Cảnh báo muộn!

ANTĐ - Liên tiếp gần đây có những cuộc hội thảo về thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông đã gióng lên hồi chuông về nạn bạo lực học đường khi tình hình này tiếp tục gia tăng về tính chất, mức độ lẫn sự nghiêm trọng của các vụ việc. 

Việc học sinh đánh nhau, tụ tập băng nhóm xử lý một cá nhân nào đó không còn là chuyện lạ. Mà khái niệm bạo lực cũng đã vượt qua cả quan niệm cũ, không chỉ là đánh nhau, mà mở rộng ra cả hành vi đe dọa, mắng chửi, đặt điều trong đời thực cũng như trên mạng internet. Đặc biệt, dư luận đã giật mình cách phản ứng của học sinh trước bạo lực. Thật đáng lo ngại khi các em hoặc thờ ơ bỏ đi nơi khác, hay đứng xem, thậm chí còn hô hào cổ vũ, quay phim chụp ảnh rồi tung lên mạng.

Bạo lực học đường trong những năm gần đây đang là nỗi lo lắng, bức xúc của cả xã hội, làm đau đầu không chỉ với những người có con em còn trong độ tuổi đến trường, mà trở thành vấn đề bức xúc ở các trường học. Theo số liệu của Bộ GD – ĐT trong mỗi năm học cứ mỗi ngày trên toàn quốc xảy ra trung bình 5 vụ việc học sinh đánh nhau cả trong và ngoài trường. Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Con số này hiển nhiên chưa chính xác bởi nhiều trường còn ém nhẹm thông tin vì sợ làm xấu hình ảnh trường mình. Nếu có thống kê đầy đủ, trung thực thì số vụ bạo lực sẽ rất lớn. 

Những câu chuyện đau lòng từ những vụ bạo lực học đường diễn ra gần đây gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh có con em ở tuổi thanh, thiếu niên. Ngay tại Hà Nội một kết quả nghiên cứu với 3.000 học sinh ở 30 trường THCS, THPT cho thấy, hơn 71% em đã bị bạo lực giới trong trường học, 73% học sinh bị bạo lực tinh thần. Một số trường tại Hà Nội sau khi kiểm tra đã phát hiện, thu giữ nhiều hung khí như côn, dao trong cặp, ba lô của học sinh. Nhiều trường hợp học sinh giấu vũ khí ở ngoài trường và khi có sự kiện thì đến lấy ra để đánh nhau.

Chỉ vì những hành động manh động, thiếu suy nghĩ mà các em đã để lại hậu quả khôn lường, đã có trường hợp làm chết người, rơi vào lòng lao lý. Đó là vì các em còn thiếu kỹ năng sống, đặc biệt là những kỹ năng  làm chủ bản thân, sống tích cực… nên khi gặp phải những mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống các em thường giải quyết theo bản năng, thiếu lý trí. Một số học sinh có lối sống ích kỷ, cá nhân do được gia đình quá chiều chuộng, đáp ứng mọi nhu cầu. Số khác lại thiếu sự quan tâm từ phía gia đình, do áp lực cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ đầu tắt mặt tối lao động kiếm tiền mà quên giáo dục con cái dẫn đến những sự việc đau lòng. 

Có thể thấy rằng, bạo lực học đường đang ngày càng lan rộng và trở thành một nỗi nhức nhối của nền giáo dục Việt Nam cần phải được ngăn chặn. Các chuyên gia đưa ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục, ngăn chặn tình trạng bạo lực, mà nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do trường phổ thông hiện nay chỉ chú trọng dạy chữ hơn dạy làm người. Có vẻ như đạo đức, lối sống học sinh đang bị chính các gia đình và nhà trường bỏ qua nên đã tạo ra nhiều đối tượng sống ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, trái với những chuẩn mực đạo đức xã hội, thiếu các phẩm chất nhân bản của con người như lòng yêu thương, nhân ái, sự sẻ chia.