Cảnh báo những hiểm họa...từ trên trời rơi xuống

ANTD.VN - An toàn lao động đang là vấn đề “nóng”, đặc biệt đối với nhiều công trình đang thi công trên các tuyến đường phố, khu dân cư đông đúc, nó còn là... hiểm họa thường trực. 

Hiểm họa về an toàn lao động (ATLĐ) luôn được cảnh báo, song để tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng lại không hề đơn giản, bởi ý thức của đơn vị thi công, chủ đầu tư và người lao động.

Rờn rợn mỗi khi đi ngang qua công trường

Sau khi vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội hôm 27-9 vừa qua, đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất ATLĐ trong lĩnh vực xây dựng hiện nay. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người có liên quan khi liên tiếp để xảy ra những vụ việc tương tự. “Sự việc đáng tiếc” đó là câu nói thường trực của rất nhiều chủ đầu tư, cũng như các bên đơn vị chịu trách nhiệm thi công và chính quyền sở tại, nơi xảy ra TNLĐ dẫn đến chết người.  

Nhìn từ vụ TNLĐ rơi giàn giáo khiến một người tử vong khi đang tham gia giao thông, ngoài việc gióng lên hồi chuông "trách nhiệm" của việc giám sát công trình, còn cho thấy khoảng cách an toàn của người dân rất mong manh khi đi ngang qua những công trường xây dựng.

Hiện trường vụ TNLĐ xảy ra tại công trường trên đường Lê Văn Lương khiến 1 người đi đường tử vong

Với thực trạng xây dựng như hiện nay, công trường san sát và cao chót vót, công nhân ngày đêm chạy đua với tiến độ thời gian, trong khi đó ranh giới đường lưu thông hàng ngày ngay sát dưới chân công trường, quả là một khoảng cách rất mong manh, rất gần với tử thần treo trên cao, có thể giáng xuống bất cứ lúc nào.

Theo quy định, công trường nào cũng che phủ lưới, rào tôn để cảnh báo cũng như hạn chế gây ra TNLĐ trong khi thi công, nhưng nếu những vật nặng như giàn giáo, khối bê tông từ trên độ cao vài chục mét rơi xuống thì vật gì có thể cản lại được.

An toàn lao động thực chất phải xuất phát từ cái tâm, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi người công nhân, nhà đầu tư, hay giám sát công trình và phải xác định khi cầm trên tay viên gạch, cái bay... việc đầu tiên phải nghĩ đến là đảm bảo ATLĐ. Không ít người dân bày tỏ lo lắng, bức xúc bởi một số công trường lớn chĩa đuôi cần cẩu ra đường với những khối bê tông nặng hàng chục tấn treo lơ lửng. Mặc dù ban ngày cần cẩu không được phép hoạt động, song những khối bê tông lơ lửng đó giữ nguyên vị trí cũng đủ để những người qua lại cảm thấy bất an.

Anh Nguyễn Đức Hiếu, một lái xe taxi thường chờ khách qua lại khu vực một công trường gần đường Lê Văn Lương cho biết: “Xe tôi đã nhiều lần bị rơi vữa bê tông vào nóc xe, rất may chỉ bị bẹp nhẹ phần vỏ nên tôi tự đi nắn và sơn lại. Tôi cũng chẳng biết lỗi này do ai gây ra mà bắt đền họ”.

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều công trường xây dựng nhà cao tầng, đường sắt trên cao đã gây ra những vụ TNLĐ nghiêm trọng. Ngày 20-8, khi công nhân thuộc dự án Tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ nhà trẻ và căn hộ The Sun trên đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) đang thi công xây dựng, bất ngờ sợi cáp của cẩu trục bị đứt, làm nhiều vật liệu xây dựng từ trên cao rơi xuống khu nhà điều hành. Vụ tai nạn xảy ra làm ít nhất 1 người bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện... Nghiêm trọng hơn, 16h30 ngày 11-10, một thanh sắt dài khoảng 3m rơi từ công trường xây dựng nhà cao tầng ở số 63, đường Trần Duy Hưng giao với đường Đỗ Quang (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đâm thủng kính phía trước của chiếc xe ôtô 7 chỗ đang đỗ ven đường. Rất may vụ tai nạn không gây thiệt hại về người.

Thanh sắt rơi đâm thủng kính trước của chiếc xe ôtô

Cần phải Xử lý nghiêm

Theo chuyên gia ATLĐ thuộc Bộ Xây Dựng, thực trạng hiện nay đối với tất cả các công trường xây dựng, người có trình độ thi công thì không thi công, còn người không có trình độ, kỹ thuật lại làm trực tiếp. Đó là chưa kể đến việc trong nhiều gói thầu bán qua, chuyển lại dẫn đến trách nhiệm an toàn thi công mờ nhạt. Đáng báo động nhất hiện nay là đội ngũ lao động tư do đã được giao cho làm nhiều việc liên quan đến kỹ thuật, trong khi đó việc thi công ở những nơi cần chính xác lại không có người giám sát, dẫn đễn chất lượng công trình không đảm bảo và nhẹ thì nhanh hỏng, thiếu thẩm mỹ, nặng thì rơi vật liệu do lắp đặt không chính xác.

Chính vì thế, khâu giám sát là nhiệm vụ quan trọng và ở mỗi công trường thì khâu giám sát về chất lượng công trình phải có trong từng gói thầu, và cần có cả khâu giám sát về ATLĐ. Mặc dù là khâu đặc biệt quan trọng, nhưng với một số công trường tư nhân và các dự án vừa phải thì việc giám sát an toàn thi công còn bị xem nhẹ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ giám sát, quản lý Nhà nước tại địa phương cũng chưa thật sự quản lý chặt chẽ, kiểm tra lại khâu giám sát của đơn vị thi công. Chính vì thế đã xảy ra những vụ tai nạn vào giờ cao điểm. "Đáng lẽ phải ngừng thi công vào giờ tan tầm hay giờ đi làm, nhưng vì thiếu giám sát, xử lý nên các nhà thầu vẫn ép tiến độ dẫn đến đơn vị xây dựng cứ thi công và hậu quả đáng tiếc đã trút xuống đầu người đi đường" - Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho biết.

Theo quy định, để đảm bảo an toàn và hạn chế TNLĐ trong xây dựng, ngày 3/12/2010 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 22/2010/TT - BXD qui định về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình.

Theo đó, điều 2 nêu rõ: Vật tư, vật liệu phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp đúng theo thiết kế tổng mặt bằng được phê duyệt. Không được để các vật tư, vật liệu và các chướng ngại vật cản trở đường giao thông, đường thoát hiểm, lối ra vào chữa cháy. Kho chứa vật liệu dễ cháy, nổ không được bố trí gần nơi thi công và lán trại. Vật liệu thải phải được dọn sạch, đổ đúng nơi quy định. Hệ thống thoát nước phải thường xuyên được thông thoát bảo đảm mặt bằng công trường luôn khô ráo.

Cảnh báo việc đỗ xe ở gần khu vực công trường đang thi công là hiểm họa được báo trước

 Trách nhiệm an toàn lao động là nhiệm vụ bất cứ ai cũng phải thực hiện và khi xảy ra trách nhiệm thuộc về những đơn vị liên quan, trong đó có đơn vị giám sát thi công, chính quyền sở tại phải có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, xử lý việc vi phạm chấp hành ATLĐ của đơn vị thi công. Những hậu quả đáng tiếc về việc thi công cẩu thả dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây đau lòng cho người dân không còn là hồi chuông cảnh báo đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công mà đang là sự hối thúc ý thức và trách nhiệm xã hội, kỷ luật và lương tâm của những người liên quan đến công trường, công trình.

Để hạn chế TNLĐ xảy ra đối với những người xung quanh, điều trước tiên các đơn vị thi công phải treo biển cảnh báo nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân, nhất là lái xe ô tô không nên dừng đỗ dưới chân công trường đang thi công, tránh nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại về tài sản.