kiếm đối tượng tiêu thụ như xe máy. Do vậy, đã có nhiều vụ trộm xảy ra mà kẻ gian chỉ “nhấc” đi những chiếc xe đạp điện, chứ không đoái hoài gì đến xe máy mặc dù những phương tiện này để sát cạnh nhau ngay trong gian bếp hẹp, là hiện trường của các vụ trộm xảy ra như đã nêu trên.

Ngoài những hoạt động phạm tội mang tính chất “truyền thống”, những ngày áp Tết cũng là khoảng thời gian tội phạm trộm cắp phụ tùng ô tô hoạt động. Vừa qua, đã xuất hiện một số vụ, đối tượng gây án tại một số địa bàn vắng người qua lại ở các quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai (Hà Nội)…

“Cũng trong những tháng cuối năm, hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản thường diễn biến phức tạp” - Trung tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Phòng CSHS - CATP Hà Nội nhấn mạnh. Đáng chú ý, tội phạm cướp giật thường nhằm vào sơ hở của những người có giao dịch với ngân hàng, hiệu vàng, quỹ tiết kiệm để gây án. Biết rằng dịp cuối năm người dân thường mang nhiều tiền để đi mua sắm, nên tội phạm cũng lợi dụng sơ hở để hoạt động cướp giật tài sản. Theo đó, tội phạm cướp giật tài sản rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng thực hiện đến cùng hành vi phạm tội. Các đối tượng sử dụng xe máy chạy tốc độ cao, bất ngờ áp sát nạn nhân để gây án rồi phóng xe bỏ chạy gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông trên đường phố.

Những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu

Theo Đại tá Dương Văn Giáp, lực lượng CSHS - CATP Hà Nội thường xuyên thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội, tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh triệt để với mọi hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuất phát từ vay nợ tiền bạc dẫn đến xiết nợ tàn bạo. Nhiều ổ nhóm tội phạm có dấu hiệu đòi nợ thuê bằng vũ lực, hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” trá hình các công ty quản lý và giao dịch tiền bạc đã được Phòng CSHS phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thống kê, lập danh sách để có đối sách quản lý. 

Đối với hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản, lực lượng CSHS Hà Nội cũng thường xuyên phối hợp với Công an cơ sở và các tổ công tác 141, 142 và CSTT, CSCĐ phát hiện, bắt giữ, điều tra xử lý triệt để. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa trộm cắp phụ tùng ô tô cũng được Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Quản lý thị trường, Thuế… kiểm tra, xử lý và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Đại tá Dương Văn Giáp, để đảm bảo an toàn tài sản trong những ngày cuối năm, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự phòng ngừa của người dân và các cơ quan đơn vị. Do vậy, trước khi đi ngủ mọi người cần kiểm tra đóng các cửa chính, cửa sổ, cửa thông gió và thường xuyên gia cố, sửa chữa kịp thời các chỗ bị hư hỏng mà tội phạm có thể lợi dụng phá cửa đột nhập. Lực lượng công an cơ sở cũng cần chủ động phát động mọi người dân tích cực phát hiện, báo ngay cho cơ quan chức năng những biểu hiện hoạt động tội phạm; đẩy mạnh phong trào tự quản trong nhân dân để giúp nhau bảo vệ tài sản, nhất là đối với các gia đình khi đi làm không có người ở nhà. 

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cần củng cố lại đội ngũ bảo vệ, và tăng cường lực lượng này vào ban đêm. Bên cạnh đó, phải thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát cả ngày lẫn đêm và đây được coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động trộm cắp tài sản cũng như các loại tội phạm khác.