Khi tội phạm và tệ nạn cùng "chui" vào Telegram ẩn nấp (bài 1): "Mảnh đất màu mỡ" của thế giới ngầm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Telegram là một trong những ứng dụng nhắn tin, gọi điện video, chia sẻ file đa nền tảng được người dùng Việt Nam ưa chuộng bởi tính tiện dụng, bảo mật cao, nhưng cũng vì thế nó trở thành “thiên đường” cho những kẻ phạm tội lợi dụng và ẩn nấp. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của nhà cung cấp nền tảng ứng dụng xuyên biên giới này đối với các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo đảm sự an toàn và an ninh cho cá nhân cũng như tổ chức. Nếu không nhận biết hết nguy cơ tội phạm và tệ nạn trên môi trường nền tảng Telegram, nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những hành vi nguy hiểm từ người dùng ứng dụng của nền tảng này, thì hậu quả sẽ khôn lường khi quyền, lợi ích hợp pháp, nhân phẩm và sự bình yên của cả tỷ người dùng Telegram bị xâm hại, rồi an ninh an toàn của của hàng loạt các quốc gia cũng bị xâm hại.

Bên cạnh những tính năng tương tác tiện lợi trên mạng xã hội không thể phủ nhận, nền tảng ứng dụng Telegram cũng bị các đối tượng xấu lợi dụng làm “công cụ” thực hiện các hành vi tội phạm...

Telegram dung nạp cả một “thế giới ngầm”

Theo thống kê tại DataReportal đầu 2024, tỷ lệ người dùng Telegram tại Việt Nam chiếm 32,6% số người dùng Internet trong độ tuổi từ 16 đến 64 tuổi. Tức là, cứ ba người trong khoảng độ tuổi nói trên thì có một người dùng ứng dụng Telegram ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực trạng những hành vi tội phạm và tệ nạn lợi dụng và lạm dụng Telegram để ẩn nấp ở trong đó khiến nền tảng này một mặt được yêu thích bởi những người cần một ứng dụng chat tiện dụng, nhiều tính năng, nhưng mặt khác cũng trở thành môi trường nguy hiểm với người nhẹ dạ, thiếu nhận thức về an toàn an ninh mạng.

Đỗ Anh Tài sử dụng Telegram để giao dịch trái phép chất ma túy

Đỗ Anh Tài sử dụng Telegram để giao dịch trái phép chất ma túy

Môi trường hoạt động trước đây của tội phạm mạng thường là dark web - phần tối, phần chìm của thế giới Internet, khi người dùng muốn truy cập sẽ phải dùng đến trình duyệt đặc biệt là Tor cùng các dòng URL phức tạp. Cách làm này giúp chúng che giấu danh tính và thông tin cá nhân, tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, đồng thời hạn chế việc tiếp cận của số đông người dùng. Tuy nhiên những năm gần đây, Telegram nổi lên như một dark web kiểu mới, khi hoạt động tội phạm được nở rộ trên môi trường này.

Nền tảng do tỷ phú Pavel Durov sáng lập cho phép bất cứ ai cũng có thể truy cập chỉ qua thao tác tải phần mềm từ App Store, Play Store hay thậm chí trên chính trình duyệt web thông thường. Tháng 7-2024, một báo cáo của hãng bảo mật Kaspersky đánh giá "tội phạm mạng ngày càng sử dụng Telegram như một nền tảng cho các hoạt động thị trường ngầm". Thông qua kênh và nhóm, chúng quảng cáo tràn lan về những dịch vụ vốn bị cấm, từ dữ liệu cá nhân, phim ảnh khiêu dâm, dịch vụ tấn công mạng, thậm chí cả vũ khí, ma túy. Thống kê của Kaspersky cho thấy bài đăng về những dịch vụ này trên nền tảng trong tháng 5-6 tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông qua công cụ như trao đổi nhóm, kênh, kẻ gian dễ dàng tạo các cộng đồng để trao đổi thông tin phi pháp. Những hội nhóm có thể chứa đến 200.000 thành viên, có thể được tìm kiếm dễ dàng thông qua công cụ của chính nền tảng Telegram. Điều đó khiến người sử dụng nền tảng này ở Việt Nam hay bất cứ nước nào, sẽ không chỉ bị lợi dụng để thực hiện trao đổi phi pháp, mà còn là nơi các nhóm lừa đảo "làm thịt" con mồi, đặc biệt trong các vụ lừa "cộng tác viên", "làm nhiệm vụ" rộ lên năm 2023. “Kịch bản” thông thường là kẻ gian tiếp cận người dùng qua các bài đăng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, nhắn tin, gọi điện thoại, sau đó đề nghị kết nối qua Telegram rồi tha hồ tung hoành khi sử dụng không gian trên Telegram để thực hiện đủ loại hành vi tội phạm hoặc tệ nạn.

Đủ loại giao dịch ma túy, giấy tờ giả, mua bán dâm...

Tháng 6-2024, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã triệt phá một đường dây mua bán trái phép chất ma túy với thủ đoạn tinh vi. Đường dây này chủ yếu sử dụng nhóm kín trên mạng xã hội Telegram để “chào hàng” và giao dịch.

Cụ thể, khoảng 23h30 ngày 10-6, tổ công tác Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy (CAQ Long Biên) làm nhiệm vụ tại khu vực trước cửa số nhà 249, phường Thạch Bàn, quận Long Biên phát hiện ô tô BKS: 30E-264.52 có biểu hiện nghi vấn nên đã dừng xe để kiểm tra. Trên xe, ngoài lái xe còn có Ngô Anh Tài (SN 2001, trú tại tổ 11, phường Cự Khối, quận Long Biên). Lúc này, Ngô Anh Tài đang cầm 1 gói giấy bên trong có 1 túi nilon chứa 5 viên nén màu xám, 1 túi nilon chứa tinh thể màu trắng. Ngoài ra còn có 1 túi nilon khác chứa tinh thể màu trắng để tại hốc cửa ghế phụ phía trước nơi Ngô Anh Tài ngồi. Số tang vật này nghi là ma túy tổng hợp có tổng trọng lượng 14,656 gram. Qua đấu tranh tại chỗ, Ngô Anh Tài thừa nhận đây là Ketamine và MDMA đang được mang đi bán cho khách.

Tại cơ quan công an, Ngô Anh Tài khai có ý định mua ma túy để sử dụng và bán lại kiếm lời nên được một người quen giới thiệu liên lạc với tài khoản Telegram “VI22” để mua ma túy. Tối 10-6, Ngô Anh Tài đặt mua 2 “đơn hàng” Ketamine qua Telegram của Đỗ Anh Tài (SN 1994, trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) với giá 14,3 triệu đồng. Theo cơ quan điều tra, Đỗ Anh Tài hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý với thủ đoạn tinh vi và các giao dịch chỉ trao đổi qua Telegram. Cách giao hàng là ném ma túy tại một địa điểm được hẹn trước để khách ra nhận. Chính vì vậy, nhiều giao dịch mua bán ma túy của Đỗ Anh Tài đều trót lọt và đối tượng mua bán không biết mặt nhau.

Trước đó, vào tháng 2-2024, một đường dây mua bán 700kg ma túy từ Đà Nẵng về Hà Nội sử dụng mạng xã hội Telegram cũng đã bị Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy

- CATP Hà Nội triệt phá. Trong đường dây này, các đối tượng cầm đầu chủ yếu điều hành cấp dưới qua các ứng dụng mạng xã hội như Telegram, Zalo, Facebook…Tội phạm ma túy coi Telegram như “thiên đường” để dễ bề ẩn nấp. Tội phạm làm giả giấy tờ cũng vậy. Chuyên án xóa đường dây sản xuất, kinh doanh, sử dụng giấy tờ giả do CAQ Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khám phá hồi tháng 7-2024 vừa qua là một ví dụ.

Trong vụ án này, các đối tượng cũng triệt để tìm nguồn cung qua các mạng xã hội, trong đó có Telegram. Ví dụ, đối tượng Lê Thị Hằng Nga (SN 1990, trú tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội) sử dụng 2 tài khoản mạng xã hội là Zalo và Telegram để liên hệ với khách hàng. Khi khách có nhu cầu làm giả bằng cấp, giấy tờ, tài liệu, Nga sẽ yêu cầu khách gửi thông tin cá nhân gồm tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ của người muốn làm giả (nếu có mẫu sẵn thì sẽ gửi mẫu để coppy hình con dấu, chữ ký) rồi chuyển tiếp thông tin cho Phạm Viết Lương (SN 1988, trú tại xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) qua mạng Telegram để làm giả.

Nói tóm lại là trên Telegram có thượng vàng hạ cám, giao dịch từ vũ khí thô sơ đến vũ khí nóng, rồi ma túy, giấy tờ giả… Tệ nạn cũng ẩn nấp trên nền tảng này sau khi dẫn dụ con mồi từ các mạng xã hội khác, chuyển sang Telegram để vào các hội, nhóm riêng với tràn lan, vô vàn chiêu trò khiêu dâm, câu nhử, chào hàng ở trong đó, mà không hề chịu bất cứ một sự kiểm soát, ngăn chặn nào cả.

CAQ Bắc Từ Liêm thu giữ nhiều giấy tờ giả trong vụ án sản xuất, kinh doanh giấy tờ giả qua mạng Telegram

CAQ Bắc Từ Liêm thu giữ nhiều giấy tờ giả trong vụ án sản xuất, kinh doanh giấy tờ giả qua mạng Telegram

Ngồn ngộn những nguy cơ và nỗi lo

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là đơn vị chuyên biệt của CATP Hà Nội về công tác bảo đảm an ninh và an toàn mạng, và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đơn vị này đã đưa ra nhiều cảnh báo cho biết, Telegram đang bị tội phạm lợi dụng nhiều nhất để lừa đảo tài chính. Lý do của việc này là nhờ tính năng mã hóa và bảo mật cao của Telegram khiến nó trở thành công cụ lý tưởng cho các giao dịch phi pháp.

Ngoài ra, tội phạm mạng cũng hay lợi dụng Telegram để phát tán virus, malware, ransomware, hoặc các phần mềm độc hại cho thiết bị của người dùng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, hoặc khóa thiết bị để đòi tiền chuộc. Cảnh báo cũng chỉ ra rằng, Telegram còn là công cụ bị lạm dụng để phát tán thông tin xấu, độc và sai sự thật, xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như để kích động dư luận.

Bên cạnh đó, các hội nhóm liên quan đến các hoạt động tội phạm thường sử dụng nền tảng ứng dụng này để tổ chức các hoạt động (mỗi nhóm với số lượng thành viên từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn). Những nhóm này thường xuyên trao đổi hình ảnh, video nhạy cảm, cùng các lời chào mời quảng cáo mại dâm về sinh viên, người mẫu và các dịch vụ VIP, có hệ thống điều phối hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố. Khi người dùng có nhu cầu, họ có thể trao đổi riêng và thỏa thuận với các đối tượng thông tin liên lạc, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Không chỉ là “môi trường” để các đối tượng tội phạm liên lạc, trao đổi, Telegram còn là nơi các đối tượng lợi dụng lừa đảo người dùng, chiếm đoạt tài sản. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã ghi nhận nhiều trường hợp bị xâm nhập tài khoản Telegram. Đối tượng hay bị nhắm tới thường là những người ít am hiểu về công nghệ, coi Telegram là kênh phụ, không thường xuyên quan tâm đến những biện pháp bảo mật, không biết tính năng xác thực hai bước, không kiểm tra tài khoản có bao nhiêu thiết bị đang sử dụng nên dẫn đến bị đối tượng cùng sử dụng tài khoản của mình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người thân mà không biết.

Thủ đoạn thường gặp là giả mạo tin nhắn của Telegram hoặc tài khoản do đối tượng chiếm đoạt được, từ đó gửi thông báo yêu cầu vào đường link do đối tượng cung cấp trên tin nhắn. Khi nạn nhân truy cập vào sẽ phải cung cấp số điện thoại và quét QR code theo hướng dẫn của đối tượng. Từ đó các đối tượng dễ dàng đăng nhập vào tài khoản nạn nhân. Sau khi xâm nhập thành công, tội phạm nghiên cứu các nội dung tin nhắn cũ của người dùng, sau đó mạo danh người dùng để nhắn tin với người thân, bạn bè của người dùng nhằm mượn tiền (chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng). Khi tội phạm nhắn tin lừa đảo xong sẽ xóa luôn tin nhắn trao đổi (trên máy của chủ tài khoản) nên người bị xâm nhập tài khoản không phát hiện được.

Anh H, một nạn nhân trú tại Hà Nội chia sẻ, do lo lắng bị mất tài khoản, anh đã thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng. Khi truy cập thành công vào tài khoản của anh H, đối tượng đã gửi tin nhắn cho người thân anh H vay hơn 200 triệu đồng rồi chiếm đoạt số tiền trên. Chỉ khi người thân gọi điện thoại trực tiếp cho anh H mới nhận ra bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận đơn tố giác của chị Đ.T.P (SN 1984, trú tại phường Ka Long, thành phố Móng Cái) việc bị chiếm đoạt tài sản bằng phương thức chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram.

Cụ thể, khoảng giữa tháng 8-2024, chị P nhận được tin nhắn từ 1 tài khoản Telegram với nội dung: “Hệ thống sẽ phát hiện xem tài khoản của bạn có đăng nhập từ xa hay không. Vui lòng nhấp vào trang web chính chức để liên kết lại điện thoại di động của bạn”, kèm theo một đường link lạ. Do thiếu cảnh giác nên chị P đã truy cập vào đường link theo hướng dẫn và bị đối tượng chiếm tài khoản Telegram, sau đó bị theo dõi các cuộc nói chuyện. Khi có các khoản thanh toán trong kinh doanh với khách hàng, chị P bị đối tượng thay số tài khoản của chị bằng số tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn rồi nhanh chóng chuyển thành tiền điện tử để tẩu tán.

Thế giới ngầm bùng nổ chỉ là một phần trong sự phát triển thần tốc của nền tảng Telegram. Nền tảng ứng dụng xuyên biên giới này tạo ra những thách thức đối với các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan quản lý Nhà nước của hàng loạt quốc gia trên thế giới trong bảo đảm sự an toàn và an ninh cho cá nhân cũng như tổ chức. Nếu không nhận biết hết nguy cơ tội phạm và tệ nạn trên môi trường nền tảng Telegram, nếu không có được biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những hành vi nguy hiểm từ người dùng ứng dụng của nền tảng này, thì hậu quả sẽ khôn lường khi quyền, lợi ích hợp pháp, nhân phẩm và sự bình yên của cả tỷ người dùng Telegram bị xâm hại. An ninh an toàn của của hàng loạt các quốc gia cũng bị xâm hại.

(Còn nữa)