Cảnh báo nguy cơ thuốc lá lậu sẽ tràn lan nếu tăng thuế cao đột ngột

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN -  Tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nạn thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam đã được minh chứng bởi các số liệu thực tế trong các năm qua. Chuyên gia cảnh báo, việc tăng thuế cao đột ngột có thể làm tăng lượng tiêu thụ thuốc lá lậu trên thị trường và gây thất thoát lớn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% dẫn đến số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao vào năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao trong năm 2017.

Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao trong năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao vào năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao ở năm 2021.

Bắt giữ 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá

Bất chấp nỗ lực rất lớn từ các Bộ ngành chức năng, tình hình buôn lậu vẫn còn nhiều phức tạp do đặc thù của Việt Nam có đường biên giới dài với các quốc gia láng giềng và sự liều lĩnh của người bán thuốc lá lậu do lợi nhuận cao.

Phát biểu tại hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2019-2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển.

Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.

Ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường tổng kết những con số thống kê thể hiện sự phức tạp của nạn thuốc lá lậu hiện nay

Ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường tổng kết những con số thống kê thể hiện sự phức tạp của nạn thuốc lá lậu hiện nay

Bàn về nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, ông Kiều Dương chia sẻ, bên cạnh yếu tố khách quan như vùng biên giới rộng, các quốc gia lân cận không có chính sách phòng, chống thuốc lá lậu kiên quyết như Việt Nam, thì lợi nhuận buôn lậu thuốc lá là rất lớn, lớn hơn cái giá mà người buôn lậu phải trả nếu như bị phát hiện và xử phạt.

Đồng tình với ý kiến đó, ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), cũng đưa ra bức tranh về nạn buôn bán, sử dụng thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn ra song hành với thuốc lá hợp pháp một cách phức tạp, tinh vi tại nội địa. Thuốc lá lậu ước lượng chiếm 13% - 15% tổng sản lượng toàn Việt Nam (tương đương 4,8 - 5 tỷ bao).

Thuốc lá lậu hưởng lợi từ việc thuế tăng sốc?

Hệ thống tính thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá điếu đã được xây dựng và có lộ trình từ 2006 đến nay (từ 55% lên 75% với mức tăng 5%/lần và thời gian giãn cách giữa các lần điều chỉnh tăng là 3-4 năm/lần).

Tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam nhận định: “Việt Nam trải qua rất nhiều cuộc cải cách thuế và đặc biệt thuế TTĐB ở thuốc lá. Tuy nhiên, mức tăng thuế của chúng ta không tăng nhanh như đề xuất lần này của dự thảo”. Điều này phần nào giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực tới ngành thuốc lá hợp pháp trong thời gian qua, phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước hơn 100.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2023, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, và đặc biệt không tạo ra cú sốc tăng giá thuốc lá hợp pháp một cách đột ngột, hạn chế người tiêu dùng chuyển sang dùng thuốc lá nhập lậu có giá rẻ hơn, từ đó kìm hãm sự gia tăng của thuốc lá nhập lậu.

Nạn thuốc lá nhập lậu diễn ra phức tạp
Nạn thuốc lá nhập lậu diễn ra phức tạp

Tuy nhiên, nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh theo 2 phương án của Bộ Tài chính, sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực.

Theo đó, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030, thất thu từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với mức 5-6 nghìn tỷ đồng hiện tại. Hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và rủi ro nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, kéo theo việc làm của người lao động tại các nhà máy thuốc lá, nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu và các nhà phân phối, nhà bán lẻ chịu tác động tiêu cực.

Mô hình phân tích của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) tại hội thảo cũng đưa ra kịch bản tương tự với PwC: sản lượng hợp pháp giảm mạnh, thuốc lá lậu lại tăng lên nhanh chóng khi điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá theo đề xuất hiện nay.

Cụ thể, ở cả 2 phương án tăng thuế của Bộ Tài chính, sản lượng thuốc lá hợp pháp đều giảm mạnh vào năm 2030: thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế.

Ngược lại, lượng thuốc lá lậu sẽ tăng mạnh ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng 205% ở phương án 1 (khoảng 22 tỷ điếu) và tăng 230% ở phương án 2 (tương đương 24 tỷ điếu) so với 2025.

Cần lộ trình tăng hợp lý

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, việc tăng thuế cao và đột ngột vừa không hỗ trợ đạt mục tiêu tăng thu thuế đối với ngành hàng thuốc lá cũng như giảm tỷ lệ người hút mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề buôn lậu thuốc lá vốn đã phức tạp. Đồng thời, tạo ra các hiệu ứng dây chuyền tiêu cực trên thị trường thuốc lá như tiếp tục mất nguồn thu, đóng cửa các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp và gây mất công ăn việc làm của hàng trăm nghìn người lao động.

Tại Malaysia, sau khi tăng thuế vào giai đoạn 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55% chỉ sau 5 năm, thuốc lá lậu chiếm 65% thị phần vào năm 2020, gây thất thoát 5,1 tỷ RM tiền thuế, thu ngân sách sau tăng thuế giảm so với thời điểm trước tăng thuế trong khi đó tổng lượng tiêu thụ thuốc lá lại tăng 5% sau khi tăng thuế và 3 nhà sản xuất thuốc lá lớn đã đóng cửa các nhà máy tại quốc gia này.

Hay tại Đức, trong giai đoạn 2002-2005, khi thuế tuyệt đối tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%, người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34%, ngân sách Nhà nước bị trì trệ. Tại Vương quốc Anh vào năm 2011, quốc gia này đã tăng 30% thuế tuyệt đối dẫn đến thuốc lá lậu tăng và chiếm khoảng 20% thị trường vào năm 2016, gây thất thu thuế khoảng 2,5 tỷ bảng Anh.

Từ những phân tích trên và mô hình phân tích từ các tổ chức chuyên gia như PwC, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho thấy, cơ quan quản lý Nhà nước nên tham khảo những bài học quốc tế và các phân tích, mô hình hiện tại để có chính sách tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá phù hợp hơn bằng cách thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải với lộ trình hợp lý.

Bởi một khi rơi vào tình trạng thuốc lá lậu chiếm lĩnh thị trường, ngành thuốc lá hợp pháp chứng kiến sự suy giảm mạnh, ngân sách Nhà nước bị thất thoát nghiêm trọng do tăng thuế sốc, việc giải quyết những hệ quả tiêu cực này là không hề đơn giản.