Cảnh báo: Nhiều ngân hàng “dính” chiêu lừa thế chấp ô tô bán thành phẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, một số tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh vay vốn mua ô tô sát xi (ô tô dạng bán thành phẩm) nhưng sau đó chủ phương tiện đã hoàn thiện xe và bán, gây ảnh hưởng đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cảnh báo thủ đoạn trong việc thế chấp tài sản xe ô tô sát xi.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã nhận được phản ánh của Cơ quan công an về việc trong quá trình điều tra đã phát hiện một số đối tượng thực hiện phương thức, thủ đoạn lợi dụng kẽ hở trong quy trình cho vay, thế chấp tài sản bằng xe ô tô sát xi để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng).

Theo đó, thời gian qua, một số tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh vay vốn mua ô tô sát xi (ô tô dạng bán thành phẩm, có buồng lái hoặc không có buồng lái, không có thùng chở hàng, không có khoang chở khách, không gắn thiết bị chuyên dùng) về lắp ráp thêm các phụ kiện (thùng hàng, buồng lái), hoàn thiện thành ô tô thành phẩm để đưa vào sử dụng hoặc bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Tài sản bảo đảm cho khoản vay cũng chính là các xe ô tô sát xi trên.

Nhiều ngân hàng dính chiêu lừa thế chấp ô tô sát xi

Nhiều ngân hàng dính chiêu lừa thế chấp ô tô sát xi

Do xe ô tô là dạng bán thành phẩm, chưa có giấy đăng kiểm và đăng ký xe nên khi cho vay, ngân hàng chỉ giữ bản chính giấy xuất xưởng, hợp đồng mua bán, hóa đơn. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện, chủ phương tiện tiến hành đăng kiểm xe mà không cần nộp bản chính các giấy tờ ngân hàng đang giữ.

Lợi dụng sơ hở này, các đối tượng sau khi đăng kiểm xe và xin cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đã đem xe đi bán ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ vay của các tổ chức tín dụng nhận thế chấp.

Từ phản ánh vụ việc nêu trên của cơ quan Công an, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát lại quy trình nội bộ về cấp tín dụng, thẩm định, quản lý tài sản bảo đảm có liên quan đến biện pháp bảo đảm bằng nhận thế chấp ô tô sát xi.

Cùng với đó, tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát phù hợp đối với tài sản bảo đảm là xe ô tô sát xi theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bán, chuyển nhượng tài sản thế chấp trái quy định pháp luật, tránh các rủi ro có thể xảy ra đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay, thu hồi nợ, nhận, quản lý và xử lý tài sản bảo đảm.