- Lừa đảo đặt tour qua mạng xã hội gia tăng, Cục Du lịch Quốc gia yêu cầu ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm
- Cảnh giác lừa đảo du lịch nước ngoài theo diện miễn thị thực
- Thủ đoạn tinh vi, lừa đảo người đặt phòng du lịch
Đủ chiêu trò lừa đảo
Bắt đầu bước vào mùa du lịch, năm nay kỳ nghỉ lễ kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Một trong những mánh khoé lừa đảo du lịch gần đây các đối tượng đang lợi dụng để hoạt động là cung cấp tour du lịch với giá rẻ hơn so với giá thị trường. Ưu đãi này khiến nhiều người tin tưởng và quyết định đặt cọc hoặc thanh toán trước để giữ chỗ. Các đối tượng thường sao chép hoặc tự tạo ra các đánh giá giả mạo rồi sử dụng tài khoản ảo để tạo ra những phản hồi tích cực, khen ngợi dịch vụ nhằm tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Từ đó, gây sức ép tâm lý để khách hàng thanh toán nhanh chóng. Đối tượng thường sử dụng những thủ đoạn gây sức ép tâm lý như “chỉ còn vài suất”, “khuyến mãi chỉ có hôm nay” để thúc giục khách hàng quyết định thanh toán nhanh chóng mà không có thời gian suy nghĩ hoặc kiểm tra kỹ thông tin.
Sau khi liên lạc được với khách hàng, đối tượng có thể gửi các đường link chứa mã độc cho họ để tiếp tục thu thập thông tin thẻ tín dụng, mật khẩu hoặc yêu cầu khách hàng thanh toán qua các phương thức không an toàn.
Cùng với đó, kẻ lừa đảo dẫn dụ nạn nhân bằng chiêu trò đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn tiền 100% nếu không xin được visa.
Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó, đối tượng lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.
Một chiêu trò phổ biến khác là mạo danh đại lý bán vé máy bay. Các đối tượng lừa đảo tạo lập những website/ fanpage của các công ty du lịch uy tín, mạo danh đại lý vé máy bay, tạo các website, trang mạng xã hội, địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự website thật của hãng.
Tinh vi hơn, đối tượng có thể sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người mà các đối tượng muốn giả mạo) và thực hiện cuộc gọi video (hình ảnh) để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.
Thực tế, nhiều người dân có thói quen đặt vé online phục vụ nhu cầu đi du lịch, về quê,... dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt. Một số khách hàng mua vé nhận được thẻ lên tàu bị cạo sửa thông tin như giá vé, đối tượng khuyến mãi, ngày đi tàu, ga đi ga đến… nên không có giá trị đi tàu.
Nâng cao cảnh giác
Để tránh bị lừa, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch; nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, phòng khách sạn, vé máy bay của những công ty hoặc ứng dụng du lịch uy tín; lựa chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký).
Người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề... của công ty lữ hành, du lịch. Cảnh giác với các gói du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay có mức giá quá rẻ.
Đối với khách du lịch cần luôn xác minh thông tin đặt phòng qua nhiều nguồn từ website chính thức, tổng đài hỗ trợ hoặc tham khảo qua các ứng dụng đặt phòng... Bên cạnh đó, cần so sánh, đối chiếu số điện thoại và email mà fanpage cung cấp với thông tin chính thức trên website của khu nghỉ dưỡng hoặc các trang uy tín về du lịch.
Cảnh giác với yêu cầu thanh toán ngay lập tức: Các khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn lớn thường có quy trình xác nhận đặt phòng rõ ràng qua email chính thức. Nếu fanpage yêu cầu chuyển khoản ngay hoặc không có xác nhận từ hệ thống, khách hàng cần dừng giao dịch ngay. Tuyệt đối không thanh toán qua tài khoản cá nhân.
Trường hợp công dân hoặc khách du lịch phát hiện đã bị lừa đảo thì lưu giữ bằng chứng giao dịch, email, tin nhắn và biên lai giao dịch để làm bằng chứng và trình báo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Các doanh nghiệp du lịch cần đăng ký tick xanh chính thức trên Facebook và các nền tảng khác để khách hàng dễ nhận diện (đăng ký theo các điều, khoản quy định của các nền tảng); thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các nền tảng thông tin, trang mạng xã hội giả mạo cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của mình; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời giải quyết, xử lý các vụ việc khi phát hiện.
Cảnh báo và hướng dẫn khách hàng: Đăng các thông báo cảnh báo trên website, fanpage chính thức về tình trạng lừa đảo và hướng dẫn khách hàng cách phân biệt trang thật - trang giả (nếu có);
Khi phát hiện các trang giả mạo cần báo cáo trên các nền tảng và trao đổi và báo cáo các cơ quan chức năng theo dõi.